01/07/2020 - 08:18

“Dòng sông bên chùa”

Câu chuyện cuộc sống đổi thay 

Tiểu thuyết “Dòng sông bên chùa” (NXB Văn học) của tác giả Nguyễn Quốc Trung lấy bối cảnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và người dân ở xóm nước đen sau ngày giải phóng. Từ sự thay đổi của thời cuộc, số phận con người cũng biến đổi, nhưng trên hết, tình yêu và cái thiện là điểm nhấn tỏa sáng ở tác phẩm này.

Sau ngày 30-4-1975, xóm nước đen - một khu tập trung dân nghèo sống chen chúc ven kênh Nhiêu Lộc ô nhiễm của Sài Gòn - có nhiều thay đổi, nhất là khi chính quyền tiến hành giải tỏa những khu ổ chuột ven kênh Nhiêu Lộc để chỉnh trang thành phố. Gần đó, có chùa Thiện Lợi do sư cô Hạnh Hòa làm trụ trì, thường làm việc thiện. Một đêm nọ, một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cửa chùa. Ðứa trẻ được giao cho ni Hương chăm sóc. Vì không có kinh nghiệm nên thầy trò sư trụ trì phải nhờ đến sự hỗ trợ của Tùng - một anh bộ đội được biệt phái làm cán bộ quân quản ở xóm và được bà con quý mến. Anh đã nhờ những bà mẹ đang cho con bú đến chùa cho đứa trẻ bú nhờ; đồng thời hỗ trợ chùa trong các hoạt động từ thiện xã hội. Từ đứa trẻ bị bỏ rơi, tác phẩm dần mở rộng ra số phận của nhiều cư dân ở xóm nước đen và sự thay đổi cuộc sống của họ…

Xóm nước đen kênh Nhiêu Lộc là một góc Sài Gòn, là xã hội thu nhỏ từng đi vào nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh. “Dòng sông bên chùa” đã tái hiện “một góc Sài Gòn” khá sinh động với những nhân vật rất đặc trưng. Tác phẩm đã có sự tổng hợp hài hòa khi khắc họa nhiều nhân vật với các số phận, tính cách khác nhau mà không bị rối rắm. Tất cả có sự liên quan với nhau và được kể theo lớp lang với cốt truyện rõ ràng, dễ hiểu.

Trong đó, nhân vật Ðống được xây dựng khá thành công như một dạng “Chí Phèo” của xóm nước đen; hay như Phan, một sĩ quan binh lực cộng hòa, đi Mỹ tìm cơ hội đổi đời. Hoặc ông Sáu Nam, một người đàn ông tốt tính, chăm chỉ làm việc bằng nghề bán cơm tấm đêm. Sau khi được đền bù giải tỏa, ông về quê mua đất làm vườn và có cái kết viên mãn khi sự nghiệp và tình duyên đều như ý.

Sợi dây kết nối các nhân vật trong suốt tác phẩm là Tùng và ni Hương. Tùng trực tiếp quản lý và giúp đỡ các cư dân xóm nước đen ổn định cuộc sống nên anh luôn có mặt khi họ cần, hỗ trợ mọi người hết lòng. Việc giúp nhà chùa làm việc thiện và chăm sóc đứa bé bị bỏ rơi khiến anh và ni Hương có cơ hội tiếp xúc với nhau nhiều. Anh bộ đội cương nghị và tốt bụng đã khiến lòng của ni cô trẻ chưa dứt bụi trần xao động. Ni Hương được sư trụ trì cho phép hoàn tục để họ được chính thức yêu nhau. 

Những phận người đặc biệt và câu chuyện của họ đã tạo nên nét riêng và sức hấp dẫn cho tác phẩm. Dù là ai, dù cuộc sống khó khăn, trắc trở nhưng nếu cố gắng vươn lên và sống tốt thì sẽ có được hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây không theo một mẫu số chung mà là theo cảm nhận của từng người. Tác phẩm cũng đề cập một phần về chiến tranh, chính trị và những góc nhìn của người lính hai bên chiến tuyến, điển hình là sự thay đổi nhân sinh quan của Phan sau khi trở về chứng kiến những đổi thay ở xóm nước đen. Ðiểm sáng nhất của tiểu thuyết chính là chữ “Thiện” - thể hiện qua sự từ tâm của những người tu hành đến những con người trần tục. Chính cái “Duyên” và cái “Thiện” đã gắn kết họ tạo nên một bức tranh sinh động về một góc nhỏ của Sài Gòn nhiều năm về trước.

    CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết