05/03/2018 - 10:38

Châu Âu lo ngại chiến lược “chia để trị” của Trung Quốc 

Giới quan sát ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang cảnh giác trước làn sóng đầu tư ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Balkans, Trung và Đông Âu cũng như các thành viên nghèo của EU mà Bắc Kinh xem là cửa ngõ để vào thị trường các nước phát triển hơn. EU cho rằng các khoản đầu tư này đe dọa sự thống nhất và đoàn kết của khối.

Cảng Piraeus (Hy Lạp), nơi Trung Quốc sở hữu phần lớn cổ phần. Ảnh: SCMP

Trong cảnh báo về sự can thiệp của Trung Quốc vào châu Âu lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 27-2 nói rằng các thành viên EU tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc nên duy trì lập trường chính sách đối ngoại của khối đối với Trung Quốc. “Nếu không, EU sẽ tự khiến mình bị chia rẽ” – Thủ tướng Merkel nhấn mạnh. Trước đó hơn một tuần, bà Merkel nhắc nhở quan hệ thương mại của Trung Quốc với các nước Tây Balkans không nên kèm theo những điều kiện ràng buộc về chính trị.

Trung Quốc và Đức có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, kim ngạch thương mại song phương đạt 227,9 tỉ USD hồi năm ngoái, tăng mạnh so với con số 207,6 tỉ USD năm 2016. Tuy nhiên, Berlin tỏ ra nghi ngờ về sự hiện diện của Bắc Kinh ở châu Âu.

“Một số thành viên EU, đặc biệt là Đức, đang tỏ ra lo ngại trước sự đầu tư của Trung Quốc tại vùng được gọi là ngoại vi của EU cũng như việc mua lại các cơ sở hạ tầng nhạy cảm như cảng, nhà máy điện và những công nghệ quan trọng của Bắc Kinh” - Igor Rogelja, chuyên gia tại Đại học Hoàng đế Luân Đôn (Anh), nhận định. Hiện Đức, Pháp và Ý đang kêu gọi EU siết chặt công tác sàng lọc đối với đầu tư nước ngoài – động thái được xem như là một phản ứng đối với sự “dòm ngó” ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với công nghệ châu Âu.

Các nguồn tin ngoại giao cáo buộc Trung Quốc sử dụng chiến thuật “chia để trị”, bằng cách yêu cầu các thành viên phía Đông của EU ngăn chặn hoặc thách thức các quyết định về chính trị của Brussels, chẳng hạn như tranh chấp ở Biển Đông. Theo các nguồn tin này, chiến lược đó đã được Trung Quốc sử dụng thành công trong việc ngăn chặn việc EU chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc “để mắt” các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Âu từ năm 2012 thông qua sáng kiến 16+1, gồm 5 nước vùng Balkans và 11 thành viên EU. Hồi tháng 11 năm đó, công tác xây dựng tuyến đường sắt nối Thủ đô Belgrade của Serbia với Thủ đô Budapest của Hungary đã được tiến hành với sự tài trợ của một công ty Trung Quốc. Còn trong năm 2016, Tập đoàn vận tải biển lớn nhất Trung Quốc COSCO đã mua phần lớn cổ phần cảng Piraeus của Hy Lạp, khiến EU bất mãn dù khối này trước đó yêu cầu tư nhân hóa Piraeus để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.

Theo một báo cáo vừa được công bố, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng 76% hồi năm ngoái, đạt 81 tỉ USD. Trong khi đó, đầu tư của EU vào Trung Quốc giảm 9,1%, chỉ còn 8,8 tỉ USD.

TRÍ VĂN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết