10/03/2020 - 07:04

Chủ động giảm chi phí sản xuất vụ lúa hè thu 

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nông dân ở TP Cần Thơ đã bắt tay vào sản xuất vụ lúa hè thu 2020. Đây là vụ lúa được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do hạn, mặn đang diễn biến khốc liệt. 

Nông dân tại xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai làm đất chuẩn bị gieo sạ lúa hè thu.

Chi phí sản xuất dự kiến tăng

Đến nay, nông dân TP Cần Thơ xuống giống được hơn 36.610ha lúa hè thu, đạt 48% so với kế hoạch, sớm hơn 4.116ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung tại các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Nhìn chung, các trà lúa hè thu đang chủ yếu ở giai đoạn mạ, phát triển khá tốt. Tuy nhiên, trên một số trà lúa có bù lạch, ốc bươu vàng... xuất hiện với mật số thấp. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết và thủy văn tiếp tục có nhiều diễn biến bất lợi cho sản xuất. Vì vậy người nông dân không nên chủ quan.

Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Tôi đã xuống giống 12 công lúa, được 10 ngày tuổi, phát triển khá tốt, chưa phải phun thuốc trừ sâu bệnh lần nào. Song, vụ này chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng cao do nắng nóng gay gắt khiến nước bốc hơi nhanh, tôi phải thường xuyên bơm tưới nước cho lúa và buộc phải tăng lượng phân bón”.

Ông Nguyễn Anh Huy ngụ ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cũng cho biết: “Vụ này, chi phí dự kiến tăng ít nhất từ 200.000-300.000 đồng/công so với vụ đông xuân do nông dân phải tốn chi phí bơm nước và tăng lượng phân bón. Song, nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi khá tốt không lo thiếu nước sản xuất...”.

Vụ này trời nắng nóng, đồng ruộng dễ bị khô nước nên nông dân không chỉ lo phải tốn chi phí bơm tưới nước mà còn lo cỏ dại và lúa cỏ có điều kiện phát triển mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Phúc ngụ xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, sản xuất lúa vụ hè thu không chỉ gặp bất lợi về thời tiết, thủy văn mà hiện nhiều chi phí sản xuất đầu vào: phân bón, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng cao hơn. Lúa vụ hè thu lại không trúng mùa bằng vụ đông xuân nên nông dân khó đạt được mức lời cao.

“Qua sản xuất lúa vụ hè thu nhiều năm nay, tôi thường chỉ đạt mức lời khoảng trên dưới 1 triệu đồng/công với hơn 3 tháng lao động. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục làm lúa vụ này thì tôi không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập, chuyển sang trồng màu thì sợ không có đầu ra! Nếu bỏ trống ruộng thì cỏ mọc um tùm lại phải tốn nhân công và chi phí diệt cỏ. Hy vọng vụ này bán lúa được giá để bù chi phí tăng”- ông Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp 

Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Lai, hiện nông dân tại huyện đã xuống giống được hơn 4.762ha, đạt 25,9% kế hoạch (18.382ha), trong đó nông dân tham gia “cánh đồng lớn” xuống giống được 2.385ha, đạt 18,35% kế hoạch (13.000ha). Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, bên cạnh việc vận hành tốt các hệ thống cống và công trình thủy lợi trên địa bàn, huyện cũng chủ động rà soát, tham mưu UBND huyện đầu tư 18 công trình thủy lợi tạo nguồn và vận động nhân dân nạo vét 8 công trình thủy lợi nội đồng.

Huyện Cờ Đỏ cũng luôn quan tâm dõi sát tình hình thời tiết, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh để phục vụ cho việc chỉ đạo xuống giống, bảo vệ và chăm sóc tốt lúa hè thu. Thường xuyên thông tin diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn và sâu, bệnh để người dân biết và chủ động ứng phó. Chủ động rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước tại các tuyến kênh để có kế hoạch nạo vét kịp thời, đảm bảo nguồn nước tưới. Tập trung nguồn lực tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất cho người nông dân. Tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm ổn định giá bán và ngăn ngừa tình trạng giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng.

Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ đến nay huyện đã xuống giống được 11.935ha lúa hè thu, đạt 51,17% kế hoạch. Lúa chủ yếu đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh, phát triển bình thường.

Huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội và tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và thành phố thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nhiều địa phương tại thành phố cũng đã triển khai xây dựng các trạm bơm điện với quy mô công suất lớn nhằm phục vụ tưới tiêu nước cho cả cánh đồng. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và chi phí bơm nước đồng thời giúp trữ nước ngọt và ngăn không cho nước lũ, cũng như nước mặn xâm nhập vào kênh mương nội đồng, gây thiệt hại cho sản xuất.

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Hiện toàn huyện Vĩnh Thạnh có 10 trạm bơm điện quy mô lớn được đưa vào hoạt động, phục vụ cho gần 3.000ha đất sản xuất lúa và có 5 trạm bơm điện đang trong quá trình xây dựng.  Nông dân tưới tiêu nước cho lúa bằng các trạm bơm điện lớn theo quy mô có thể giảm được hơn 30% chi phí bơm nước so với trước đây bơm nước theo kiểu nhỏ lẻ. 

Trước nhiều yếu tố bất lợi cho lúa vụ hè thu 2020, ngành nông nghiệp tại các địa phương sản xuất lúa diện tích lớn: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Thốt Nốt... triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp nông dân ứng phó hiệu quả và giảm được tối đa các chi phí. Đặc biệt, các địa phương đã tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua các buổi tập huấn, mô hình cụ thể nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng hạt lúa và lợi nhuận. Tăng cường thông tin, cập nhật thường xuyên về tình hình thời tiết, thủy văn, sâu bệnh và đưa ra các khuyến cáo kịp thời để giúp nông dân chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại và giảm được chi phí. Vận hành tốt hệ thống thủy lợi để đảm bảo nguồn nước và kịp thời thông báo thời điểm thuận lợi về nguồn nước, giúp nông dân tận dụng lúc nước thủy triều lên để khai nước vào ruộng lúa, giảm chi phí bơm nước.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết