11/12/2022 - 13:45

Cần Thơ nỗ lực huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển 

GIA BẢO

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TP Cần Thơ ước tăng 12,64% so với năm 2021 và đạt chỉ tiêu đề ra. Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng cao. Đó là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp theo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tạo động lực cho phát triển

Cần Thơ đang nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng để thu hút các nguồn lực đầu tư. Ảnh: CTV.

Cần Thơ đang nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng để thu hút các nguồn lực đầu tư. Ảnh: CTV.

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 34.300 tỉ đồng, vượt 5,54% kế hoạch và tăng 38,47% so với năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tăng 21,32%; vốn ngoài ngân sách tăng 43,28%; vốn FDI tăng 57,16%. Giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2022 ước đến đầu năm 2023 đạt tỷ lệ 96,49%. Đạt được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn trong công tác điều hành của chính quyền thành phố và sự chung sức của các sở, ngành chức năng, các địa phương, sự tin cậy của các nhà đầu tư đối với sự phát triển của thành phố.

Năm 2022 - một năm đầy thách thức và khó khăn cho cả phục hồi kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, năm 2022, các khu chế xuất và công nghiệp thu hút 7 dự án đầu tư, vốn đăng ký trên 194 triệu USD. Hiện có 256 dự án đầu tư còn hiệu lực đang hoạt động trong các khu công nghiệp, doanh thu của các doanh nghiệp đạt trên 2,49 tỉ USD, tăng 21,85% so với năm 2021. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - Giai đoạn 1 (VSIP Cần Thơ), vốn đầu tư gần 3.718 tỉ đồng. Đây là dự án đầu tư trọng điểm của thành phố được xây dựng theo tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường và khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy tiến trình thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến thành phố.

Ở lĩnh vực đầu tư trong nước, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 30.053 tỉ đồng, nâng tổng số dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố lên 100 dự án, diện tích đất khoảng 2.327ha. Năm 2022, thành phố đã cấp mới cho 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký 174,23 triệu USD. Tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 86 dự án, vốn đăng ký hơn 2,22 tỉ USD. Ngoài ra, thành phố còn có 1.850 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, với tổng vốn đăng ký 13.000 tỉ đồng; hiện có khoảng 12.315 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2021-2022, thành phố đã có 3 dự án ngàn tỉ (cả khu vực trong nước và FDI) được chấp thuận chủ trương đầu tư, như Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III và Dự án VSIP Cần Thơ - Giai đoạn 1. Những dự án này sẽ tạo ra các xung lực mới cho sự phát triển của thành phố thời gian tới. Theo các chuyên gia, để dự án ngàn tỉ trở thành động lực cho sự phát triển, thành phố cần xúc tiến nhanh các thủ tục đầu tư để sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Cần chiến lược rõ ràng

Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ Trung ương, nguồn vốn vay để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và doanh nghiệp. TP Cần Thơ và các bộ, ngành đang nỗ lực để thực hiện thủ tục đầu tư các trung tâm: logistics, nông nghiệp, công nghệ thông tin... đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương. Đây là những trung tâm được kỳ vọng tạo động lực mới cho sự phát triển của Cần Thơ và kết nối vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, thành phố đã có những dự án lớn, tạo sức lan tỏa, động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL. Tuy nhiên để phát triển đồng bộ, thành phố cần tranh thủ các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nhất là hạ tầng giao thông mang tính kết nối vùng, hạ tầng phục vụ phát triển logistics. Tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Trong quá trình phát triển cần hài hòa giữa 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, để thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, thành phố cần đưa ra chiến lược tốt hơn. Chẳng hạn, thành phố đang xúc tiến phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng và phát huy vai trò trung tâm động lực vùng của Cần Thơ, với mục tiêu thúc đẩy hoạt động liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL lên tầm cao mới. Để đẩy nhanh tiến độ, thành phố cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể; đề xuất phương án bố trí không gian khu chức năng phù hợp với hoạt động của Trung tâm. Đồng thời xem xét kỹ các khía cạnh về tiềm năng mở rộng và khả năng kết nối của trung tâm này; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các phân khu chức năng của trung tâm…

Trên thực tế, việc thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI của các địa phương đều gặp khó. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Nhìn lại các dự án thu hút đầu tư trong 5 năm qua, FDI vào ĐBSCL chủ yếu ở tỉnh Long An - nơi giáp TP Hồ Chí Minh và một ít ở Tiền Giang. Các địa phương còn lại như Trà Vinh, Bạc Liêu, TP Cần Thơ, Hậu Giang… có vốn đầu tư lớn chủ yếu tập trung vào một vài dự án trong ngành năng lượng như điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện. Xét một mặt nào đó, loại trừ các dự án quy mô lớn, ngoại trừ Long An, thì TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đều gặp khó khăn chung trong thu hút đầu tư FDI do hạ tầng giao thông và logistics yếu kém. Đó là nguyên nhân khách quan. Cần Thơ đang nỗ lực xây dựng các đề án quy hoạch, phát triển theo quy hoạch, nghị quyết của Trung ương và đã làm việc với các bộ, ban ngành và các tỉnh trong vùng để lấy ý kiến. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đề án nào được hoàn thành, phê duyệt, một số còn chưa hoàn thiện đề án (như trung tâm logistics hạng II của vùng, trung tâm công nghệ thông tin…). Điều này là một thách thức lớn cho Cần Thơ để nắm bắt cơ hội, đáp ứng nhu cầu đầu tư và theo kịp sự phát triển chung của cả nước. Cần Thơ đã xác định đây là những trọng tâm mang tính chiến lược thì cần phải tập trung hết mọi nguồn lực để hoàn thiện; báo cáo Trung ương về tiến độ để được chỉ đạo kịp thời, để thực hiện các bước tiếp theo như ban hành cơ chế chính sách, mời gọi đầu tư, bố trí mặt bằng, xây dựng… Những công việc này cần rất nhiều thời gian, nếu chậm trễ thì cơ hội khai thác để thúc đẩy phát triển sẽ không đạt được như kỳ vọng.

Chia sẻ bài viết