09/11/2010 - 21:32

Cầu mong cho em mau hết bệnh !

Mẹ con chị Huỳnh Thị Hồng.

Đó là ước mong của em Huỳnh Thúy Mỹ (ngụ ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang). Năm nay Thúy Mỹ 13 tuổi, nhưng ngày ngày em phải chịu sự hành hạ thể xác bởi căn bệnh suy thận mãn tính. Căn nhà chẳng mấy lành lặn, không ruộng vườn, cha mẹ Thúy Mỹ sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, với nguồn thu nhập bấp bênh thì lấy đâu ra tiền, để làm chi phí điều trị bệnh tật cho con…

Đến Khu dân cư vượt lũ số 6 (thuộc ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội), chúng tôi hỏi thăm vợ chồng chị Huỳnh Thị Hồng và Nguyễn Văn Thổi thì được bà con ở đây kể nhiều về gia cảnh của anh chị. Đó là cặp vợ chồng nghèo, lam lũ, không ruộng vườn, không nghề nghiệp ổn định. Là một trong những hộ nghèo của ấp, mấy năm trước, vợ chồng anh Thổi, chị Hồng được chính quyền địa phương xét bố trí vào ở trong Khu dân cư vượt lũ số 6. Ngày ngày, anh Thổi, chị Hồng đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền lo chạy gạo từng bữa. Vất vả là thế, nhưng 6 thành viên trong nhà anh chị sống rất đầm ấm và hạnh phúc. Thế nhưng, cuộc đời của họ lại không bằng phẳng. Một năm trước, con gái của anh chị (em Huỳnh Thúy Mỹ) chẳng may mắc chứng bệnh suy thận mãn tính. Thế là, cuộc sống của anh chị vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn gấp bội phần...

Chị Hồng kể: “Một năm trước, cơ thể Thúy Mỹ bị sưng phù. Cháu cứ kêu đau dữ dội. Thấy vậy, vợ chồng tôi chở cháu đến bệnh viện huyện An Phú, sau đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang. Các bác sĩ điều trị cho biết, Thúy Mỹ bị mắc chứng bệnh suy thận mãn tính, phải có tiền, để lo thuốc thang, điều trị trong thời gian dài. Vợ chồng tôi chết điếng người. Nhà cửa không lành lặn, gạo đong từng bữa thì làm gì có khả năng điều trị bệnh cho con...”. Kể từ đó, trong căn nhà nhỏ vắng hẳn tiếng nói cười như trước. Bao lo toan cơm, áo gạo tiền đè nặng trên đôi vai gầy yếu của anh Thổi; còn chị Hồng dường như không còn nước mắt để khóc thương cho số phận của con mình. Cứ cách khoảng 1 tháng, cơ thể của Thúy Mỹ lại sưng phù, đó cũng là dấu hiệu để anh chị đưa cháu đi điều trị. Chị Hồng cho biết: “Mỗi lần như thế, tôi phải đi chạy vay mượn tiền để lo đi điều trị bệnh cho con. Tôi và Thúy Mỹ đi xe ôm đến phòng mạch bác sĩ tư ở thị xã Châu Đốc, mỗi lượt đi về tốn 50.000 đồng. Tiền khám bệnh, thuốc men là 50.000 đồng. Số tiền này đã là quá sức đối với vợ chồng tôi”. Để có tiền lo thang thuốc, chạy chữa bệnh cho con, anh Thổi cùng người con trai thứ ba (năm nay đã 16 tuổi) đi làm phụ hồ ở tỉnh Đồng Nai. Chắt chiu, gói ghém từng đồng, khoảng mười bữa hay nửa tháng, anh Thổi lại gởi tiền về cho chị Hồng lo cho con. Nhưng, bệnh tình của Thúy Mỹ ngày một trở nặng, trong khi đó, anh Thổi, chị Hồng dường như đã sức cùng, lực kiệt.

Ở độ tuổi còn quá nhỏ, Thúy Mỹ chưa hiểu được hết sự nguy hiểm đến tính mạng mà căn bệnh em đang đeo mang. Ngày trước, em cũng được cha mẹ cho cắp sách đến trường. Nhưng kể từ ngày phát bệnh, em đành phải nghỉ học. Chiều chiều, em ngồi phía trước nhà, nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa cười nói, vui đùa trên đường đi học về. Những lúc như thế, em chạy vội vào nhà, ngồi ở chái bếp phía sau và ôm chặt quyển vở mà khóc nức nở. Ước ao được đến trường vẫn luôn khao khát, cháy bỏng trong em. Thúy Mỹ cho biết: “Em mong mau lành bệnh để xin mẹ tiếp tục được đi học. Sau này, em trở thành cô giáo, về dạy lại cho các em nhỏ nghèo trong xóm”.

Mong ước của Thúy Mỹ thật đơn sơ và đẹp biết bao. Chúng tôi rất mong nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, tiếp thêm sức mạnh, giúp em đủ sức chống chọi, vượt qua bệnh tật và cố sức đi tiếp đoạn đường phía trước, vun đắp và biến ước mơ thành hiện thực.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết