Truyện ngắn: Trương Thị Thúy
Ngoài bốn mươi, chị vẫn chưa lấy chồng. Nhiều người bảo rằng chị kén quá nên ế. Xung quanh chị bao lời xì xầm: “Nói ế vậy thôi, nhưng chưa chồng con nên vẫn còn son, vẫn đẹp”; “Thì có đẹp, có mặn mà đằm thắm nhưng tránh sao được cái tuổi nó đuổi xuân đi. Làm sao giấu được những nếp nhăn; những sợi tóc bạc”; “Thời gian này lo cho thằng cháu thi tốt nghiệp, rồi chuẩn bị cho nó học đại học mà xuống sắc thấy rõ”... Những lời ấy, chị biết nhưng chị không quan tâm.
- Nói là quyền của họ. Hơi đâu mà để ý, bớt nghe, bớt nghĩ sẽ nhẹ đầu.
Chị hay nói với tôi như vậy. Tôi cũng chưa bao giờ thấy chị để ý mà buồn hay để bụng mấy lời xì xào quanh chuyện muộn màng chồng con của chị. Chị vẫn vui vẻ với mọi người, thi thoảng vẫn sôi nổi bàn chuyện chăm con nhỏ, giáo dục giới tính khi con lớn… Không ít người cảm thương chị, một đời đa mang.
Ai không biết mới nói chị kén nên không chịu lấy chồng, chứ biết rồi thì thương và nể chị. Một đời chị, hết chăm lo cho mẹ, lại đến các em, rồi các cháu. Không phải tự nhiên mà mấy đứa cháu cứ quấn quýt chị, lúc nào cũng cô Hai ơi, cô Hai ời. Chuyện gì chúng cũng thủ thỉ, cũng hỏi ý kiến chị. Và chị hạnh phúc với điều đó.
Cha mất lúc chị là sinh viên đại học năm cuối. Ngày đó, nhận tin từ má, chị vội vàng bắt xe về ngay mà cũng chẳng kịp nhìn mặt cha lần cuối. Chị ân hận lắm, cứ nghĩ giá như mình học ở gần nhà thì đâu đến nỗi. Bởi vậy, học xong chị quyết định về quê xin việc, đi làm phụ má nuôi các em. Cũng là ở gần để tiện bề chăm sóc má. Lần đó, chị chia tay anh - mối tình đầu - trong luyến tiếc.
Chị nhìn vào khoảng không mơ hồ trước mặt rồi thở dài. Làm sao chị có thể bỏ má và các em; còn anh, cũng chẳng thể bỏ dở những cơ hội phát triển sự nghiệp để theo chị. Vậy là quyết định chia tay nhau. Cũng lưu luyến, bịn rịn nhưng có lẽ tình yêu chưa đủ sâu nên sau chia tay một thời gian, cả hai đều nhẹ bẫng, lâu lâu vẫn liên lạc, hỏi thăm sức khỏe, công việc, như bạn bè quan tâm nhau. Anh ấy giờ đã là trưởng khoa của trường đại học ngày xưa chị học, vợ con đuề huề cả rồi. Cũng may không theo chị, chứ không thì...
Chị không nói nữa, mỉm cười. Ánh nắng xiên qua chậu hoa nhỏ đặt cạnh cửa sổ, hắt vài sợi vàng tinh khôi lên mặt bàn. Chị đưa đôi bàn tay hứng lấy những hạt nắng vàng, khẽ mỉm cười. Rồi như sực tỉnh, chị nhìn đồng hồ.
- Thôi chết, chị phải về.
- Hôm nay cuối tuần mà chị.
- Ừ, nhưng chị hứa với cu Bin sẽ về sớm với nó. Thằng lớn thì đi chơi với đám bạn, chia tay mùa hè để chuẩn bị nhập học, xin phép tối mới về.
Tôi chợt nghĩ, chẳng biết chị còn lo cho các cháu đến bao giờ.
Chị không lấy chồng cũng phần lớn là vì các cháu. Chia tay mối tình đầu, chị về quê xin việc, phụ mẹ lo cho hai em ăn học. Em gái lấy chồng, em trai lấy vợ cũng một tay chị lo toan. Các em yên bề, chị nhẹ lòng. Mẹ giục chị lấy chồng. Chị kể với tôi, mối tình thứ hai của chị kéo dài hai năm. Ngày người ta chuẩn bị nói chuyện cưới xin thì mẹ chị bệnh nặng. Chị lại lần lữa. Cũng may, người ta hiểu và thông cảm. Mẹ vừa khỏe lại cũng là lúc em dâu sinh đứa thứ hai, bị băng huyết, bỏ lại con thơ chưa đầy một tháng. Rồi vài tháng sau em trai bị tai nạn lao động, nằm một chỗ. Mẹ chị gần như ngã quỵ.
Bao nhiêu gánh nặng gia đình dồn hết lên chị. Chăm mẹ, chăm em, chăm cháu. Nhiều lúc chị cũng không biết mình lấy đâu ra nghị lực và cả sức lực để cáng đáng cả gia đình. Sức vóc giảm sút nhưng chị luôn nhắc nhở bản thân không được ngã quỵ. Chị xin nghỉ làm ở cơ quan, mở một tiệm hàng xén buôn bán lặt vặt tại nhà cho tiện việc chăm sóc gia đình. Nhớ đến mối tình thứ hai, chị lại thấy có lỗi. Người ta cũng thương hoàn cảnh của chị, biết chẳng thể hối thúc chị làm đám cưới trong tình huống đó, còn chị đôi khi vẫn thấy mình hơi nhẫn tâm khi đặt người ta phía sau gia đình. Chị đề nghị chia tay khi biết mình chẳng thể nào giữ mãi người ta cho mình, khi mà bản thân chị cũng không định được lúc nào buông xuống những lo toan. Mẹ chị còn yếu. Em trai chị qua cơn nguy kịch nhưng đôi chân bị liệt, ngày ngày gắn với xe lăn. Các cháu thì còn nhỏ.... Bọn chị chia tay còn nhẹ nhàng hơn cả mối tình đầu. Cũng coi như hết duyên hết nợ.
Từ lần đó, chị chẳng còn bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương, lấy chồng nữa. Chị lo cho hai đứa cháu như con của mình. Nhiều lúc tôi hay bắt gặp chị mở điện thoại, ngắm hình tụi nhỏ. Chị cười, chìa cho tôi xem rồi vui vẻ khoe: “Gia tài của chị đó”.
Chị xin đi làm lại khi đứa nhỏ đủ tuổi đi mẫu giáo. Tiệm hàng xén để cho mẹ và em trai ra vào trông nom. Đến khi mẹ mất cách đây mấy năm, em trai giục chị đi lấy chồng, em giờ có thể lo được cho bản thân, con lớn cũng đã phụ giúp được nhiều việc. Chị làm vẻ hờn mát:
- Bộ tính đuổi chị ra khỏi nhà hay sao?
Em trai nước mắt lưng tròng:
- Đã đến lúc chị phải nghĩ cho hạnh phúc của riêng mình, chị cần có một gia đình của riêng mình.
Chị nói:
- Vậy chứ bây giờ em thấy chị sống không hạnh phúc sao? Đây không phải gia đình của chị sao? Hai đứa nhỏ và em là gia đình của chị. Cả nhà lúc nào cũng khỏe mạnh, hai đứa nhỏ ngoan ngoãn, khôn lớn là hạnh phúc lớn nhất của chị. Chuyện chồng con là duyên nợ, không cưỡng cầu được, em cũng đừng nghĩ đó là lỗi của mình.
Đến bây giờ, chị đã ngoài bốn mươi, các cháu cũng đã lớn mà chị vẫn không lấy chồng.