24/07/2022 - 08:44

Cạnh tranh quyền lực ở Trung Đông 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm 6 quốc Arab cùng với Jordan, Ai Cập và Iraq ở thành phố Jeddah (Saudi Arabia) mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington “sẽ không rời bỏ Trung Ðông” trong bối cảnh nhà lãnh đạo xứ cờ hoa cố gắng đảm bảo sự ổn định tại một góc đầy biến động này của thế giới.

Từ trái sang: Lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp ngày 19-7.

“Chúng tôi sẽ không bỏ đi và để lại khoảng trống cho Trung Quốc, Nga hay Iran nhảy vào lấp đầy. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng khu vực bằng sự lãnh đạo năng động, có nguyên tắc của Mỹ” - Tổng thống Biden nhấn mạnh. Ông chủ Nhà Trắng cũng thúc giục các nhà lãnh đạo Arab coi nhân quyền là động lực mạnh mẽ của sự thay đổi kinh tế và xã hội, đồng thời tuyên bố sẽ viện trợ 1 tỉ USD để giúp giảm bớt nạn đói trong khu vực Trung Ðông và Bắc Phi trong bối cảnh giá cả lương thực thế giới tăng cao do các nguồn cung bị đứt gãy. “Tương lai tốt đẹp chỉ dành cho những quốc gia phát huy hết tiềm năng của dân số, gồm cả việc cho phép mọi người chất vấn và chỉ trích các nhà lãnh đạo mà không sợ bị trả đũa” - ông Biden cho biết thêm.

Vị thế của Trung Quốc, Nga, Iran

Phát biểu trên của Tổng thống Biden xuất phát từ những lo ngại về sự hiện diện của Nga và Trung Quốc tại khu vực. Theo tờ Gulf Today, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” với Nga và điều này khiến UAE tách mình khỏi phe phương Tây trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga xung quanh vấn đề Ukraine. Ai Cập thì không ngừng mở rộng quan hệ với Nga, trong đó Nga đã bắt đầu xây dựng một nhà máy năng lượng hạt nhân trị giá 25 tỉ USD cho Ai Cập.

Trong khi đó, quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga được thiết lập vào năm 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ và “giậm chân tại chỗ” mãi cho đến năm 2016 khi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã đồng ý hợp tác với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để kiểm soát lượng dầu xuất khẩu cũng như giá dầu. Hầu hết các quốc gia Arab không lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và phản đối lệnh cấm vận chống Mát-xcơ-va của phương Tây. Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, thậm chí tăng gấp đôi nhập khẩu nhiên liệu giá rẻ của Nga trong những tháng qua nhằm phục vụ cho các nhà máy sản xuất điện, qua đó cho phép nước này có thêm dư địa tăng cường xuất khẩu dầu thô với cái giá rất cao.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đang tăng cường ảnh hưởng tại khu vực. UAE mở cửa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1984 và kể từ đó, mối quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế và thương mại giữa Abu Dhabi và Bắc Kinh phát triển mạnh. Còn Saudi Arabia và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990 mặc dù Bắc Kinh đã bắt đầu bán vũ khí cho Riyadh từ năm 1980. Theo sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, UAE, Saudi Arabia, Algeria và Ai Cập cùng với Iran thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc - mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao của Bắc Kinh, trong khi 8 quốc gia khác trong khu vực có quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc.

Không những vậy, Bắc Kinh còn trở thành đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của khu vực (Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Saudi Arabia). Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, trong 16 năm qua, tổng giá trị các khoản đầu tư và dự án xây dựng của Trung Quốc tại Saudi Arabia lên tới 43,47 tỉ USD, UAE 36,16 tỉ USD, Iraq 30,05 tỉ USD, Kuwait 11,75 tỉ USD, Qatar 7,8 tỉ USD, Oman 6,62 tỉ USD và Bahrain 1,42 tỉ USD.

Trong khi đó, vị thế của Iran tại khu vực ngày càng mạnh thêm dù chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018. Vai trò của Tehran được nâng cao khi thắng thế trong cuộc chiến tại Yemen thông qua phiến quân Houthi. Quan hệ giữa Iran và Iraq ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Ðặc biệt, Iran luôn giữ vững mối quan hệ gần gũi với Qatar, sau khi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ và áp đặt cấm vận Qatar năm 2017.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tiếp tục hợp tác trong vấn đề chống khủng bố ở Syria

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ngày 19-7 cam kết tiếp tục hợp tác chống khủng bố ở Syria, theo tuyên bố ba bên được đưa ra sau khi lãnh đạo ba nước nhóm họp thượng đỉnh ở Tehran. Theo tuyên bố chung, tổng thống ba nước “tái khẳng định quyết tâm tiếp tục sự hợp tác hiện nay nhằm mục đích loại trừ các cá nhân, tổ chức, nhóm và thực thể khủng bố”, cũng như bày tỏ sự phản đối việc  chiếm hữu và chuyển nguồn thu dầu mỏ thuộc về Syria một cách trái phép.

Mỹ cố lôi kéo Saudi Arabia

Dưới sự hỗ trợ của chính quyền Trump, Israel đã bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain, Sudan và Morocco. Tuy nhiên, các quốc gia quan trọng trong khu vực như Saudi Arabia, Ai Cập, Qatar, Iraq bất chấp các nỗ lực thúc đẩy của Mỹ vẫn chưa có thiện chí làm điều tương tự vì những vấn đề chính trị phức tạp và lợi ích quốc gia riêng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp với Thái tử  Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 15-7. Ảnh: AP

Dù Saudi Arabia, UAE, Jordan và Bahrain có cố gắng cô lập và ngăn chặn ảnh hưởng chính trị và an ninh của Iran tại khu vực nhưng giờ đây họ vẫn duy trì tiếp xúc nhằm cải thiện quan hệ với Tehran. UAE đã thực hiện chính sách này từ nhiều năm nay, trong khi từ tháng 4-2021 đến nay, các quan chức Saudi Arabia và Iran gặp nhau 5 lần tại Baghdad dưới sự trung gian của Iraq. Chính Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã lên tiếng hoan nghênh các cuộc tiếp xúc như vậy và kêu gọi nối lại quan hệ sau khi 2 nước cắt đứt ngoại giao vào năm 2016. Qatar và Oman giờ đây đang đóng vai trò là trung gian đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran.

Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và cường quốc đồng minh đứng đầu khu vực là Saudi Arabia đã giảm sút nghiêm trọng liên quan đến chiến dịch quân sự tại Yemen và vụ ám sát nhà báo đối lập Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018.

Thế nên, nhà phân tích các vấn đề Trung Ðông Michael Jansen cho rằng kỷ nguyên thống trị của Mỹ tại khu vực đã qua rồi. Những năm gần đây, khu vực này đã gần như vượt ra khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và các quốc gia dẫn đầu cho sự chuyển đổi này là Saudi Arabia và UAE.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu của Tổng thống Biden trong chuyến công du Trung Ðông là trấn an các đồng minh, kể cả với Israel, tăng cường hợp tác thiết thực hơn với Saudi Arabia và thúc đẩy các nước hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Quan trọng nhất có lẽ là việc kết nối quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia thông qua thỏa thuận chuyển giao chủ quyền 2 hòn đảo chiến lược (Tiran và Sanafir) trên Biển Ðỏ từ Ai Cập cho Saudi Arabia.

Tuy 2 đảo Tiran và Sanafir không có người ở nhưng nằm ở cửa ngõ ra vào Vịnh Aqaba. Ðây là vị trí chiến lược vì có thể kiểm soát được tuyến hàng hải dẫn đến Eilat, cảng duy nhất của Israel có lối vào Biển Ðỏ. Israel đã chiếm Tiran và Sanafir vào năm 1967, nhưng sau đó trao trả lại cho Ai Cập theo Hiệp định hòa bình năm 1979 giữa Israel - Ai Cập dưới sự trung gian của Mỹ. Hiệp định này cho phép thiết lập một lực lượng gìn giữ hòa bình quy mô nhỏ tại đây, bao gồm sự hiện diện của lính Mỹ. Trong khi đó, Saudi Arabia từ lâu tuyên bố 2 hòn đảo này thuộc chủ quyền quốc gia của mình. Ðến năm 2017, Cairo chính thức trả lại 2 hòn đảo cho Riyadh theo một thỏa thuận đạt được một năm trước đó.

Tuy nhiên, Saudi Arabia cần nhận được sự ủng hộ của Israel để có thể chính thức kiểm soát 2 hòn đảo trên. Chuyến công du Israel của ông Biden đã cho kết quả.  Ðổi lại, Saudi Arabia quyết định dỡ bỏ những hạn chế sử dụng không phận nước này đối với tất cả các hãng hàng không, gồm cả hãng hàng không El Al của Israel, cũng như cho phép công dân Israel bay thẳng đến Saudi Arabia để thăm viếng thánh địa Mecca, từ đó rút ngắn thời gian bay giữa Israel với các nước Trung Ðông và châu Á. Mỹ cam kết sẽ rút quân khỏi 2 hòn đảo vào cuối năm nay, kết thúc Hiệp định hòa bình năm 1979.

Ông Biden thu nhận được gì?

Ngoài kết quả kể trên, chuyến công du Saudi Arabia của Tổng thống Biden khiến dư luận Mỹ không hài lòng, bởi ông chủ Nhà Trắng bị cáo buộc “lãng quên” tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Riyadh. Trong khi đó, trước khi dự hội nghị thượng đỉnh Arab, Tổng thống Biden đi thăm cả Israel và Palestine, cam kết ủng hộ giải pháp 2 nhà nước cùng tồn tại hòa bình. Tuy nhiên, tựu trung lại là ông Biden không đưa ra chính sách hay công bố chiến lược gì mới cho Trung Ðông và chuyến đi này được đánh giá là khó giúp Mỹ khôi phục lại quyền lực chính trị vốn có của mình tại khu vực giàu dầu mỏ nhất thế giới.

 

Chia sẻ bài viết