12/08/2009 - 13:57

Khai mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII

Cho ý kiến về một số vấn đề lớn của hai dự án Luật Cơ yếu và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Sáng 11-8, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng dự.Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết: Trong phiên họp diễn ra từ 11-15/8, UBTVQH sẽ tiếp tục tiến hành chất vấn một số bộ trưởng. Về công tác xây dựng luật, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn của 4 dự án: Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Cơ yếu; vấn đề tên gọi của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh và cho ý kiến lần đầu vào 3 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Trọng tài thương mại và Luật Bưu chính. UBTVQH sẽ nghe báo cáo về một số vấn đề liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa nguyên đơn là Công ty Tiên Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với bị đơn là Công ty TNHH Châu Tuấn (tỉnh Hà Tĩnh); báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.


Trong phiên họp này, UBTVQH còn cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu QH hoạt động chuyên trách và nghe Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng báo cáo nhanh kết quả Đại hội đồng AIPA - 30 tại Thái Lan vừa qua.


UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Viễn thông. Dự thảo Luật sau khi được chỉnh sửa gồm 10 chương, 64 điều, gộp một số điều và bổ sung 3 điều mới so với dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 5. UBTVQH cơ bản tán thành nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý đồng thời góp ý thêm vào các nội dung: Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật; cạnh tranh trong quá trình phát triển thị trường viễn thông; đối tượng, nguồn hình thành quỹ viễn thông công ích; xung quanh các điều 10, 11, 12 về quản lý viễn thông.


Nhiều đại biểu ủng hộ sự cần thiết duy trì Quỹ viễn thông công ích và cho rằng Quỹ này đang hoạt động có hiệu quả trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập đối với các vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nơi chi phí cung cấp dịch vụ cao, thu nhập dân cư thấp, đầu tư dịch vụ không có lãi. Nguồn tài chính của quỹ được đóng góp từ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông và của nhà nước theo nguyên tắc lấy gần bù xa để nhân dân mọi vùng miền đều được hưởng những thành quả phát triển viễn thông.


Cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tần số vô tuyến điện (TSVTĐ), đa số ý kiến tán thành cần có điều riêng quy định về Ủy ban TSVTĐ trong luật và làm rõ hơn vai trò, chức năng. Thực tế, UB này đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập hơn 20 năm qua; thành phần hoạt động kiêm nhiệm nên không làm tăng biên chế, không ảnh hưởng đến yêu cầu thực hiện cải cách hành chính. UB này tư vấn về vấn đề xây dựng quy hoạch tần số liên quan đến quốc phòng - an ninh và tổ chức phối hợp trong việc sử dụng tần số giữa các lĩnh vực này nhằm bảo đảm cho các hệ thống VTĐ phục vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh hoạt động có hiệu quả, không gây can nhiễu lẫn nhau.


* Chiều 11-8, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về một số vấn đề lớn của hai dự án Luật Cơ yếu và Luật Khám bệnh, chữa bệnh.


Cho ý kiến về vấn đề có nên đặt Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ hay thuộc Chính phủ hoặc thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho phù hợp với tính chất hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, một số đại biểu nhất trí với ý kiến đề xuất của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh là Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu. Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ , giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với hoạt động cơ yếu trong phạm vi cả nước.


Cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ đã nhất trí giữ nguyên tên gọi của Luật là Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân về công tác khám bệnh, chữa bệnh, góp phần chấn chỉnh tình trạng quá tải của các bệnh viện, y đức xuống cấp của một số cán bộ y tế hay như sự phân biệt đối xử trong khám chữa bệnh...


Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần đặc biệt quan tâm đề cao vấn đề y đức để đưa vào trong Luật, như vậy sẽ đảm bảo được vấn đề cốt lõi của chất lượng dịch vụ y tế và nhân dân sẽ được hưởng lợi. Việc đưa vấn đề y đức vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sao cho ngắn gọn, súc tích, đầy đủ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm soát...

THANH HÒA-LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết