10/06/2019 - 07:17

Chủ động ứng phó thiên tai 

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết, thiên tai xảy ra trên cả nước nói chung và ở TP Cần Thơ nói riêng, thất thường, cực đoan so với thời gian trước. Nhất là hiện tượng thời tiết dị thường, thiên tai, bão, lũ liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng đến nhiều địa phương vùng ÐBSCL và TP Cần Thơ. Hạn mặn, mưa, bão, triều cường, lốc xoáy, sạt lở... gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, khó lường.

Điểm sạt lở vào tháng 5-2019 tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, gây gián đoạn giao thông tại địa phương cần khẩn trương khắc phục.

► Hiện tượng thời tiết khó lường

 Năm 2018, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 24 đợt lốc xoáy, 18 điểm sạt lở và 2 đợt triều cường với mức đỉnh triều cao trên 2 mét. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 37,2 tỉ đồng. Cụ thể, lốc xoáy làm chết 1 người, sập 46 căn nhà, tốc mái 208 căn và xiêu vẹo 3 căn với tổng thiệt hại khoảng 3,4 tỉ đồng; xuất hiện 18 điểm sạt lở, làm sụp hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn bị sạt lở một phần... Tổng chiều dài bờ sông, đường giao thông bị sạt lở trên 619m, thiệt hại khoảng 33,8 tỉ đồng...

Riêng, 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 3 đợt lốc xoáy (làm sập, hư hỏng nhiều căn nhà, thiệt hại khoảng 45 triệu đồng); xuất hiện 7 điểm sạt lở làm sụp hoàn toàn 4 căn nhà, 1 căn nhà bị sạt một phần, di dời 17 căn bị ảnh hưởng, với tổng thiệt hại trên 1,1 tỉ đồng. Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố và các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Từ năm 2018 đến nay, thành phố hỗ trợ thiệt hại và khắc phục khẩn cấp các công trình bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra trên 7,5 tỉ đồng, từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai của thành phố, giúp người dân ổn định cuộc sống…”.

Sạt lở bờ sông, kênh, rạch là một trong những hiện tượng thiên tai xuất hiện với tần suất ngày càng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đi lại và tài sản của người dân. Mới đây, nhiều người dân tại khu vực Bình Dương, phường Long Hòa (quận Bình Thủy) chứng kiến một đoạn đường giao thông cặp Rạch Cam bị sụp đổ, làm gián đoạn giao thông tại địa phương, ảnh hưởng 3 căn nhà dân kế cạnh. Chính quyền địa phương khẩn trương cắm biển cảnh báo, động viên và hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ cho 3 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng.

Tháng 4-2019, tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An (quận Ô Môn) tiếp tục xảy ra sạt lở bờ sông Ô Môn, khiến 11 căn nhà bị sụp đổ 1 phần. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 60 mét, ăn sâu vào bờ khoảng 5 mét. Ngoài 11 căn nhà bị ảnh hưởng, sự cố còn khiến một cột điện lọt xuống sông gây mất điện diện rộng. Điểm sạt lở trên là khu vực từng xảy ra sạt lở vào ngày 21-5-2018, làm 7 căn nhà sụp đổ hoàn toàn, 14 căn sụp đổ 1 phần, 18 căn phải di dời khẩn cấp. Ông Đào Minh Huy, Chủ tịch UBND phường Thới An, cho biết: “Trước đây, tại điểm sạt lở là khu dân cư sầm uất, người dân thuận tiện sinh hoạt mua bán, kinh doanh “trên bến, dưới thuyền”. Nhưng từ khi sạt lở xảy ra, hàng chục căn nhà phải di dời, thiệt hại hàng chục tỉ đồng của người dân, địa phương. Nhờ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, bà con ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương sẽ thường xuyên kiểm tra, yêu cầu bà con không trú ngụ tại các căn nhà gần khu vực sạt lở, nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”.

► Chủ động phòng tránh

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam bộ, mùa mưa bão năm 2019 đã bắt đầu, tổng lượng mưa toàn mùa khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Trong đó, các tháng đầu mùa (tháng 6, 7) xấp xỉ TBNN, các tháng 8 và 9 cao hơn TBNN, các tháng cuối mùa (tháng 10, 11) ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN; cần chú ý đề phòng gió mạnh kèm theo lốc, sét vào các thời kỳ chuyển mùa, đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với TBNN, với khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019; cần đề phòng những cơn bão, ATNĐ hoạt động vào các tháng cuối mùa mưa (tháng 10, 11, 12) ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ...

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND TP Cần Thơ đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác PCTT-TKCN; đồng thời triển khai kế hoạch trọng tâm năm 2019. Theo đó, các sở, ngành, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra các công trình, nhà cửa, nhất là ở các nơi trống trải để chằng chống, tăng độ vững chắc, nhằm hạn chế tốc mái, sập nhà khi giông gió, lốc xoáy xảy ra; thực hiện gia cố, chằng chống các trụ điện hạ thế, tiến hành phát quang cây cối dọc theo các tuyến đường dây tải điện để hạn chế việc đứt dây, ngã đổ trụ điện do gió lốc đi qua; kiểm tra, tổ chức đốn cây, chặt cành các cây trong nội ô thành phố, thị trấn có nguy cơ gió lốc làm gãy đổ nhằm tránh gây thiệt hại về người và tài sản. Các địa phương phải dự trù sẵn sàng những điểm an toàn để sơ tán nhân dân, nhất là người già và trẻ em ra khỏi những nơi nguy hiểm khi xảy ra thiên tai, sự cố xấu; kiểm tra, bổ sung phương tiện cứu hộ, cứu nạn...UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp phải triển khai thực hiện cấp bách các công việc, như: Tổ chức kiểm tra thực địa, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp khắc phục, đề phòng; kiên quyết chỉ đạo, vận động và tổ chức di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, chỉ đạo: “Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các ngành, các cấp tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác PCTT-TKCN trong năm 2018, làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém để chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời, các ngành, các cấp phải xây dựng phương án và triển khai nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2019 sát với tình hình thực tế địa phương, của đơn vị, trong đó có tính đến yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu; củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp để điều hành, xử lý kịp thời các tình huống xấu; đảm bảo công tác trực chỉ huy, báo cáo và kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó khi thiên tai xảy ra...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết