11/09/2008 - 10:13

IFC và WB công bố báo cáo môi trường kinh doanh 2009:

Chỉ số xếp hạng của Việt Nam chưa được cải thiện

Ngày 10-9, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội đã công bố Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2009 - ấn bản lần thứ 6 của loạt báo cáo hàng năm của IFC và WB. Báo cáo đánh giá 181 nền kinh tế khác nhau trên thế giới về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, dựa trên 10 chỉ số về kinh doanh, tính thời gian và công sức của doanh nghiệp phải bỏ ra để lập và tổ chức hoạt động cho doanh nghiệp, kinh doanh qua biên giới, thuế, đóng cửa doanh nghiệp. Mức xếp hạng không phản ánh chính sách kinh tế vĩ mô, chất lượng cơ sở hạ tầng, tính ổn định của tiền tệ, nhận thức của nhà đầu tư...

Theo đó, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã đạt được động lực lớn nhất so với các khu vực khác trong việc tiến hành các cải cách môi trường pháp lý, dựa trên kết quả tổng kết 26 cải cách được thực hiện ở 24 nền kinh tế trong khu vực, trong khoảng thời gian từ tháng 6-2007 đến tháng 6-2008. Singapore là quốc gia dẫn đầu bảng xế hạng toàn cầu về mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh trong năm thứ 3 liên tiếp. New Zealand đứng thứ 2 và Hoa Kỳ đứng thứ 3. Hồng Công (Trung Quốc) vẫn duy trì vị trí thứ 4, trong khi đó Thái Lan đứng thứ 13 và Malaysia đứng 20. Trong số các thị trường mới nổi, Trung Quốc dẫn đầu với các cải cách tạo thuận lợi cho vay vốn tín dụng, nộp thuế và thực thi hợp đồng. Thái Lan, Campuchia và Malaysia đã có những cải cách tạo thuận lợi cho việc nộp thuế, thành lập doanh nghiệp, thương mại quốc tế và đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư, cải thiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, củng cố các quyền của người cho vay và đi vay vốn tín dụng.

Trong bảng xếp hạng về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, Việt Nam ở vị trí thứ 92, tụt một bậc so với năm trước, tuy vẫn được ghi nhận có nhiều cải cách tích cực trong lĩnh vực vay vốn tín dụng. Bình luận về kết quả xếp hạng này đối với Việt Nam, bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế) cho rằng: Mặc dù chúng ta đã rất cố gắng trong cải cách, nếu nhìn vào một số chỉ số thành phần như thủ tục, thời gian thành lập doanh nghiệp... thì chúng ta hầu như không thay đổi, thậm chí có tiến bộ hơn, nhưng các nước khác làm tốt hơn chúng ta, nên chỉ số xếp hạng của chúng ta bị tụt một bậc và điều này khiến Việt Nam phải tiếp tục suy nghĩ để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh.

Bà Phạm Chi Lan phân tích thêm, mặc dù được đánh giá là tích cực cải thiện về vay vốn tín dụng, nhưng chúng ta cũng không được chủ quan, tự mãn vì trên thực tế việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không hoàn toàn như vậy. Chúng ta cũng không ngộ nhận rằng, tình hình kinh tế Việt Nam đã được cải thiện tốt, bởi các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp không được đề cập đến trong Báo cáo này, chẳng hạn như: lao động, cơ sở hạ tầng... Nếu không được cải thiện về một số lĩnh vực như tín dụng, lao động (đình công xảy ra liên tục gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp), thì rất có thể tới đây chúng ta sẽ phải chứng kiến sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ.

N.T.S (TTXVN)

Chia sẻ bài viết