06/08/2022 - 20:20

Châu Phi - “đấu trường” sôi động mới của các cường quốc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Từ ngày 4 đến 11-8, Ðại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield và Ngoại trưởng Antony Blinken lần lượt sang thăm một loạt quốc gia châu Phi sau những chuyến công du tại đây của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield và Ngoại trưởng Antony Blinken. Ảnh: Reuters

Trong chuyến công du châu Phi từ ngày 4 đến 7-8, Ðại sứ Thomas-Greenfield cho biết bà tập trung vào cách Mỹ có thể giúp Uganda, Ghana và Cape Verde đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến lục địa đen chứ không nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Theo bà Thomas-Greenfield, chuyến đi này đã được lên kế hoạch từ lâu và không phải là một phần trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với một trong hai đối thủ của Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm nằm trong một loạt cam kết cấp cao của Washington nhằm khẳng định và củng cố quan hệ đối tác với giới lãnh đạo và các dân tộc châu Phi.

Mỹ cảnh báo châu Phi không mua dầu của Nga

Ðại sứ Mỹ tại LHQ cho hay giá năng lượng cao, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và xung đột ngày càng gia tăng đã đẩy hàng triệu người châu Phi lâm vào cảnh khốn khó. Bên cạnh đó, việc Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine càng làm cuộc khủng hoảng ở đây thêm tồi tệ, “đặc biệt là một số quốc gia ở châu Phi từng nhập khẩu tới 75% lúa mì từ Nga và Ukraine”.

Hãng tin AP cho hay, chuyến đi của bà Thomas-Greenfield sẽ được tiếp nối ngay sau đó bằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Nam Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Rwanda từ ngày 7 đến 11-8. Ðây là chuyến thăm thứ hai của ông Blinken đến khu vực. Trước đó, nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái đã đến thăm Nigeria, Senegal và Kenya. Vấn đề trọng tâm của ông Blinken trong chuyến công du châu Phi lần này là công bố chiến lược mới của Mỹ đối với lục địa đen, qua đó mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi được tổ chức tại thủ đô Washington vào giữa tháng 12 năm nay do Tổng thống Joe Biden chủ trì.

Chuyến thăm của bà Thomas-Greenfield và ông Blinken được diễn ra sau chuyến thăm mới đây của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Ai Cập, Ethiopia, Uganda và DRC, nơi ông Lavrov cho rằng Mỹ và các nước châu Âu đang làm tăng giá lương thực chứ không phải Nga. “Tình hình ở Ukraine cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường lương thực, nhưng không phải do hoạt động đặc biệt của Nga, mà là do phản ứng hoàn toàn không thỏa đáng của phương Tây, nơi đã ban bố các lệnh trừng phạt đối với Nga” - Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.

Ðáp lại, bà Thomas-Greenfield cho rằng các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt lên Mát-xcơ-va không phải là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng ở châu Phi cũng như nhiều nơi khác. Bà này tố Nga đã thực hiện những hành động gây tổn thương cho người dân châu Phi và xứ bạch dương đang cố gắng bằng cách nào đó bảo vệ hành động của mình và đổ lỗi cho người khác về tác động họ gây ra tại châu Phi. Bà Thomas-Greenfield cảnh báo rằng các quốc gia châu Phi có thể tự do mua ngũ cốc từ Nga nhưng có thể phải đối mặt với hậu quả khôn lường nếu một quốc gia nào đó mua những hàng hóa như dầu mỏ vốn nằm trong các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Mát-xcơ-va.

Phương Tây khó bắt kịp Trung Quốc

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu năm nay cũng đã có chuyến thăm 4 ngày tới Eritrea, Kenya và Comoros, giữ truyền thống 32 năm là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc thực hiện chuyến đi đầu tiên trong năm tới châu Phi. “Chúng tôi không đuổi theo họ. Họ mới người đang đuổi theo chúng tôi. Chúng tôi đã gắn bó với lục địa này trong nhiều thập niên và ngay cả sự nghiệp của chính tôi cũng là bằng chứng cho điều đó” - bà Thomas-Greenfield nói. Ðược biết, bà Thomas-Greenfield lần đầu đến châu Phi khi còn là sinh viên vào những năm 1970. Trong sự nghiệp với tư cách là nhà ngoại giao Mỹ, bà đã trở thành trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề châu Phi trong giai đoạn 2013-2017.

Trung Quốc đã trở thành một trong những nước cho vay lớn nhất đối với các nước đang phát triển thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm mở rộng thương mại bằng cách xây dựng cảng, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác trên khắp châu Phi, châu Á, Trung Ðông và châu Âu. Trong chuyến thăm Kenya hồi tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh chưa từng tạo ra bất kỳ “bẫy nợ” nào ở châu Phi. “Cái gọi là bẫy nợ ở châu Phi không phải là sự thật mà đó là một sự cường điệu ác ý. Ðó là một cái bẫy được tạo ra bởi những thế lực bên ngoài không muốn thấy châu Phi tăng tốc phát triển. Nếu có bất kỳ cái bẫy nào ở châu Phi thì đó chính là “bẫy nghèo đói” - ông Vương nói.

Thế nhưng, bà Thomas-Greenfield nói rằng khi nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm ở châu Phi, người nhìn cần nhìn vào số nợ của các quốc gia châu Phi, trong đó có nhiều quốc gia mắc nợ vì những mối quan hệ với Trung Quốc. Bà Thomas-Greenfield khẳng định, Mỹ không nói với các nước châu Phi rằng Washington không thể hợp tác với Bắc Kinh mà điều xứ cờ hoa đang làm là thực hiện tầm nhìn về phát triển kinh tế, thúc đẩy dân chủ, tôn trọng nhân quyền và tính minh bạch, đồng thời tăng cường năng lực cho người dân châu Phi để tạo công ăn việc làm cho chính công dân của họ.

Dẫu vậy, theo báo cáo mới nhất của tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU), Trung Quốc đã bỏ ra hơn 2 thập niên để xây dựng các mối quan hệ chính trị và kinh tế mạnh mẽ với châu Phi và Bắc Kinh có điều kiện để tái tập trung vào lục địa đen trong thập niên tới. Vì thế, EIU nhận định phương Tây sẽ gặp khó khăn để bắt kịp Trung Quốc tại châu Phi. Bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Phi tăng đến 35% năm 2021, đạt 254 tỉ USD, trong đó châu Phi xuất khẩu đạt mức kỷ lục 100 tỉ USD.

Châu Phi có 54 quốc gia với dân số gần 1,3 tỉ người. Có 25 nước châu Phi đã bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu lên án Nga tại Đại Hội đồng LHQ về cuộc chiến tại Ukraine. Nhiều quốc gia châu Phi từ lâu có quan hệ tốt đẹp với Nga và trước đây là Liên Xô, khi Mát-xcơ-va luôn hậu thuẫn lục địa đen trong cuộc chiến chống thực dân phương Tây. 

Chia sẻ bài viết