27/03/2019 - 09:31

Chợ gạo lành 

Ngay khi giá lúa xuống tới mức không thể xuống hơn nữa thì ý thức làm gạo lành vẫn lên ngôi.

"Gạo Tâm Việt ngon từ đất, chất từ Tâm, mỗi năm chỉ làm hai vụ, thời gian còn lại đón lũ về", Út Tiếng (Võ Văn Tiếng), nói.

Giá gạo Tâm Việt bán tại Sài Gòn: "xát dối" 40.000 đồng/kg, lứt đỏ: 45.000 đồng/kg. Ở Hà Nội gạo xát trắng, xát dối: 43.000 đồng/kg. Ở Đà Nẵng lứt đỏ: 48.000 đồng/kg. Năm nay, Út Tiếng nông trại Tâm Việt, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp làm thử gạo có dược tính "lứt đỏ" có độ dẻo, không cần ngâm trước khi nấu, nhai kỹ cảm nhận vị ngọt, nhưng chỉ có 300kg.

Bà Dương Thu Thảo  đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gạo "Ông Thọ" từ giống ST 24.

Năm ngoái, nông trại Tâm Việt làm 40ha lúa kết hợp nuôi cá, vịt, heo, gà, trồng cây ăn quả, dược liệu. Trồng giống lúa Nàng hoa 9, năng suất 4-5 tấn/ha là có lãi rồi. Tiếng thu hoạch gần 200 tấn lúa, đưa ra thị trường 120 tấn gạo, nhưng muốn hơn nữa cũng không được vì diện tích hẹp.

Nông trại Tâm Việt đang ấp ủ kế hoạch tìm nhà đầu tư mở rộng thêm 50ha trồng luân phiên sen-lúa kết hợp đón khách du lịch mùa nước nổi, Tiếng cho biết.

 "Đứt hàng" từ dịp Tết cho tới nay, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, chuyên làm gạo dược tính, quá thận trọng khi rót gạo thảo dược nhỏ giọt ra thị trường. Nhiều người tiêu dùng nói như vậy. Thực ra do quy mô sản xuất gạo dược tính còn quá nhỏ nên gạo hộp giấy 1kg hút chân không hút hàng thì HTX cũng thành "Từ Hải", anh Nguyễn Hoàng Khang,  người tích cực quảng bá gạo thảo dược của HTX nói.

Gạo dược tính được biết đến nhờ cách nhân giống, gieo trồng (6kg theo phương pháp hữu cơ sau hai năm cải tạo đất và chính thức tham gia kế hoạch sản xuất hữu cơ của HTX của bà Lê Thị Nga, ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Nhờ chất lượng gạo ngon, theo chuẩn hữu cơ, có nơi tiêu thụ ổn định nên bà Nga có thu nhập ổn định 120 triệu đồng/1ha trong khi chi phí sản xuất lúa chỉ khoảng 25 triệu đồng/ha.

Đối với người quen dùng thực dưỡng hiện đại, không lạ gì gạo tím than từng bán ở "Ẩm thực Lành", gạo đỏ, tím than của Công ty TNHH  ADC trồng ở Cai Lậy, DNTN Hồ Quang  trồng ở Sóc Trăng, Viễn Phú Farm… vì biết công dụng  anthocyanins đối với bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp…

Từ một người chuyên phân phối gạo Hoa sữa, ItaRice, ST…, bà Dương Thu Thảo đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu canh tác sinh thái, cũng chỉ một vụ lúa trong năm, kết hợp nuôi tôm càng xanh, tôm nước lợ và nuôi tôm nước mặn vào mùa khô. Kinh nghiệm thị trường giúp bà Thảo  chọn lựa sản phẩm, chọn phân khúc rồi xây dựng vùng nguyên liệu khá dễ dàng khi tạo nhãn hàng "gạo Ông Thọ".

Ở Cà Mau, vùng nuôi sinh thái có uy tín gần 7.000ha thuộc về Công ty Minh Phú, bà Thảo vừa đầu tư vùng nguyên liệu vừa mua lúa trong vùng tôm của Minh Phú.

"Vùng này muốn phun vi sinh lên rơm dân sợ chết tôm, không ai chịu, đừng nói chi tới dùng thuốc bảo vệ thực vật", bà Thảo giải thích vì sao chọn vùng nguyên liệu này: Con người có ý thức bảo vệ môi trường và lợi ích thiết thân với họ, chất lượng lúa ở vùng ven biển với nhiều khoáng chất khiến chất lượng gạo ngon hơn. Chọn được vùng đất, tài nguyên nước, dựa vào những tổ chức cộng đồng có trách nhiệm xã hội… thêm chính sách hỗ trợ từ chính quyền là có thể thắt chặt mối liên kết chuỗi gạo lành.

Bà Thảo mua giống xác nhận, giao giống cho nông dân, quan sát, tư vấn và cũng chỉ trồng một vụ lúa trong năm. Năm nay mưa bão khiến lúa thất, tỷ lệ thu hồi chỉ khoảng 60% dù đã mua với giá 7.200 đồng/kg lúa. Dân không lo vì tôm trong vùng tôm-lúa thịt săn chắc hơn, bán được giá.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Công ty Cổ phần chuỗi tôm rừng Minh Phú, ấp Biện Ngạn, xã Viên An Đông, Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cho biết: Năm 2018, Minh Phú đạt chứng nhận quốc tế trên quy mô 5.321ha (chưa thống kê dự án tôm lúa), xuất khẩu tôm thu về trên 751 triệu USD. Năm nay, Minh Phú sẽ mở rộng vùng nuôi 7.000ha, 1.600 hộ tham gia. "Minh Phú không đơn độc trong việc tìm ra lời giải cho sản phẩm hữu cơ và sẽ xây dựng làng hữu cơ, sản xuất gạo, cá, trái cây, rau củ", ông Đạt cho biết.

Minh Quân, chủ một cửa hàng gạo tại Gò Vấp, TPHCM, chuyên săn lùng nguồn gạo lành từ ĐBSCL về thành phố, nhận xét: Xu hướng giảm cơm gạo trong bữa ăn của người thành phố ngày càng rõ ràng hơn, nhất là tầng lớp trung lưu, nhà giàu. Họ sẵn sàng mua gạo ngon, lành với giá cao, thực ra "tài khoản" cơm gạo không tăng cao hơn người bình dân. Và điều họ muốn là gạo lành và là cách ủng hộ chuỗi sản xuất không dùng hóa chất.

Nói vậy nhưng không phải có nhu cầu là gạo lành có thể họp chợ, đơn giản vì diện tích sản xuất còn quá nhỏ!

Bài, ảnh: Châu Lan

Chia sẻ bài viết