14/09/2012 - 21:51

PHIÊN HỌP 11, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Cho ý kiến về Đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 11, sáng 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đề án được xây dựng nhằm tạo điều kiện để Quốc hội, HĐND thay mặt nhân dân giám sát những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; qua đó, tăng cường trách nhiệm của những người này. Đồng thời, cụ thể hóa một bước quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được Hiến pháp và pháp luật quy định theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; gắn kết việc lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm...

Dự thảo Đề án cũng nêu rõ: Quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, chặt chẽ, thận trọng, có cơ sở pháp lý, bảo đảm sự ổn định của bộ máy nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ; ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho việc thực hiện công tác cán bộ của Đảng.

Thảo luận về Đề án, UBTVQH cơ bản tán thành: Việc xây dựng Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là rất cần thiết nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; đồng thời, tham mưu, giúp Quốc hội, HĐND tìm ra các giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần đưa các quy định của Hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đi vào cuộc sống. Việc xây dựng Đề án cũng phù hợp với yêu cầu và để triển khai Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó, giao UBTVQH xây dựng Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012).

Chiều 14-9, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Đây là lần đầu Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này.

Tờ trình dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)(KH&CN) nêu rõ: Luật KH&CN cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KH&CN; bảo đảm tính phù hợp cả về nội dung cũng như hình thức văn bản và được cập nhật để đáp ứng quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế. Luật KH&CN phải tạo được nền tảng pháp lý nhằm giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của KH&CN trong thời gian qua, để triển khai thực hiện ba nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá trong hoạt động KH&CN là: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH&CN; tăng cường đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN, trước hết là đầu tư vào hạ tầng khoa học và công nghệ; xây dựng chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ.

Dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) gồm 80 điều, được chia thành 8 chương (bỏ 17/59 điều, sửa đổi 42/59 điều của Luật KH&CN hiện hành, đồng thời bổ sung 38 điều mới).

Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc áp dụng chế độ khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ ; vấn đề nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách Nhà nước được cấp, sử dụng kinh phí thông qua các quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hoặc theo cơ chế tài chính áp dụng đối với quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ...

THANH HÒA- QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết