20/08/2023 - 15:52

Chiêu mộ cầu thủ kiểu Mỹ 

BÌNH DƯƠNG

Cách Chelsea chi đậm cho các cầu thủ hiện nay khiến nhiều đội đối thủ phàn nàn với Ban tổ chức Ngoại hạng Anh (EPL), có khả năng giải sẽ thay đổi luật kể từ mùa hè tới.

Từ trái sang phải: Caicedo, Enzo Fernandez và Mykhailo Mudryk trong màu áo Chelsea. Ảnh: Getty Images

Sau khi kích nổ “bom tấn” Moises Caicedo, Chelsea lại vừa đạt được thỏa thuận chiêu mộ tiền vệ Romeo Lavia trị giá 50 triệu Bảng. Thương vụ này đã đẩy tổng số tiền chi cho chuyển nhượng của Chelsea vượt mốc 900 triệu Bảng kể từ khi chủ mới là liên minh giữa tỉ phú Todd Boehly và tập đoàn Clearlake Capital tiếp quản đội bóng hồi hè 2022. Chưa hết, Chelsea sẽ còn chi thêm để mua 1 thủ môn và 2 tiền đạo. Trên thế giới không có CLB nào vận hành theo kiểu này.

Luật Công bằng tài chính (FFP) ra đời để ngăn chặn những đội bóng mua sắm như trên. FFP có nghĩa vụ tạo ra rào cản khiến các đội nhà giàu không được vung tay quá trán, qua đó thu hẹp khoảng cách trình độ giữa các CLB châu Âu nhằm xây dựng một môi trường bình đẳng. Tuy nhiên, cách tính của Công bằng tài chính có những lỗ hổng để các đội khai thác.

Hạch toán trong bóng đá lại có đặc thù riêng khi được chia đều cho từng năm hợp đồng của cầu thủ thay vì tính tổng chi phí ban đầu. Ðơn cử như trường hợp Caicedo, mức phí mua ban đầu là 115 triệu Bảng nhưng với việc ký hợp đồng tới năm 2031, chi phí hạch toán cho tuyển thủ Ecuador được chia cho 8 năm hợp đồng. Do đó, chi phí trên sổ sách cho thương vụ này chỉ khoảng 14,3 triệu Bảng. Tương tự, chi phí này cho thương vụ Chelsea mua Mykhailo Mudryk hồi đầu năm chỉ là 9,4 triệu Bảng/năm (hợp đồng 8 năm rưỡi, trị giá 80 triệu Bảng).

Chelsea đã chi hơn 600 triệu Bảng mùa rồi, nhưng phần lớn các tân binh đều ký hợp đồng 7 hoặc 8 năm, với tổng chi phí hạch toán trong sổ sách chưa tới 100 triệu Bảng. Ðó là chưa kể sổ sách còn được cân bằng nhờ “The Blues” thu về gần 200 triệu Bảng từ hoạt động bán cầu thủ trong hè này.

Chiến thuật ký hợp đồng dài hạn với các tân binh được Chelsea lấy cảm hứng từ kinh nghiệm làm thể thao của tỉ phú Boehly ở Mỹ, nơi những hợp đồng dài hạn rất phổ biến. Ðiều này cho phép Chelsea “lách” FFP ít nhất là trong giai đoạn ngắn hạn.

Ðể đối phó với cách tiếp cận sáng tạo của Chelsea, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) hồi tháng 6 đã vạch ra thời hạn tối đa là 5 năm để thanh toán phí chuyển nhượng bất kể hợp đồng kéo dài bao lâu. Bởi chiếu theo quy định này, Caicedo sẽ có chi phí trên sổ sách cao hơn nhiều, tối thiểu 23 triệu Bảng/năm. Tuy nhiên, mùa này UEFA không thể “sờ gáy” Chelsea bởi đội bóng không dự cúp châu Âu.

Còn ở giải quốc nội EPL, các đội vẫn được ký hợp đồng với cầu thủ thời hạn hơn 5 năm, theo luật chi tiêu hiện hành của nước Anh. Chelsea là một trong những đội bóng tận dụng điều này. Thế nên, mới có chuyện các đội đối thủ đang kêu gọi Ban tổ chức EPL áp dụng những quy định giống như UEFA kể từ mùa hè tới. Hợp đồng quá dài kiểu như Chelsea cũng có rủi ro. CLB có thể phải tìm cách bán các cầu thủ này chỉ sau vài mùa gắn bó vì một số nguyên nhân, chẳng hạn như quỹ lương quá cao.

Chia sẻ bài viết