22/04/2009 - 08:40

Kết thúc phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cho ý kiến vào 12 dự án Luật, chương trình dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010

Sau một tuần làm việc khẩn trương, chiều 21-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết luận, đã đánh giá phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đạt được sự nhất trí trong việc xem xét cho ý kiến vào 12 dự án Luật; chương trình dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; dự án Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng hoàn thành việc cho ý kiến vào hai chuyên đề giám sát của Quốc hội cùng một số vấn đề khác nằm trong thẩm quyền của Ủy ban.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hữu quan của Quốc hội gấp rút hoàn thành các công việc cần làm trên cơ sở kết quả phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XII.

Trước đó, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý nợ công và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị.

Về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị được trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này gồm 78 điều, giảm 3 điều so với dự án Luật trình trước kỳ họp trước và sửa đổi bổ sung, chỉnh lý kỹ thuật, văn phong 71 điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề còn chưa đạt được sự nhất trí giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Đó là có thành lập hay không thành lập Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và thiết chế Kiến trúc sư trưởng. Bộ Xây dựng hay Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch tại các đô thị, nhất là tại các đô thị đặc biệt (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cho rằng, trong cơ chế hiện nay rất khó thực hiện được quy chế Kiến trúc sư trưởng như Dự luật đề ra. Cần phải có tổng kết thực tiễn thực hiện quy chế này trên cơ sở thí điểm và không nên đưa ngay vấn đề này vào luật. Vấn đề giao thẩm quyền tổ chức quy hoạch đô thị, nhất là tại 2 đô thị đặc biệt là một vấn đề hệ trọng, cần được cân nhắc kỹ, vì đó không đơn thuần là vấn đề kiến trúc mà còn liên quan đến kinh tế, xã hội, liên quan đến sự phát triển của cả vùng.

Về dự án Luật Quản lý nợ công, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất trong việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc rà soát, bổ sung một số nội dung nhằm nâng cao tính cụ thể, chi tiết, đồng thời lược bỏ một số nội dung đã được quy định ở văn bản luật khác. Dự án luật Quản lý nợ công được trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 51 điều ( bỏ 7 điều, thêm 3 điều, so với Dự luật đã được trình trước Quốc hội tại kỳ họp trước).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sửa đổi điều luật quy định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước trong dự Luật Quản lý nợ công theo hướng Quốc hội quyết định những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng trong quản lý nợ công, theo đúng quy định của Hiến pháp. Dự luật mới quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định các mục tiêu chiến lược, định hướng huy động, sử dụng và quản lý nợ công trong giai đoạn 5 năm; quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ, tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí yêu cầu Chính phủ sớm có quyết định về sự phân công nhiệm vụ và quan hệ phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch- Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề quản lý nợ công.

XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết