31/07/2021 - 16:21

Cấp bách hỗ trợ Cần Thơ chống dịch COVID-19 

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ vào sáng 31-7. Qua hơn 2 tuần thực hiện giãn cách, số ca nhiễm trên địa bàn Cần Thơ vẫn tiếp tục gia tăng, hơn 50% trường hợp được phát hiện trong cộng đồng. Đường cong của dịch chưa có dấu hiệu phẳng, trong khi năng lực truy vết, xét nghiệm cũng như điều trị bệnh nhân COVD-19 của thành phố còn nhiều khó khăn.

Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H.HOA​

Dịch diễn biến phức tạp

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế và Bộ Thông tin - Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, thông tin: Từ ngày 8-7 đến 30-7-2021, thành phố có hơn 1.300 ca nhiễm COVID-19. Trong số đó, gần  41% trường hợp phát hiện trong các khu cách ly, khu vực phong tỏa, còn lại phát hiện ngoài cộng đồng. Toàn thành phố có 21 ổ dịch lớn, chủ yếu ở các quận trung tâm Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và huyện Thới Lai. Trong đó, có 7 ổ dịch ở các công ty trong các khu công nghiệp và 1 ổ dịch tại bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ cơ bản đã được khống chế.

Thành phố đã xây dựng 42 khu cách ly, với năng lực tiếp nhận khoảng 6.500 công dân, nay kín chỗ gần 50%. Dự kiến thành phố thành lập thêm 34 khu cách ly tập trung mới, với khả năng tiếp nhận khoảng 4.300 công dân. Tính đến ngày 30-7-2021, các BV đang điều trị 1.260 bệnh nhân COVID-19 và một số trường hợp nghi nhiễm. Thành phố chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 BV dã chiến với quy mô 1.200 giường. Đồng thời, tăng cường giường hồi sức tích cực chuẩn bị điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Cần Thơ cũng đã hoàn tất 3 đợt tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19, với 2,52% dân số được tiêm; đang triển khai đợt tiêm thứ tư, bắt đầu từ 30-7. Đến cuối năm 2021, dự kiến Cần Thơ được cấp 1.760 triệu liều vaccine.

Theo ông Dương Tấn Hiển, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp. Trong khi, công tác phòng chống dịch của thành phố chưa bài bản, năng lực xét nghiệm còn hạn chế, dự báo diễn biến dịch chưa sát thực tế; mua sắm thiết bị y tế gặp khó khăn. Đánh giá về tình hình này, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, lo lắng: Thành phố đang gặp phải tình huống hết sức nguy cấp, do nguồn lây còn tiềm ẩn trong cộng đồng rất cao. Mặc dù thành phố đã tiến hành phong tỏa, cách ly, truy vết, sàng lọc nhưng chuỗi lây nhiễm ở các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung đông người tiếp tục bùng phát, diễn biến phức tạp. Dự báo tình huống xấu trong những ngày sắp tới.

* Hỗ trợ Cần Thơ tháo gỡ khó khăn

Ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế lưu ý Cần Thơ về nguồn cung oxy y tế cho các đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19. Nếu số ca mắc của thành phố vượt trên 200 ca mỗi ngày, nguy cơ thiếu hụt oxy rất lớn. Thành phố cần chủ động phối hợp với nhà máy sản xuất oxy công nghiệp trên địa bàn để được hỗ trợ nguồn oxy đảm bảo điều trị. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống điều phối thông qua tổng đài online để sắp xếp nhân lực, hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe, tư vấn chuyển tuyến giữa các đơn vị y tế. 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, hơn 80% trong tổng số bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng. Đối với nhóm này, chủ yếu là tổ chức cách ly, chăm sóc tâm lý và dinh dưỡng. Trong 20% còn lại, có 5% ở mức độ nặng, cần tập trung điều trị để giảm tử vong.

Bộ Thông tin - Truyền thông cũng sẽ cử ê-kíp chuyên gia vào Cần Thơ đồng hành cùng thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly... Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã cử cán bộ, sinh viên tham gia truy vết, lấy mẫu... cũng như chuẩn bị phục vụ cho BV dã chiến số 1 của thành phố. Nhà trường đang tổ chức tập huấn xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng xe lưu động.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch bệnh của thành phố hiện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ từ số lượng lớn những ca bệnh phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng. Bên cạnh đó, đáng lo là độ trễ khi phát hiện ca bệnh, trễ trong công tác xét nghiệm. Việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ làm giảm tốc độ lây nhiễm bệnh, vì vậy, yêu cầu người dân thật sự cần thiết mới ra khỏi nhà. Khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, lập tức khoanh vùng rộng, lấy mẫu nhanh, phong tỏa hẹp để giảm tác động đến cuộc sống nhân dân.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Cần Thơ cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xét nghiệm COVID-19 vì xét nghiệm nhanh có ý nghĩa rất lớn đối với công tác phòng chống dịch. Về vấn đề này, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ xe lưu động xét nghiệm SARS-CoV-2, giao Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phụ trách; hỗ trợ test nhanh cho thành phố... Bộ trưởng đề nghị thành phố phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng. Trong điều trị, Cần Thơ xây dựng tháp 3 tầng. Theo đó, hơn 80% trường hợp không có triệu chứng, không cần nhiều nhân lực y tế. Còn tầng 2, nhất là tầng 3, huy động tổng lực của ngành y tế, cả công lập và tư nhân, theo dõi diễn tiến bệnh, xử trí hồi sức cấp cứu kịp thời, giảm tử vong. Bộ Y tế đã hỗ trợ xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ quy mô 200 giường. Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng Trung tâm Hồi sức thứ 2 của ĐBSCL, với quy mô 800-1.000 giường, nhân lực do BV 103 đảm nhận, Bộ Y tế và Cần Thơ phối hợp trang bị thiết bị.

THU SƯƠNG - ĐOÀN LÝ

Chia sẻ bài viết