25/09/2008 - 21:36

Cảnh báo cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh xăng, dầu

Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang tập trung kiểm tra làm rõ hành vi gian lận thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (KDXD), danh tánh các doanh nghiệp vi phạm được công bố công khai nhằm chấn chỉnh một bước tình trạng kinh doanh mặt hàng này. Thế nhưng, sự cố cháy nổ xảy ra từ các cơ sở KDXD thời gian gần đây cũng đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

* Nguy hại khó lường

Đến tuần lễ cuối tháng 9-2008, em Tô Thanh Phương 6 tuổi, nạn nhân trong vụ cháy bồn xăng và nổ hố ga vào 14 giờ 20 ngày 20-8-2008 tại Cửa hàng xăng dầu số 35 (ngã tư đường 30-4 và Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều) thuộc Công ty TNHH một thành viên dầu khí TPHCM vẫn còn nằm điều trị tại khoa Bỏng của Bệnh viện 121 (QK9). Bác sĩ điều trị chưa thể kết luận được các di chứng mà Phương sẽ phải gánh chịu từ vụ tai nạn này, vì ngoài cánh tay trái bị cụt đến khuỷu tay, Phương còn bị chấn thương xương đòn phải và chấn thương cột sống. Gia đình của Phương sống tạm bợ trên ghe ở bến Tầm Vu (phường Hưng Lợi), do không có sổ hộ khẩu và không thuộc diện tạm trú nên chính quyền địa phương không thể hỗ trợ các chế độ dành cho hộ nghèo. Bản thân Phương, trước khi bị tai nạn phải tự mưu sinh bằng việc bán cua đồng. Chị Phan Kim Hoàng, mẹ của Phương, nghẹn ngào nói: “Mỗi ngày, Phương và hai người anh đều ngồi trên miệng cống trước cây xăng để bán cua, chỗ này có nhiều người qua lại thấy tụi nó tội nghiệp nên mua cua giùm. Khi tai nạn xảy ra, nếu các anh nó không kịp chạy thoát thân thì bây giờ tôi có tới 3 đứa con bị tàn phế. Gia đình tui cơm ăn còn chưa đủ no không biết sau này thằng Phương sẽ sống như thế nào?!”.

 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một cây xăng tại huyện Cờ Đỏ nằm trong khu dân cư, thiếu thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy.

Vụ cháy ghe trên sông Hậu vào rạng sáng ngày 31-8-2008 do xăng của kho xăng dầu Mê kong trên sông Hậu tràn trên mặt sông, đã làm chị Nguyễn Hồng Lal (sinh năm 1976 - là chủ ghe) chết, anh Nguyễn Văn Long (sinh năm 1975 - chồng của chị Lal) bị phỏng đến 90% được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị tiếp tục. Ngày 22-9-2008, bác sĩ Phạm Hồng Trường, Trưởng khoa Săn sóc đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Hiện nay, tính mệnh anh Long rất nguy kịch vì vết phỏng quá sâu đã làm anh bị nhiễm trùng huyết và rối loạn đông máu.

Thiếu tá Phạm Quang Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thuộc Công an TP Cần Thơ, phụ trách khám nghiệm hiện trường vụ cháy nói: “Đêm hôm trước xảy ra vụ cháy, nhân viên của kho xăng dầu Mê kong đã phát hiện đường ống dẫn xăng bị rò rỉ nên khóa van các bồn xăng. Nếu xăng từ các bồn xăng khổng lồ ấy tràn ra khắp mặt sông Hậu theo thủy triều chảy vào bến Ninh Kiều, thì mức độ nguy hại thật khó lường”. Tương tự nếu ngọn lửa phát ra từ bồn xăng của cửa hàng xăng dầu số 35 không được kịp thời dập tắt mức độ nguy hại cũng khó lường, vì đối diện với cây xăng này là Trạm cấp phát xăng dầu thuộc Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ.

* Vấn đề đặt ra?

Theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, tính đến tháng 9-2008, toàn thành phố có 189 cơ sở KDXD, trong đó có 10 cơ sở giấy phép đăng ký kinh doanh đã quá hạn, nhưng doanh nghiệp không thực hiện thủ tục tái đăng ký. Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương, nói: Trong khuôn khổ thành phố thực hiện đợt kiểm tra doanh nghiệp KDXD gian lận thương mại, Sở Công thương đã chuyển danh sách này cho Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở để kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp vi phạm. Ông Nguyễn Văn Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Chi cục Quản lý thị trường TP kiêm Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo 127 TP Cần Thơ cho biết: Ngoài các cơ sở KDXD giấy phép đăng ký kinh doanh đã quá hạn, Đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện nhiều doanh nghiệp KDXD đi vào hoạt động đã nhiều năm, nhưng không đăng ký với Sở Thương mại.

Hiện nay, doanh nghiệp KDXD được hoạt động theo quy định trong Nghị định số 55/2007/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2007), cụ thể: ngoài giấy phép thành lập doanh nghiệp do Sở Kế hoạch Đầu tư cấp, doanh nghiệp phải có giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Sở Công thương cấp (thời hạn 5 năm). Vì xăng dầu là mặt hàng có tính độc hại dễ gây sự cố cháy nổ, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận được tập huấn về phòng cháy chữa cháy và được Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt cơ sở kinh doanh đảm bảo an toàn cháy nổ trong khu dân cư. Thế nhưng, trên thực tiễn hiện nay có nhiều cây xăng nằm xen kẽ trong khu dân cư, đặc biệt, trong nội ô TP Cần Thơ có những cây xăng nằm liền kề với quán ăn, trụ bơm xăng cách “bếp lửa” của quán ăn chừng vài mét, như: Cửa hàng xăng dầu A 3 tại ngã ba đường 30-4 và Quang Trung của Công ty Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ, còn Công ty TNHH một thành viên dầu khí TPHCM có đến 2 cây xăng nằm gần quán ăn là cửa hàng xăng dầu số 35 tại ngã ba đường Trần Văn Hoài và 30-4 (nơi xảy ra sự cố gây tai nạn cho em Tô Thanh Phương) và cửa hàng xăng dầu số 32 tại đường Mậu Thân... Về việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở KDXD, thượng tá Trần Đức Bình, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Công an TP Cần Thơ) cho biết: “Căn cứ theo Luật Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 04 (tháng 4-2004) quy định giấy phép phòng cháy chữa cháy có giá trị vĩnh viễn. Trường hợp, cơ sở KDXD đã được thẩm định đạt tiêu chuẩn an toàn phòng cháy, sau đó phát sinh cơ sở kinh doanh ăn uống hoạt động ở gần thì cơ quan chức năng rất khó giải quyết”.

Trong thời gian qua, trường hợp doanh nghiệp KDXD vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh, như: không đăng ký hoạt động với Sở Công thương hoặc vị trí đặt cây xăng không đúng với địa điểm đã đăng ký hoạt động thì mức phạt cao nhất chỉ 4 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Sanh, bức xúc: “Trường hợp cây xăng không đăng ký hoạt động thường không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về phòng chống cháy nổ, tuy nhiên, Đoàn kiểm tra liên ngành không thể lập biên bản vì không có chức năng kiểm tra về điều kiện phòng cháy”.

Qua kiểm tra doanh nghiệp KDXD từ tháng 8-2008 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Cần Thơ đã báo cáo với Ban chỉ đạo 127 thành phố tình trạng doanh nghiệp KDXD phát triển tràn lan, vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó, có vi phạm an toàn phòng chống cháy nổ. Trước thực trạng này, thượng tá Trần Thị Ngọc Đẹp, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết: Lãnh đạo Công an TP Cần Thơ vừa có văn bản chỉ đạo kế hoạch thực hiện Tháng An toàn phòng cháy chữa cháy năm nay (tháng 10-2008). Trong đó, công an cơ sở phải kết hợp với các đoàn thể hướng dẫn hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng dễ gây cháy, nổ ký cam kết đảm bảo không để xảy ra sự cố cháy. Riêng Công an Phòng cháy chữa cháy thành phố phải khẩn trương tổ chức lớp tập huấn kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy cho các doanh nghiệp KDXD. Mục tiêu nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tổ chức cơ sở KDXD đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện nay, chính quyền chưa thể di dời các cơ sở KDXD nằm trong khu dân cư. Do vậy biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp KDXD và người dân tự đảm bảo an toàn cháy nổ là hữu hiệu nhất. Đồng thời, thành phố nên cho Đoàn kiểm tra liên ngành có thêm chức năng kiểm tra điều kiện an toàn cháy nổ tại các cây xăng, có như thế mới giúp doanh nghiệp KDXD xem trọng biện pháp phòng chống sự cố cháy nổ.

Bài, ảnh: Đ. KHÔI

Chia sẻ bài viết