28/04/2017 - 14:44

Xuất khẩu hàng hóa ở TP Cần Thơ

Cần tìm hướng đột phá

Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế gay gắt, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của TP Cần Thơ là gạo và thủy sản ngày càng gặp nhiều khó khăn. Vấn đề này, đòi hỏi thành phố sớm có chiến lược để nâng cao chất lượng, giá trị hàng xuất khẩu và phát triển đa dạng các mặt hàng xuất khẩu mới. Có như vậy, thành phố mới thực hiện tốt mục tiêu đạt 11 tỉ USD trong cả giai đoạn từ 2016-2020 như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIII đã đề ra.

Còn dựa chủ yếu vào các mặt hàng truyền thống

 Chế biến gạo xuất khẩu bằng dây chuyền khép kín tự động tại nhà máy của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Phụng Hoàng ở quận Thốt Nốt.

Năm 2017, TP Cần Thơ đề ra mục tiêu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 1,67 tỉ USD, tăng 7,5% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1,32 tỉ USD, dịch vụ thu ngoại tệ 350 triệu USD. Qua 4 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ của thành phố ước thực hiện 499 triệu USD, đạt gần 29,9% kế hoạch năm, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 378,3 triệu USD, đạt 28,7% kế hoạch năm, tăng 4,3% so với cùng kỳ; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 120,7 triệu USD, đạt 34,5% kế hoạch, tăng 13,2% so cùng kỳ.

Theo đánh giá của nhiều sở ngành hữu quan TP Cần Thơ và các đơn vị có liên quan, xuất khẩu của thành phố trong 4 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khá tốt so cùng kỳ. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2017 và cả giai đoạn 2016-2020 vẫn còn đạt thấp và chưa tạo được những tín hiệu đột phá mới. Cơ cấu xuất khẩu vẫn còn chủ yếu dựa vào các mặt hàng chủ lực truyền thống, như: gạo, thủy sản, may mặc… và chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, làm hàng gia công… nên giá trị và khả năng cạnh tranh chưa cao. Đáng ngại là việc sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng theo hướng này ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các điều kiện sản xuất bất lợi, cùng với sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật trong thương mại từ các nước nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, gạo và thủy sản luôn chiếm ít nhất từ 60-70% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Trong 4 tháng đầu năm nay, thủy sản và gạo vẫn tiếp tục giữ vai trò là 2 mặt hàng chủ lực của thành phố. Cụ thể: xuất khẩu thủy sản ước thực hiện 46 ngàn tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ với kim ngạch 155,4 triệu USD, giảm 3,9% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng hơn 41% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Xuất khẩu gạo ước thực hiện 253,6 ngàn tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ, với kim ngạch 95,4 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ và chiếm hơn 25,2% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao kế đến là: hàng may mặc đạt 42,8 triệu USD, nông sản chế biến đạt 21 triệu USD, phụ phẩm chế biến (dầu cá, mỡ cá, bột cá) đạt 6,5 triệu USD, dược phẩm là 5,2 triệu USD, thủ công mỹ nghệ 1,9 triệu USD.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, thị trường xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ trong 4 tháng đầu năm 2017 tập trung nhiều vào các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á (như: Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Singapore, Nhật Bản…) với kim ngạch xuất khẩu đạt 191,5 triệu USD, tương đương với tỷ lệ 50,63% và tăng 3,6% so cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch xuất sang châu Mỹ là 74,3 triệu USD, tương đương tỷ lệ 19,64%, giảm 2,61% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Âu là 46,8 triệu USD (12,38%), tăng 1,47% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi là 27,5 triệu USD (chiếm 7,3%), tăng 1,72% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu sang châu Úc là 10,2 triệu USD (chiếm 2,7%), tăng 0,15% so cùng kỳ…

Những số liệu trên phần nào cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của thành phố còn tập trung nhiều vào các thị trường dễ tính, thị trường gần, nhất là thị trường Trung Quốc và các nước, vùng lãnh thổ ở châu Á. Xuất khẩu hàng hóa sang châu Mỹ đang giảm, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, châu Phi và châu Úc còn thấp, nhưng tăng trưởng lại rất khiêm tốn, chưa đạt được mức tăng 2% so cùng kỳ năm 2016.

Cần kịp thời đổi mới

Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP Cần Thơ rất quan tâm đến việc đẩy mạnh xuất khẩu và đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thành phố và địa phương tích cực vào cuộc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, tạo các điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển các mặt hàng xuất khẩu. UBND TP Cần Thơ cũng thành lập Ban Chỉ đạo Xuất nhập khẩu của thành phố và tổ chức họp thường kỳ để nắm bắt những thuận lợi, khó khăn và đề ra những giải pháp kịp thời.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Xuất nhập khẩu TP Cần Thơ về tình hình xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay và đề ra phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, các đại biểu đã thống nhất khá cao về việc thành phố cần đổi mới cơ cấu xuất khẩu theo hướng đa dạng thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, nhất là đối với các mặt hàng thành phố đang có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển. Cụ thể như: các sản phẩm công nghệ thông tin, rau củ quả an toàn, các loại nông sản chế biến...

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP Cần Thơ, xuất khẩu các mặt hàng lúa gạo và thủy sản đã "tới hạn". Chúng ta cố gắng nâng thêm một vài chục ngàn tấn gạo xuất khẩu dạng thô thì cũng chỉ nâng kim ngạch lên một vài chục triệu USD là không đáng kể. Do vậy, cần tìm hướng đi khác! Chẳng hạn như cần đầu tư cho chế biến sâu, đầu tư chất xám vào các sản phẩm lúa gạo và thủy sản xuất khẩu để nâng cao giá trị trên cùng một sản lượng sản xuất. Cần Thơ nằm ở vùng có nền đất yếu, khó phát triển công nghiệp nặng. Nhưng chúng ta có thể đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm và các sản phẩm công nghệ thông tin để xuất khẩu. Chỉ cần có 2-3 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong lĩnh vực này thì kim ngạch mang lại là rất lớn. Mặt khác, thành phố cần quan tâm phát triển các doanh nghiệp du lịch tại địa phương để tăng thu ngoại tệ và tăng xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng nông sản cho du khách.

Đảm bảo ổn định nguồn cung nguyên liệu cho xuất khẩu ổn định, ông Nguyễn Anh Thùy, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Ngành nông nghiệp thành phố đã và đang rất quan tâm phối hợp các sở ngành và địa phương trong việc hỗ trợ, kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp để xây dựng các vùng sản xuất nông sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, ngành cũng tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp để nâng cao giá trị sản xuất và đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu…

Để xuất khẩu của thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và ổn định cả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam yêu cầu Sở Công thương phối hợp chặt với các sở ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư, phát triển thêm các doanh nghiệp, ngành hàng và thị trường xuất khẩu mới. Quan tâm làm tốt công tác thông tin, dự báo, phân tích thị trường để hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất và xuất khẩu theo hướng tăng cường liên kết giữa các bên liên quan. Đặc biệt, cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng chiến lược và các kịch bản chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu của thành phố và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết