01/07/2017 - 10:48

Chia sẻ yêu thương với người khiếm thính

Câu lạc bộ (CLB) Người Điếc ở TP Cần Thơ thành lập được 3 năm nay. Đây là nơi những người khiếm thính cùng nhau chia sẻ những vui, buồn trong cuộc sống. CLB còn giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng sống… để người khiếm thính có thể làm việc độc lập, sống có ích trong xã hội.

Đầu năm 2014, một nhóm khoảng 10 người khiếm thính cùng cảnh ngộ đã hẹn nhau cà phê để thỏa mãn nhu cầu được giao tiếp, được học ngôn ngữ ký hiệu (giao tiếp bằng tay với người khiếm thính). Và họ cùng nhau tìm đến Hội Người khuyết tật (NKT) TP Cần Thơ đề xuất thành lập CLB Người Điếc. Lúc ấy, cô Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ rất băn khoăn vì cả hội không ai biết ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người khiếm thính. Chị Nguyễn Thụy Tố Trâm, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ có học ngôn ngữ ký hiệu thời sinh viên nên chị Trâm có thể giao tiếp và hiểu được thông điệp mà người khiếm thính muốn truyền tải. Tháng 5-2014, để tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ với người khiếm thính, Hội NKT TP Cần Thơ thống nhất thành lập CLB Người Điếc với 20 thành viên. Khi thành lập CLB, không chỉ người khiếm thính ở Cần Thơ mà nhiều trường hợp ở Hậu Giang, Sóc Trăng cũng xin tham gia.

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Người Điếc.

Không phải người khiếm thính nào cũng biết, hiểu ngôn ngữ ký hiệu và có cơ hội đến trường để học chữ viết. Lẽ đó, sống cùng gia đình, họ tự nghĩ ra cách ra dấu bằng tay cho người thân hiểu, nhưng đôi khi họ không thể chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn của mình với người thân. Thậm chí gặp những người cùng cảnh ngộ, họ ra dấu nhưng đối phương cũng không hiểu. Khi tham gia CLB, các thành viên sẽ được Ban chủ nhiệm CLB chia sẻ những ngôn ngữ ký hiệu mà Ban chủ nhiệm đã học ở Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ và học nâng cao từ Chi hội Điếc Hà Nội, Đồng Nai. Khi được học ngôn ngữ ký hiệu, có thể giao tiếp với nhau, người khiếm thính mới thực sự hiểu nhau và đồng cảm. Đồng thời, các thành viên cũng được hướng dẫn cách viết những câu trao đổi ngắn gọn, dễ hiểu để người không bị điếc cũng hiểu.

Chị Nguyễn Thụy Tố Trâm, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ chia sẻ: "Ban chủ nhiệm CLB và thành viên đều là người khiếm thính. Họ rất muốn được chia sẻ yêu thương với cộng đồng, những người từng đi học chữ ở trường thì muốn tìm hiểu thông tin trên báo, trên internet, nhưng họ đọc rất khó khăn và không hiểu hết nội dung, nên việc tiếp cận thông tin rất hạn chế. Vì vậy, hằng tuần CLB thường sinh hoạt với những nội dung như: học tập ngôn ngữ ký hiệu, sinh hoạt kiến thức xã hội, chia sẻ thông tin liên quan đến chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, Luật Giao thông đường bộ… Mỗi khi tổ chức, hội viên rất nhiệt tình, hồ hởi tham gia. Không chỉ vậy, CLB còn dạy ngôn ngữ ký hiệu cho 10 sinh viên yêu thích loại hình ngôn ngữ này". Theo chị Trâm, trung tuần tháng 6-2017, trong buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình ở CLB Người Điếc TP Cần Thơ, tất cả các thành viên CLB đều chăm chú theo ngón tay của người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, họ thay nhau hỏi người phiên dịch để biết thêm các ký hiệu và để được chia sẻ những ước muốn của mình.

Hiện nay, CLB Người điếc Cần Thơ có 50 thành viên. Phần lớn đều sống phụ thuộc vào gia đình, nên khi tham gia sinh hoạt tại CLB, nhiều phụ huynh cũng lo ngại cho con em của mình. Để chia sẻ yêu thương với những người khiếm thính, giúp họ hòa nhập cộng đồng và có các cơ hội việc làm như người bình thường, Hội NKT TP Cần Thơ đã mời phụ huynh đến trao đổi thông tin. Hiểu được ý nghĩa và giá trị cuộc sống của CLB Người điếc, phụ huynh rất ủng hộ, nên CLB thu hút người khiếm thính đến sinh hoạt ngày càng đông. Từ khi thành lập đến nay, CLB Người Điếc đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, thi đấu thể thao với nhiều nhóm người khiếm thính đến từ Vĩnh Long, Cà Mau, Long Xuyên… Đồng thời, tham dự nhiều hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước. Từ đó, kiến thức, kỹ năng của các thành viên Ban chủ nhiệm được nâng cao và những gì tiếp thu được, Ban chủ nhiệm đều chia sẻ với các thành viên trong các buổi sinh hoạt CLB.

Bạn Huỳnh Thị Kim Xuyến, hội viên, chia sẻ: "Tham gia CLB, tôi có thêm rất nhiều bạn, không chỉ ở TP Cần Thơ mà còn ở rất nhiều tỉnh khác. Qua các buổi sinh hoạt, tôi có thêm kiến thức, kỹ năng và được Hội NKT TP Cần Thơ, CLB hỗ trợ nhận Giấy xác nhận mức độ khuyết tật". Không chỉ Xuyến, với sự tư vấn của Hội NKT thành phố, hội viên Nguyễn Trường Hận cũng được hưởng trợ cấp cho NKT (270.000 đồng/tháng); 3 hội viên khác cũng được tư vấn và hỗ trợ viết đơn đề nghị được cấp trợ cấp xã hội hằng tháng, 4 hội viên được giới thiệu học nghề đan móc, 5 hội viên được giới thiệu đi chạy bàn quán ăn, cắt tóc, giao hàng… Đây thực sự là niềm động viên lớn lao cho những người khiếm thính.

Hiện nay, cuộc sống của người khiếm thính gặp không ít khó khăn. Các chủ cơ sở không nhận người khiếm thính vì khó giao tiếp, không có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và nhiều người khiếm thính cũng không có nhiều cơ hội đến trường học thêm kiến thức. Thêm vào đó, nhiều người khiếm thính không biết thông tin chính sách dành cho NKT nên không được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Theo chị Nguyễn Thụy Tố Trâm, các thành viên trong CLB rất mong các cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện mở lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm để có thể làm việc và nuôi sống bản thân.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết