12/12/2023 - 19:27

Chính sách phát triển ĐBSCL nhìn từ liên kết vùng và cơ chế hợp tác giữa các địa phương 

(CT) - Đó là chủ đề chính diễn đàn chiều 12-12 do Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Cần Thơ.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: N.H

Phát biểu khai mạc, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, phân tích về thực trạng phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Theo đó, lần đầu tiên sau 10 năm, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL có mức tăng trưởng cao hơn cả nước. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng bán lẻ, hàng hóa và doanh thu dịch vụ ĐBSCL đạt 23,5%, cao hơn đáng kể mặt bằng chung cả nước (khoảng 20%).

Theo ông Võ Tân Thành, mặc dù chưa bằng mức trung bình cả nước nhưng giai đoạn 2018-2022, năng suất lao động vùng ĐBSCL có sự cải thiện đáng kể, tăng 29%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của vùng dù có xu hướng chung giảm nhưng vẫn ở chiều hướng tích cực. Trong đó, vùng ghi nhận sự vươn lên ngoạn mục của các địa phương như Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Năm qua, ĐBSCL phá vỡ chuỗi giảm việc làm sau 4 năm liên tiếp, đạt mức tăng trưởng 29%. Tỷ lệ doanh nghiệp của vùng có lãi cao nhất cả nước. Tỷ trọng thương mại của vùng ĐBSCL cao hơn so với tỷ trọng đóng góp tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); quy mô thương mại của vùng chiếm gần 20% tổng quy mô thương mại toàn quốc…

Tuy nhiên, ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi, dân số đang ở mức già hóa cao nhất nước… Do đó, kỳ vọng diễn đàn là nơi trao đổi cởi mở, cung cấp những thông tin thiết thực về cơ chế hợp tác, liên kết giữa các địa phương khai thác, quản lý tốt nhất nguồn lực chung của vùng để doanh nghiệp có cơ hội phát triển mới, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đưa vùng ĐBSCL phát triển ổn định và thịnh vượng.

Diễn đàn nhằm đánh giá những hạn chế còn tồn tại trong quá trình liên kết giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương trong vùng và ngoài vùng, giữa các công chức và doanh nghiệp, từ đó gợi ý các cơ chế, chính sách, mô hình hợp tác mới để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, chính quyền các địa phương để đề ra những chính sách mới phát triển vùng ĐBSCL đồng bộ và hiệu quả.

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp đưa ra những đánh giá về việc thực thi chính sách của Trung ương và địa phương; đánh giá ban đầu qua 2 năm triển khai thực hiện quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL; thể chế quản lý và phân bổ tài nguyên của vùng; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quản trị tài nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu; thể chế quản lý và phân bổ tài nguyên của vùng; liên kết vùng giữa các địa phương: thực trạng và những vấn đề đặt ra; thực trạng ngành lúa gạo và mô hình nào để doanh nghiệp chế biến lương thực phát triển…

Theo các chuyên gia, thể chế, quản trị và liên kết vùng là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn.

N.H

Chia sẻ bài viết