24/10/2010 - 09:54

Chính sách nhà ở sẽ thông thoáng hơn

Việt kiều sẽ có thêm nhiều cơ hội được mua nhà tại Việt Nam (ảnh chụp tại khu đô thị mới Hưng Phú, Nam Cần Thơ).

Ngày 15-10-2010, tại Triển lãm Quốc tế Vietbuild Cần Thơ 2010, Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kết hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến Nghị định 71/2010/NĐ-CP (Nghị định 71) và Thông tư 16/2010/TT-BXD (Thông tư 16) về chính sách nhà ở. Gần 100 doanh nghiệp, các nhà quản lý, đại diện Sở Xây dựng các tỉnh An Giang, Hậu Giang đã đến dự hội nghị, đóng góp ý kiến...

THOÁNG CHO KIỀU BÀO

Ngày 1-9-2010, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16 quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71 ngày 23/6/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Theo đó, nhà ở thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 71 và quy định tại thông tư này bao gồm: nhà ở (nhà biệt thự, nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) được xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo nhu cầu và cơ chế thị trường (kể cả nhà ở trong khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp); nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; nhà ở được xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế do Nhà nước quy định (nhà ở xã hội); nhà ở tái định cư; nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị và nông thôn...

Theo Cục Quản lý nhà Bộ Xây dựng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 71 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vướng mắc của bà con Kiều bào khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo bà con Kiều bào mong muốn được trở về quê hương để công hiến và xây dựng đất nước. Nghị định đã bổ sung, sửa đổi và làm rõ nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là mở rộng đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và quy định rõ về điều kiện để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nghị định cũng quy định cụ thể các loại giấy tờ chứng minh về đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, quy định về trình tự, thủ tục và nơi tiếp nhận xử lý các loại giấy tờ này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho bà con Kiều bào. Nghị định 71 đã lấp đi nhiều lỗ hổng trong quản lý nhà ở của Nhà nước đối với Kiều bào.

Có thể thấy, điểm mới của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, đó là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt Nam ở trong nước đã được mở rộng hơn so với quy định trước đây (không hạn chế về số lượng nhà ở): người có quốc tịch Việt Nam, người có kỹ năng đặc biệt, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước. Các nhà văn hóa, nhà khoa học gốc Việt Nam cũng gặp thuận lợi hơn về việc xác nhận giấy tờ (chỉ cần Thủ trưởng cấp trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu mời; trước đây là cấp bộ, UBND tỉnh). Đối tượng chỉ được sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ chung cư tại Việt Nam là người có gốc Việt Nam nhưng không thuộc các diện nêu trên và có Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hầu hết các quyền như người Việt Nam ở trong nước (kể cả cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở thương mại đối với những khu vực được phép bán nền), nhưng không có quyền bảo lãnh và góp vốn...

HUY ĐỘNG VỐN ĐƯỢC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Theo Thông tư 16/2010/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành mới đây, đối tác góp vốn dự án bất động sản chỉ được mua 1 nhà.

Theo Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc Nghị định 71 cho phép chủ đầu tư dự án được bán 20% sản phẩm không qua sàn là do các doanh nghiệp đề xuất, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên và đối tác chiến lược có nhà ở. Nhưng cũng quy định, hộ gia đình, cá nhân đã được phân chia 1 lần với số lượng 1 nhà ở thì không được xác nhận phân chia nhà ở lần thứ 2 (kể cả trường hợp đã được phân chia 1 lần nhưng đã bán, cho, tặng cho người khác). Đối với việc đầu tư dự án của các chủ đầu tư cấp I, cấp II. Trường hợp chủ đầu tư cấp I ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hạ tầng với chủ đầu tư cấp II để xây nhà ở (chung cư, khu đất), thì chủ đầu tư cấp II cũng chỉ được quyền ký hợp đồng góp vốn theo phương thức phân chia nhà ở tối đa không quá 20% tổng số lượng nhà ở của chung cư, khu đất đó.

Một trong những điểm khá thoáng trong Nghị định 71 là việc quy định chi tiết và cụ thể hơn các hình thức huy động vốn và cho phép chủ đầu tư bán một tỷ lệ nhất định sản phẩm không qua sàn. Đây được xem là một bước tháo gỡ nút thắt về câu chuyện huy động vốn trong thời buổi khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp. Theo một doanh nghiệp đầu tư dự án ở khu Nam Cần Thơ, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp hiểu không rõ vấn đề. Cụ thể, đối với các chủ đầu tư cấp I thì có quyền vay vốn hoặc phát hành trái phiếu nhưng những đối tượng cho vay vốn hay mua trái phiếu thì không được quyền ưu tiên mua sản phẩm chứ không phải là không được quyền mua sản phẩm theo như cách hiểu của một số chủ đầu tư. Còn đối với các trường hợp huy động góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sau khi đã giải phóng mặt bằng hay huy động vốn mua nhà ứng trước của khách thì có quyền ưu tiên mua nhà và chỉ được giao dịch tối đa 20% số lượng nhà ở của dự án không thông qua sàn.

Ông Võ Ngọc Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586, cho biết: Giới kinh doanh bất động sản băn khoăn là quy định 20% số lượng nhà bán không qua sàn. Lượng nhà phân chia sẽ được tính trên tổng thể toàn dự án hay đã trừ đi phần đền bù tái định cư? Vấn đề “huy động vốn tối đa 20%” ở đây cũng không được làm rạch ròi, khiến dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau. Ví như, một đơn vị cải tạo, xây mới chung cư cũ sẽ được huy động vốn 20% toàn bộ dự án đó hay là 20% của phần đã trừ đi diện tích đền bù, tái định cư cho các hộ dân trước đây ở dự án đó? Chưa kể, nếu phần đền bù của chủ đầu tư là hệ số 2 hoặc 2,5 lần căn hộ cũ thì họ được huy động ra sao khi mà những phần đó họ vẫn phải bỏ tiền ra xây dựng?

Tại hội nghị này, đại diện Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ghi nhận những ý kiến thắc mắc của doanh nghiệp và sau khi thu thập ý kiến của các doanh nghiệp ở 3 vùng còn lại (TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội) sẽ trả lời những thắc mắc chung của doanh nghiệp.

(Chi tiết Thông tư 16/2010/TT-BXD có thể cập nhật vào website: http://www.xaydung.gov.vn/site/moc/legal?v=detail-doc&id=29927)

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết