25/08/2020 - 19:53

Chính thức đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp và lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 

 Hỗ trợ người dân Cần Thơ “mắc kẹt” tại Đà Nẵng trở về m Tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đơn vị y tế

(TTXVN) - Ngày 25-8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) cho biết, cùng với việc đề xuất điều chỉnh các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động cho phù hợp với thực tiễn trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do đại dịch này.

Kinh phí của gói hỗ trợ lần 2 này, theo đề xuất là 18.600 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trợ trực tiếp người lao động gặp khó khăn. Theo đó, về chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh sẽ hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo, duy trì và mở rộng việc làm.

Ðối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh; người lao động tại khu vực nông thôn.

Mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NÐ-CP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh 2 tỉ đồng, đối với người lao động 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1-9-2020 đến ngày 1-9-2021. Lãi suất vay 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Kinh phí ước tính là 15.000 tỉ đồng.

Bộ LÐ-TB&XH cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn theo hướng sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Ðối tượng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.

Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng hoặc 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỉ đồng.

Bộ LÐ-TB&XH cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cụ thể, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo. Thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 1-9-2020 đến ngày 1-9-2021.

m Chiều 25-8, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh chủ trì cuộc họp với các sở ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an thành phố về việc hỗ trợ người dân Cần Thơ đang tạm trú tại TP Ðà Nẵng có nguyện vọng trở về Cần Thơ.

Theo thống kê sơ bộ, hiện có 21 người Cần Thơ đang ở Ðà Nẵng có nguyện vọng về địa phương. Sau khi nghe ý kiến của các ngành, bà Võ Thị Hồng Ánh chỉ đạo Sở Y tế thiết lập đường dây nóng; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông đại chúng thông báo rộng rãi để thông tin đến được với người Cần Thơ đang ở Ðà Nẵng. Sở Y tế trang bị, đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19. Sở Giao thông vận tải liên hệ Bộ Giao thông vận tải nắm kế hoạch, phương tiện, thời gian vận chuyển hành khách về từ Ðà Nẵng; đồng thời, chịu trách nhiệm tổ chức phương tiện vận chuyển những người này về các khu cách ly tập trung. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ðà Nẵng nắm danh sách người có nguyện vọng về.

Tại cuộc họp, bà Võ Thị Hồng Ánh cũng giao Sở Y tế ngay trong tuần này tham mưu thành lập Tổ thẩm định các khách sạn, cơ sở lưu trú đăng ký làm cơ sở cách ly tập trung có thu phí. Tổ thẩm định hoạt động đến khi hết dịch. Ngay sau khi thành lập, Tổ thẩm định tiếp nhận hồ sơ, thẩm định cơ sở theo tiêu chí, hướng dẫn của Bộ Y tế và trình UBND thành phố công nhận.

► Sở Y tế TP Cần Thơ vừa ban hành công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo đó, các bệnh viện hiện có trang thiết bị, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR phải sớm triển khai thực hiện xét nghiệm, tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thẩm định “Ðủ điều kiện xét nghiệm khẳng định chẩn đoán vi-rút SARS-CoV-2”.

Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm cho hành khách về từ vùng dịch. Ảnh: H.HOA

Ðối với các đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định, các đơn vị đang làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, tiếp tục củng cố năng lực xét nghiệm phục vụ nhu cầu tại đơn vị và tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị khác khi được yêu cầu. Các đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm Realtime RT-PCR chủ động liên hệ CDC để gửi mẫu xét nghiệm.

Các cơ sở y tế phối hợp CDC để lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế có các triệu chứng bệnh cúm, viêm đường hô hấp cấp tính. Ðặc biệt lưu ý người đã tiếp xúc với người bệnh có nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng, khoa hồi sức, cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch.

Các cơ sở y tế tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ. Ðặc biệt người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính, kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời.

Sở Y tế giao CDC hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các đơn vị khi có yêu cầu; chủ động liên hệ với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thẩm định các đơn vị có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm khẳng định vi-rút SARS-CoV-2.

HẠNH QUỲNH- H.HOA

Chia sẻ bài viết