22/04/2019 - 10:31

Chấn chỉnh xây dựng nhà “siêu mỏng”, “siêu dị” 

Tuyến đường số 7 nối từ đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 91B) vào hồ Bún Xáng là tuyến chính quan trọng để kết nối vào khu vực hồ và khuôn viên phía sau của Trường Đại học Cần Thơ. Riêng đoạn đường mới kết nối vào đường số 7 có chiều dài khoảng 250m (tính từ khu dân cư cán bộ Trường Đại học Cần Thơ đi vào hồ) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ODA. Công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện, sắp bước vào giai đoạn thảm nhựa, thì những căn nhà “siêu mỏng, “siêu dị” đã bắt đầu mọc lên (!).

Căn nhà có kích thước... bé hơn chiếc xe lu vừa mọc lên trên tuyến đường vào hồ Bún Xáng.

Qua tìm hiểu từ UBND phường An Khánh, quận Ninh Kiều, dọc theo tuyến đường mới mở này do Ban Quản lý dự án ODA đang triển khai xây dựng, có nhiều diện tích đất sau khi giải tỏa không đủ điều kiện để xây cất nhà, trong đó có chỗ còn lại là đất vườn, đất lúa, diện tích chỉ vài mét vuông, hình thù thửa đất rất đa dạng. Thực trạng này đã được phường kiến nghị lên các ngành chức năng để có giải pháp thu hồi, nhằm tránh tình trạng xây dựng nhà “siêu mỏng”, nhưng với lý do là dự án có nguồn vốn vay ODA, cần phải có ý kiến đồng thuận của người dân có đất bị giải tỏa thì mới thực hiện thu hồi phần diện tích còn lại.

Và điều đáng tiếc, làm mất mỹ quan đô thị ngay “cửa ngõ” vào hồ Bún Xáng - công trình có giá trị nghìn tỉ đồng, đã xảy ra tình trạng xây dựng nhà “siêu mỏng”, “siêu dị”. Một số khu đất còn lại sau giải tỏa chỉ 4-5m2, cũng được chủ đất rào lại trông rất mất thẩm mỹ. Nếu để tồn tại như thế sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị, đến thẩm mỹ chung của công trình hồ Bún Xáng mà người dân đô thị Cần Thơ đang kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ được xếp vào hạng đẹp nhất Cần Thơ, có thể sánh với các hồ đã hình thành ở các thành phố khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, Quyết định 19/2014/QĐ-UBND ngày 24-11-2014 của UBND TP Cần Thơ về việc quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở trên địa bàn thành phố. Theo đó, đất ở tại các phường, thị trấn: Diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 40m2. Đất ở tại các xã: Diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 60m2. Ngoài điều kiện đảm bảo diện tích quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, các thửa đất được phép tách thửa phải có bề rộng và chiều sâu của thửa đất bằng hoặc lớn hơn 4m.

Còn Quyết định 05/2017/QĐ-UBND ngày 2-10-2017 của UBND TP Cần Thơ quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Theo đó, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với trường hợp thửa đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn (quy hoạch xã nông thôn mới), quy hoạch sản xuất nông nghiệp được phê duyệt. Đất nông nghiệp: Đối với đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm, phường thuộc quận: Diện tích tối thiểu được tách thửa từ 150m2 trở lên. Thị trấn thuộc huyện: Diện tích tối thiểu được tách thửa từ 200m2 trở lên. Xã thuộc huyện: Diện tích tối thiểu được tách thửa từ 300m2 trở lên. Đối với các loại đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác: Phường, thị trấn thuộc quận, huyện: Diện tích tối thiểu được tách thửa từ 500m2 trở lên.

Như vậy, căn theo 2 quyết định trên, thì các thửa đất sau khi đền bù, giải tỏa còn lại chỉ vài mét vuông, các cạnh còn lại không bằng hoặc lớn hơn 4m sẽ không được xây dựng nhà ở (nếu là đất ở), còn trường hợp là đất vườn, đất lúa đương nhiên sẽ không được xây dựng công trình. Thiết nghĩ, ngành chức năng quản lý đất đai và UBND quận Ninh Kiều cần sớm triển kiểm tra, thống kê lại để có biện pháp quản lý xây dựng hiệu quả hơn, tránh xảy ra tình trạng xây dựng nhà “siêu mỏng”, “siêu dị” ngay trên những tuyến đường mới mở trên toàn địa bàn quận chứ không riêng tuyến đường này. Nếu chủ động ngăn chặn ngay từ đầu sẽ quản lý tốt quy hoạch xây dựng, đảm bảo mỹ quan đô thị cho thành phố. 

Bài, ảnh: AN KHÁN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
nhà siêu mỏng