05/01/2011 - 21:23

Cảnh báo ngộ độc tập thể từ thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Cần Thơ, vài năm trở lại đây, mỗi năm TP Cần Thơ chỉ xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) quy mô nhỏ với vài người hoặc hơn mười người bị NĐTP/vụ. Nhưng ngày 23-12-2010, một vụ NĐTP tập thể với 86 người mắc đã xảy ra tại Công ty TNHH Phong Đạt, phường Ba Láng, quận Cái Răng. Đây cũng là vụ NĐTP lớn nhất từ năm 2000 đến nay ở TP Cần Thơ. Vụ ngộ độc này nhắc nhở cho mọi người phải tự bảo vệ sức khỏe trong việc chọn lựa thực phẩm an toàn, vệ sinh. Nếu lơ là, mất cảnh giác thì nguy cơ NĐTP sẽ bùng phát,...

Ăn xong... vào bệnh viện

Năm 2009, TP Cần Thơ có 5 vụ NĐTP. Trong các vụ này, số người bị NĐTP từ vài người hoặc hơn mười người. Trong vụ NĐTP xảy ra vào ngày 23-2-2009, ước tính có 18 người ở các xã, phường: Giai Xuân, Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) Long Tuyền và Long Hòa (quận Bình Thủy) có biểu hiện lâm sàng của NĐTP. Theo lời khai của các bệnh nhân, sau khi ăn các món ăn trong tiệc cưới tại nhà hàng S. (đường Lê Lai, phường An Phú, quận Ninh Kiều), khoảng 2- 6 giờ sau, các bệnh nhân có dấu hiệu nôn ói, đau bụng, tiêu chảy... các bệnh nhân đến điều trị tại trạm y tế và điều trị tại nhà. Chỉ hai ngày sau vụ ngộ độc, tất cả bệnh nhân đã bình phục sức khỏe. Sau khi xảy ra NĐTP, căn cứ vào biên bản điều tra về NĐTP, Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ đã đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ Nhà hàng S với mức 10.600.000 đồng, đề nghị nhà hàng phải tạm đóng cửa để chấn chỉnh điều kiện vệ sinh, hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Đây là vụ ngộ độc có mức phạt cao nhất trong năm 2009.

  Các y, bác sĩ tích cực điều trị cho công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Đa khoa Châu Thành.  

Trong năm 2010, TP Cần Thơ xảy ra 3 vụ NĐTP, giảm 2 vụ so với năm 2009. Trong đó, 2 vụ có quy mô nhỏ từ 8 đến 20 người mắc đều là ngộ độc tập thể trong đám tiệc. Còn vụ NĐTP vào ngày 23-12 ở nhà ăn tập thể Công ty TNHH Phong Đạt (chuyên may mặc), phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ có quy mô khá lớn với 86 người bị NĐTP. Theo các công nhân, vào ngày 23-12, sau khi ăn cơm trưa xong từ 1 giờ 30 phút - 2 giờ thì bị đau bụng, nôn, nhức đầu, đau vùng thượng vị, mệt lả ... một số công nhân có thêm biểu hiện sốt. Thức ăn trưa do công ty đặt ở quán ăn 16, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đến 26-12, toàn bộ công nhân đã được xuất viện. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ và Trung tâm Y tế dự phòng quận Cái Răng đã điều tra dịch tễ và lấy thức ăn trưa của công nhân để kiểm nghiệm tìm tác nhân gây ngộ độc. Ông Đàm Hồng Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đã gởi mẫu thực phẩm lên tuyến trên để xét nghiệm. Trong tuần này, Chi cục ATVSTP TP Cần Thơ xin ý kiến Sở Y tế, phối hợp với các cơ quan chức năng để xem xét mức độ vi phạm của các cơ sở liên quan đến vụ NĐTP để đưa ra mức độ xử lý thích hợp”.

Làm gì khi có NĐTP?

Qua những vụ NĐTP, ông Đàm Hồng Hải khuyến cáo: “Khi một vụ NĐTP xảy ra cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Vụ NĐTP ở Công ty TNHH Phong Đạt là một trường hợp điển hình. Trước tiên, nạn nhân của vụ NĐTP phải được cấp cứu kịp thời. Bệnh viện đa khoa Châu Thành đã sàng lọc, chủ động lấy mẫu bệnh phẩm và triển khai công tác điều trị rất tốt. Đây là yếu tố quan trọng để giải quyết nhanh một vụ NĐTP. Ngoài ra, Cảnh sát 113 cũng có mặt rất kịp thời để giữ gìn trật tự. Công ty TNHH Phong Đạt đã lưu giữ các món ăn do công nhân đã ăn và xảy ra ngộ độc. Từ đó, Chi cục và Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng quận Cái Răng đã hoàn tất quy trình giám sát, điều tra, xử lý vụ NĐTP một cách nhanh chóng”.

Ngành y tế căn cứ vào 2 yếu tố để xác định một vụ NĐTP. Đó là: Yếu tố dịch tễ và lâm sàng. Yếu tố dịch tễ là khi có từ 2 người trở lên cùng ăn một món ăn vào cùng thời điểm, xuất hiện triệu chứng nhiễm độc, thường là cấp tính từ 30 phút đến 6 giờ. Về yếu tố lâm sàng, nhiều bệnh nhân cùng xuất hiện hội chứng giống nhau. Ngộ độc cấp thường biểu hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, vật vã, có thể kèm theo tiêu chảy, nhức đầu, co giật, chảy nước dãi... Trong mỗi vụ NĐTP, ngành y tế tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm và thực phẩm là nhằm mục đích xác định tác nhân gây ngộ độc, phục vụ cho công tác nghiên cứu và tuyên truyền về sau. Khi có người bị ngộ độc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm ? Ông Đàm Hồng Hải cho rằng: “Trách nhiệm chính thuộc về nơi chế biến, cung cấp thức ăn. Tuy nhiên ngành chức năng có thể xem xét yếu tố liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) của nơi tổ chức bữa ăn để có mức độ xử lý thích hợp”. Thời gian qua, đối với các vụ NĐTP có quy mô nhỏ, triệu chứng ngộ độc nhẹ, Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện kiểm tra và xử lý, mức phạt từ 500.000- 2.000.000đồng/vụ và tiêu hủy sản phẩm. Với những vụ có số người mắc tương đối nhiều, mức phạt cao nhất là 10 triệu đồng hoặc buộc cơ sở ngưng hoạt động.

Một số công nhân trong vụ NĐTP tập thể ở phường Ba Láng, quận Cái Răng băn khoăn lo lắng sau khi bị NĐTP đã điều trị ổn định, xuất viện về nhà thì có ảnh hưởng lâu dài gì đến sức khoẻ không? Theo ông Đàm Hồng Hải: “Đối với ngộ độc cấp, thường do vi khuẩn gây ra thì không có hậu quả gì về lâu dài. Tuy nhiên, nếu ngộ độc mãn tính do phơi nhiễm với hóa chất gốc Chlore, Phosphore hữu cơ, hoặc kim loại nặng, ví dụ thủy ngân, asen, chì... tùy mức độ phơi nhiễm và liều lượng tiếp xúc, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe”. Vì những ảnh hưởng không lường được đối với sức khỏe và tính mạng khi bị NĐTP nên ngành y tế khuyến cáo người dân không nên ăn các món ăn hoặc loại thực phẩm có dấu hiệu ôi, thiu, kém phẩm chất... như các vụ NĐTP thời gian qua chủ yếu từ các đám tiệc, nhà hàng. Chủ các cơ sở này được yêu cầu không nên sử dụng chất bảo quản, phụ gia cấm sử dụng hoặc có độc tính, nguyên liệu sử dụng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chế biến trong điều kiện hợp vệ sinh...

Ngành y tế TP Cần Thơ đã có kế hoạch chuẩn bị kiểm tra ATVSTP trước Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Theo thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ, Thanh tra, Chi cục ATVSTP thành phố và Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện sẽ kết hợp với các ban ngành chức năng tăng cường kiểm tra các khu vực chợ, nhà ăn tập thể... Đặc biệt kiểm tra chặt chẽ tình trạng sử dụng chất hàn the là hóa chất đã cấm sử dụng trong thực phẩm để ngăn ngừa NĐTP trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần hết sức cảnh giác khi lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, có như vậy mới ngăn chặn, đẩy lùi được số ca NĐTP, nhất là trong dịp Tết sắp đến.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết