28/10/2015 - 21:52

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII

Cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng

(TTXVN)- Sáng 28-10, trong chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã nghe tổng hợp các báo cáo của các cơ quan tư pháp trung ương về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; kết quả công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo về công tác thi hành án và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, trong năm 2015, cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện, khởi tố, điều tra hơn 57.468 vụ việc xâm phạm trật tự xã hội với 89.440 bị can, giảm 5,63% số vụ và giảm 9, 13% số bị can so với năm 2014.

Qua kết quả điều tra cho thấy, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm vẫn hết sức tinh vi và manh động. Xuất hiện các nhóm thanh niên tụ tập, sẵn sàng sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, va chạm ở một số địa phương. Đáng chú ý, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo như đốt xác, phi tang, giết nhiều người trong một gia đình, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Tội phạm mua bán người tập trung tại các tỉnh biên giới phía Bắc và vùng Tây Nam bộ; tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gia tăng, thủ đoạn tinh vi, tính chất nghiêm trọng; tội phạm đánh bạc xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương.

Cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện, khởi tố điều tra 1.415 vụ, 2.232 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 6,86% về số vụ và 5,51% số bị can so với 2014); phát hiện, khởi tố, điều tra 28 vụ, 86 bị can phạm tội về chức vụ (giảm 3,45% số vụ nhưng tăng 8,14% số bị can). Hành vi phạm tội chủ yếu là lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, bất động sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp; lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham ô, chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả gia tăng, hình thành các đường dây buôn lậu, vận chuyển hàng cấm với quy mô lớn, giá trị cao, chủ yếu là hàng tiêu dùng, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất, sức khỏe và môi trường.

Đánh giá kết quả các mặt công tác của các cơ quan tư pháp Trung ương, Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhìn nhận, năm 2015, Chính phủ, TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn chưa phản ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mới chủ yếu tập trung trong lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự quản lý hành chính thuộc trách nhiệm của ngành Công an mà chưa thống kê, đánh giá tổng thể về tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc. Việc đánh giá, phân tích nguyên nhân tăng, giảm của các loại vi phạm pháp luật và tội phạm còn sơ lược, chưa chỉ ra được cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm; chưa dự báo cụ thể và đề ra các biện pháp để chủ động phòng, chống đối với các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm mới sẽ phát sinh trong quá trình hội nhập.

Sáng cùng ngày, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015. Theo Báo cáo của Chính phủ, đối với 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, hiện Tòa án đã đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án, xét xử phúc thẩm 5 vụ án; Viện Kiểm sát đã có cáo trạng truy tố 6 vụ án; cơ quan Điều tra đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 4 vụ án, đang điều tra 7 vụ. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ, 85 đối tượng so với cùng kỳ 2014), với số tiền 40,7 tỉ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng. Đáng chú ý, các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỉ đồng và 9.887m2 đất; đã thu hồi được trên 505 tỉ đồng, đạt 55,8%.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến toàn diện để nâng cao hiệu quả phòng, ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thực trạng tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm, đặc biệt là tội phạm giết người; vấn nạn tham nhũng là những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của các đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận chiều nay. Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn, quan ngại và đóng góp các ý kiến mạnh mẽ, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp trung ương cần khẩn trương có những biện pháp toàn diện, đồng bộ để khắc phục.

Nhiều ý kiến bày tỏ chưa hài lòng với hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng mà chủ yếu dựa vào những nguồn thông tin từ các cơ quan báo chí và các nguồn khác. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các ban,ngành liên quan cần tập trung triển khai, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của Đảng viên, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, cơ quan để xảy ra tham nhũng.

Chia sẻ bài viết