22/03/2010 - 21:47

Chọn ngành, nghề như thế nào?

Từ ngày 10-3, các trường THPT bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của thí sinh. Đây là thời điểm thí sinh cân nhắc chọn ngành, nghề- bước quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của thí sinh. Để giúp thí sinh có quyết định đúng đắn khi chọn ngành, nghề dự tuyển, Báo Cần Thơ xin giới thiệu một số kinh nghiệm của các nhà quản lý giáo dục, cán bộ phụ trách tuyển sinh của các trường.

Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Cần Thơ:

PHÂN TÍCH KỸ ĐỂ CHỌN ĐƯỢC NGÀNH PHÙ HỢP

 

- Để lựa chọn ngành, học sinh nên “đi” qua 5 bước:

+ Bước 1: xác định mục tiêu học cao đẳng, đại học là để có được ngành nghề đi làm việc, xây dựng cuộc sống, đóng góp cho xã hội. Không nên thấy bạn đăng ký thi thì mình cũng đăng ký mà phải có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, suy nghĩ thận trọng.

+ Bước 2: xác định sở thích cá nhân thuộc lĩnh vực nào (sư phạm, kỹ thuật, công nghệ...), khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

+ Bước 3: tìm hiểu thêm chi tiết về ngành nghề đã xác định qua quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh năm 2010” hay trên website của các trường có liên quan. Cần tìm hiểu những thông tin về mục tiêu đào tạo của ngành, khối thi, những khối kiến thức được cung cấp trong quá trình học, cơ hội làm việc và học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp.

+ Bước 4: tự so sánh học lực của bản thân để lựa chọn trường phù hợp. Cần tham khảo thêm thông tin về điểm trúng tuyển của các trường ở những năm trước. Tỷ lệ chọi chỉ để tham khảo, điểm trúng tuyển mới là quan trọng bởi có ngành tỷ lệ chọi không cao nhưng điểm trúng tuyển lại rất cao.

+ Bước 5: tổng hợp các thông tin của 4 bước trên để lựa chọn lại 1 đến 2 ngành của trường nào đó phù hợp nhất.

Về nguyên tắc, học sinh có thể đăng ký dự thi vào nhiều ngành nhưng khi dự thi chính thức thì mỗi đợt thi, thí sinh chỉ có thể dự thi một ngành. Nếu phân tích kỹ như trên, việc lựa chọn ngành, nghề chắc chắn sẽ phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình.

Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh cần lưu ý khi điền thông tin ở mục 2 và mục 3:

+ Ở mục 2, thí sinh ghi tên trường đăng ký dự thi; điền ký hiệu trường đăng ký dự thi, khối thi và mã ngành. Nếu thí sinh có nguyện vọng học tại trường dự thi thì điền đủ thông tin vào 3 ô mã ngành. Ngược lại, nếu thí sinh có nguyện vọng học ở trường khác (trường không có tổ chức thi hoặc hệ cao đẳng của trường đại học) thì không điền mã ngành và phải tiếp tục điền đủ thông tin vào mục 3.

+ Ở mục 3, thí sinh phải ghi đầy đủ tên trường mà mình có nguyện vọng theo học, ký hiệu trường và mã ngành.

Ghi chính xác thông tin đối tượng ưu tiên ở mục 8 và mục 9 (hộ khẩu), mục 10 (nơi học THPT hoặc tương đương), mục 11 (khu vực có liên quan đến xác định ưu tiên khu vực). Có trường hợp thí sinh ghi nhầm lẫn đối tượng ưu tiên và ưu tiên khu vực nên sau khi trúng tuyển, nhà trường kiểm tra lại không đúng và bị buộc thôi học.

Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ:

TRÁNH “CHẠY” THEO PHONG TRÀO

 

- Qua nhiều năm làm công tác tuyển sinh, tôi nhận thấy nhược điểm của thí sinh là thường chọn ngành, nghề theo cảm tính; thấy bạn bè chọn thì mình chọn theo học. Hoặc có xu hướng chọn ngành nghề làm việc nhàn nhã, không vất vả. Vì vậy, có những ngành, nghề xã hội đang rất cần nhưng ít thí sinh đăng ký dự thi, như: Hàn, Tiện... vì nghĩ rằng công việc này vất vả, nặng nhọc. Trong khi đó, các ngành Kế toán, Tài chính- Tín dụng, Quản trị doanh nghiệp... làm việc ở văn phòng, đỡ vất vả hơn. Cần hiểu rằng chọn ngành nghề là một bước ngoặt quan trọng bởi có thể thí sinh sẽ gắn cuộc đời của mình với ngành nghề đó. Nếu lựa chọn ngành nghề không phù hợp dễ dẫn đến tình trạng bỏ học, bỏ nghề, tốn kém chi phí, thời gian và công sức... Vì vậy, phải đam mê, yêu thích và cần có thời gian tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định.

Để giúp thí sinh chọn lựa ngành nghề phù hợp, các trường phổ thông cần tăng cường tư vấn hướng nghiệp; trường cao đẳng, trung cấp, đại học phối hợp chặt chẽ với các trường phổ thông để tư vấn tuyển sinh lâu dài, thường xuyên từ lớp 9 đến lớp 12; gia đình phải định hướng cho học sinh về ngành nghề yêu thích, năng lực bản thân...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai:

TẤT CẢ CÁC NGÀNH, NGHỀ ĐỀU ĐÁNG QUÍ, TRÂN TRỌNG

 

- Học sinh thường đặt mục tiêu phải đậu đại học vì cho rằng chỉ có con đường đại học mới dẫn đến thành công. Nhiều em không lường được khả năng của mình nên rớt đại học. Tôi nghĩ, khi đăng ký dự thi (ĐKDT), học sinh nên tham khảo nhiều kênh thông tin về các ngành nghề. Trong đó, chú ý đến các ngành nghề mình thích và có khả năng thi đậu. Để có thể lường được khả năng thi đậu hay không, các em còn phải tham khảo điểm trúng tuyển, tỷ lệ chọi, đề thi của năm trước... Các em cũng nên tham khảo thầy cô bộ môn và giáo viên chủ nhiệm để nhờ tư vấn bởi vì giáo viên hiểu rõ năng lực của các em. Ngoài ra, cần tính đến yếu tố kinh tế gia đình. Khi các em chọn ngành học tốn nhiều thời gian, học phí cao, ở nơi chi phí đắt đỏ, vượt quá khả năng của gia đình thì sẽ rất khó cho các em.

Học sinh thường quan niệm ngành này “ngon”, ngành khác “không ngon”. Đó là quan niệm sai. Các em cần hiểu rằng tất cả các ngành, nghề đều đáng quí, đáng trân trọng. Điều quan trọng là trong quá trình học, các em có học tốt, vững nghề hay không để có thể ứng dụng trong thực tế.

Ông Nguyễn Văn Sang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, huyện
Phong Điền:

CHỌN NGÀNH HỌC PHÙ HỢP VỚI KHẢ NĂNG, NHU CẦU TƯƠNG LAI VÀ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ GIA ĐÌNH

 

- Những năm gần đây, vẫn còn rất nhiều học sinh lựa chọn ngành, nghề theo sở thích, theo bạn bè... Nhiều học sinh chưa hiểu hết về ngành mà mình chọn nên cho dù đậu cũng không hứng thú khi vào học. Có học sinh lại chọn những ngành thật “nóng” với suy nghĩ các ngành này dễ có việc làm khi ra trường nhưng các em không lường được sau 4-5 năm học, liệu ngành đó có còn “nóng” nữa không? Không có ngành học nào là không cần cả. Vì vậy, các em nên lựa chọn ngành học phù hợp với các yếu tố: khả năng, nhu cầu tương lai và điều kiện kinh tế gia đình.

Việc tìm hiểu thật kỹ ngành, nghề mà mình chọn trước khi làm hồ sơ ĐKDT là rất quan trọng. Trong quá trình tìm hiểu, nếu nhận thấy mình không có khả năng đậu đại học, các em hãy mạnh dạn đăng ký vào các trường cao đẳng, trung cấp có cùng ngành, nghề mà mình yêu thích. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, các em vẫn có thể học liên thông hoặc vừa học vừa làm để lấy bằng đại học.

GIANG - NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết