 |
Theo Cục Thống kê thành phố, nhiều loại hàng hóa có khả năng tăng giá trong tháng 1-2009 do nhu cầu mua sắm dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán tăng lên. Trong ảnh: Shop 254 (ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều) chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết.
Ảnh: ANH KHOA |
Theo số liệu công bố từ Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng cuối năm 2008 giảm 1,33% so với tháng trước. Tuy nhiên, Cục Thống kê thành phố dự báo: xu hướng tiêu dùng sẽ tăng trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Theo đó, giá cả hàng hóa tăng, đẩy CPI của thành phố trong tháng đầu năm 2009 tăng khoảng 0,3% so với tháng cuối năm 2008. Trước tình hình này, TP Cần Thơ đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm bình ổn thị trường từ tháng đầu năm 2009.
CPI GIẢM THÁNG THỨ TƯ LIÊN TIẾP
Bắt đầu từ tháng 9, chỉ số CPI của TP Cần Thơ bước vào thời kỳ tốc độ tăng đạt mức âm, giảm 0,61% so với tháng 8. Sang tháng 10 và tháng 11, CPI của thành phố tiếp tục giảm sâu với mức giảm hằng tháng tương ứng là 0,12% và 1,39%. Tháng cuối năm 2008, theo công bố của Cục Thống kê thành phố, CPI tiếp tục giảm 1,33%. Đây là tháng thứ tư liên tiếp CPI của TP Cần Thơ đạt tốc độ tăng âm.
Trong rổ hàng hóa được đưa vào tính CPI tháng 12-2008, giảm mạnh nhất là nhóm hàng phương tiện đi lại và bưu điện, giảm đến 8,6% so với tháng 11. Một trong những nguyên nhân chủ yếu chính là xăng dầu, mặt hàng có nhiều tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường, giảm mạnh. Trong tháng, mặt hàng này có đến 3 lần giảm giá: 2 lần giảm 1.000 đồng/lít/lần đối với xăng và giảm 1.000 đồng/lít đối với dầu. Mức tăng âm đứng hàng thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, chỉ bằng 96,28% so với tháng trước. Sau một thời gian dài rớt giá, lúa hàng hóa đã tăng thêm 200 - 300 đồng/kg từ trung tuần tháng 12-2008. Đặc biệt, trong tháng, do thời tiết không thuận lợi, hầu hết các loại rau đến tay người tiêu dùng đều tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg tùy loại; nhiều mặt hàng thực phẩm bắt đầu tăng giá với trung bình 1,38% so với tháng trước để “đón đầu” các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, những mức tăng này không đủ “nặng” để kéo chỉ số giá của nhóm hàng lương thực - thực phẩm tháng này tăng lên. Trái lại, chỉ số giá nhóm hàng này tiếp tục giảm đến 1,12% so với tháng 11- 2008. Một trong những ảnh hưởng của việc chỉ số giá giảm vừa nêu là trong tháng giá gạo trên thị trường tiếp tục giảm mạnh. Gạo tẻ thường chỉ còn ở mức 6.500 - 8.000 đồng/kg. Nhóm hàng đồ uống và thuốc lá chỉ số giá giảm ít nhất, mức giảm 0,18%.
Các nhóm hàng như: may mặc, mũ nón và giày dép, giáo dục, văn hóa thể thao và giải trí giá cả không biến động. Các nhóm còn lại như thiết bị và đồ dùng gia đình, y tế và dược phẩm, hàng hóa và dịch vụ khác mức tăng từ 0,23 - 0,92%.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG
Theo Tổng Cục Thống kê, CPI tháng 12-2008 của cả nước tiếp tục giảm 0,68% so với tháng 11-2008. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp CPI của cả nước giảm. Song, giá tiêu dùng bình quân của năm 2008 so với năm 2007 đã tăng 22,97%. Đây là tốc độ tăng cao nhất trong thập kỷ này và là năm đầu tiên chỉ số CPI tăng hai con số. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây chưa phải là hiện tượng thiểu phát cũng như giảm phát của nền kinh tế. Trong năm 2009, gói kích cầu đầu tư 1 tỉ USD của Chính phủ sẽ được triển khai thực hiện và kéo dài đến năm 2010. Ngoài ra, việc giảm lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, giá cả hàng hóa trên thị trường giảm vào những tháng cuối năm 2008... sẽ là những yếu tố thuận lợi để các doanh nghiệp tranh thủ đầu tư, tăng cường sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh từ đó hạ giá thành sản phẩm, góp phần bình ổn thị trường.
Riêng tháng đầu năm 2009, tháng cao điểm của tiêu dùng cuối năm nhân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, theo dự báo của Cục Thống kê TP Cần Thơ, giá lúa gạo, nếp, thực phẩm tươi sống, giá cước vận tải; vật phẩm giáo dục, vải sợi, hàng nhựa... sẽ có xu hướng tăng. Ngược lại, giá xăng dầu có thể tiếp tục giảm do giá xăng dầu trên thế giới biến động giảm. Những tác động này khiến CPI của thành phố có thể sẽ tăng. Nhưng chỉ khoảng 0,3% so với tháng cuối năm 2008.
Theo nhận định của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị giao kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tiếp tục lan rộng trên quy mô toàn cầu và còn nhiều diễn biến phức tạp. Điều này sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta, trong đó có TP Cần Thơ. Chính vì thế, ngay từ tháng đầu năm 2009, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình chung của thế giới và cả nước để phục vụ công tác dự báo và điều hành của UBND thành phố một cách linh hoạt, hợp lý trước mọi biến động. Trước mắt, vẫn tập trung thực hiện các giải pháp nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, khắc phục những ảnh hưởng do tác động của lạm phát; tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết như: bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt, giày dép, may mặc.... Song song đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Trong đó, đặc biệt lưu ý tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ cho khu vực này phát triển ổn định để nông dân có vốn phát triển sản xuất và kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, tăng vốn đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng bức xúc, mang lại hiệu quả với mục tiêu kích thích đầu tư; thực hiện chính sách an sinh xã hội...
HÀ TRIỀU