15/07/2021 - 07:55

Cẩn trọng khi sử dụng các ứng dụng nhắn tin trên điện thoại Android 

Các ứng dụng nhắn tin đang được liệt kê vào hàng các ứng dụng điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới và điều đó cũng có nghĩa nó là chiếc “cần câu” đắc lực cho các tin tặc lừa đảo người dùng

Số liệu mới nhất từ công ty bảo mật Kaspersky cho biết các ứng dụng nhắn tin trên điện thoại/máy tính bảng Android là các mục tiêu phổ biến của những kẻ lừa đảo. Trong số các vụ lừa đảo nhắm vào các ứng dụng nhắn tin Android từ tháng 12-2020 đến tháng 5-2021, ứng dụng WhatsApp đứng đầu với 89,6% số vụ lừa đảo bị phát hiện.

Nghiên cứu mới nhất của Kaspersky cũng đánh giá các ứng dụng nhắn tin đang vượt qua các ứng dụng mạng xã hội để trở thành công cụ liên lạc phổ biến nhất và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Chính vì thế, rất dễ hiểu khi tội phạm mạng ngày càng chuyển sang lợi dụng các ứng dụng nhắn tin để tìm kiếm nạn nhân - nhà phân tích nội dung web cao cấp Tatyana Shcherbakova của Kaspersky cho biết. Bên cạnh sự phổ biến, nhiều ứng dụng nhắn tin cũng có các chức năng giúp cho các tin tặc thực hiện việc lừa đảo dễ dàng hơn, Tatyana Shcherbakova cho biết thêm.

Ðứng đầu danh sách bị tấn công là ứng dụng WhatsApp với số lượng liên kết (link) độc hại bị phát hiện nhiều nhất. Kế đến là ứng dụng Telegram với 5,6%, ứng dụng Viber đứng thứ ba với 4,7% và ứng dụng Google Hangouts với chưa đến 1%. Người dùng ở Nga, Brazil và Ấn Ðộ là những mục tiêu phổ biến nhất.

Việc phát hiện các link độc hại trên ứng dụng WhatsApp, Telegram, Viber và Google Hangouts được thực hiện trên điện thoại của người dùng thông qua một phiên bản ứng dụng Kaspersky Internet Security for Android, được trang bị tính năng mới Safe Messaging (nhắn tin an toàn) có thể ngăn người dùng mở các link độc hại. Trong thời gian nghiên cứu, Kaspersky đã ghi nhận 91.242 link độc hại.

Theo Kaspersky, ứng dụng WhatsApp là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới, nên đó chính là lý do WhatsApp bị nhắm đến nhiều nhất. Trong khi đó, ứng dụng Telegram cũng có khu vực phân phối tương tự như WhatsApp, nhưng bị nhắm đến ít hơn rất nhiều. Ứng dụng Viber và ứng dụng Google Hangouts có khu vực phân phối rất khác nhau, với phần lớn số vụ tấn công người dùng Viber đến từ Nga, trong khi đa số vụ tấn công người dùng Google Hangouts đến từ Mỹ và Pháp.

Cách phòng tránh

Bất kể bạn đang ở đâu và đang sử dụng ứng dụng gì, khả năng phát hiện mối nguy lừa đảo là một kỹ năng quan trọng cần phát triển. Kaspersky khuyến cáo mọi người dùng kết nối Internet cần thực hiện các bước sau đây để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo:

► Nhìn thật kỹ và cố gắng phát hiện xem địa chỉ link có sai chính tả, hay bất thường gì không.

Những kẻ lừa đảo đôi khi lợi dụng uy tín của một nạn nhân để gởi các link độc hại nhằm tránh bị nghi ngờ. Do đó, bạn không nên chia sẻ các link khả nghi hay từ những người mà bạn chưa xác thực.

Những kẻ lừa đảo thường giả mạo một công ty chính thống, và tìm được bạn bằng cách tìm kiếm thông tin của bạn từ các nguồn hợp pháp. Các nguồn thông tin đó trông có vẻ hợp pháp, nhưng các link mà kẻ lừa đảo gởi đến vẫn sẽ sai chính tả hay chứa một số lỗi khác.

Các tin nhắn từ bạn bè hay người thân mà bạn biết vẫn có thể độc hại. Lý do là tài khoản của họ có thể đã bị tấn công và các chuyển tiếp từ các nguồn độc hại có thể xảy ra do vô tình. Do đó, bạn nên luôn luôn cẩn trọng với các link và tập tin đính kèm.

Cài đặt một giải pháp an toàn lên điện thoại thông minh của mình. Ngay cả khi điện thoại đó đã được bảo vệ không bị chiếm dụng, các link lừa đảo và ứng dụng độc hại vẫn có thể ăn cắp thông tin được lưu trên điện thoại đó.

LÊ PHI (Theo TechRepublic)

Chia sẻ bài viết