03/11/2017 - 21:40

Cần Thơ, mùa nước tràn đồng 

Có nhiều cách ví von về mùa nước nổi đồng bằng, nhưng với riêng tôi, mùa nước nổi là mùa của nảy nở, sinh sôi. Cá tôm theo con nước về. Bông súng, bông điên điển rực rỡ sắc màu giữa bạt ngàn đồng nước. Những giề rau muống đồng, rau dừa no nước cứ vươn dài đi tìm phù sa cho cội rễ... Nhịp sống người Cần Thơ mùa nước tràn đồng nhộn nhịp, an vui. Tâm tình người Cần Thơ cũng vì vậy mà đong đầy theo con nước.

Mới gần 5 giờ sáng mà chợ Bảy Ngàn (xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai) đã xôm tụ. Những nông dân sau một đêm thức trắng trên đồng nước để giăng lưới, giăng câu, đặt vó, đặt dớn… bắt cá, cười tươi rói với thành quả của mình. Mùa nước nổi, chợ Bảy Ngàn trở thành chợ đầu mối cá đồng, mỗi buổi sáng có hơn 1 tấn cá được tiêu thụ. Hàng chục loại cá đồng từ nơi đây theo những chuyến xe hàng trở thành món ngon trên bàn tiệc. Chú Ba Ôn, sống trong một con rạch ở xã Trường Xuân A, cầm trên tay hơn 200.000 tiền bán cá cười khoái trá. Chú Ba Ôn dẫn tôi về nhà với lời mời “Đi cho biết mùa nước nổi”.

Chú Ba Tiền (Trường Xuân A- Thới Lai) thu hoạch bông súng mùa nước nổi. Ảnh: DUY KHÔI

Con đường về nhà chú Ba Ôn chỗ nào cũng lép xép nước, đi vào nhà phải ngồi xuồng câu bơi bì bõm hơn 10 phút. Dọc dài mé kinh là những hàng điên điển trổ bông vàng rực, thoang thoảng hương đồng với những bầy ong bầu lả lơi tìm mật. Cảnh tượng ấy thân thuộc mà đẹp đến trong ngần. Cái vó là bạn thân thiết của chú Ba suốt nhiều năm qua. Mùa nước nổi, chỉ 5- 10 phút đặt vó là được cả mớ cá linh, cá chốt, mè vinh… nhảy xoi xói. Thiếm Ba hái bông điên điển bán, cộng thêm tiền bán cá của chú mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Chú Ba và bà con ở đây hề hà rằng, đều là nhờ con nước...

Cách nhà chú Ba không xa là căn chòi đặt vó của chú Năm Be. Hai Giữ, một người dân địa phương mà tôi vô tình quen, dẫn tôi đi thăm đồng nước. Hai Giữ kể nhà chú Năm Be ở trong xóm, cũng “ngon lành” nhưng vì thích nghề Bà Cậu, chuộng sự yên ắng của ruộng đồng mà cất chòi ở đây. Buổi sáng, chú Năm không có ở nhà- anh Giữ đoán là chú đi bán cá. Anh Giữ liền tìm chìa khóa chú Năm cất mà xả lưới, đặt vó. Tôi ái ngại: “Vó của người ta, sao anh biết chìa khóa cất ở đâu luôn vậy? Đặt vậy, chú Năm về rầy không?”. Hai Giữ hề hà: “Anh yên tâm, bà con ở đây như một nhà vậy, có gì đâu!”. Tôi tần ngần ngẫm ra rằng, cái tình chòm xóm của người nông thôn chân chất từ những câu chuyện nhỏ như thế.

Hai Giữ cũng được coi là tay sát cá. Hơn 5 phút, kéo vó lên đã đủ cá để nấu nồi canh chua. Rau dưới sông, bông điên điển dọc mé kinh… vậy là có nồi canh chua ngay giữa đồng nước. Vài ba người đàn ông lưng trần chụm mũi xuồng câu mà đưa cay xị đế, kể nghề hạ bạc, chuyện nước nổi đang về. Hai Giữ nói rằng, sau mấy năm nước “chìm”, năm nay “nổi” trở lại nhưng không bằng trước đây. Cá tôm cũng vơi dần theo con nước. “Năm nay có vậy là mừng rồi. Nước nổi không về, xóm làng buồn xo hà”- Hai Giữ nói như than.

Đem tâm sự của Hai Giữ kể cho những lão nông trong xóm nghe, ai cũng gật gù chia sẻ. Chú Út Dư ở ấp Trường Ninh 4 kể, hồi trước xứ này cá lóc mỗi con cả ký là chuyện bình thường, rắn rùa thì khỏi phải nói, mưa lâm châm là cá ục như cơm sôi dưới kinh. Những con nước son, vớt cá bống trứng, vớt đủ ăn thì thôi, vớt nhiều phải bỏ. Với kinh nghiệm gắn bó gần 60 mùa nước nổi đời người, chú Út Dư dự đoán với con nước năm nay, cá cũng sẽ có “bộn” nhưng phải chờ hơn 1 tháng nữa, khi nước “giựt”, cá trên đồng mới theo con nước mà xuống sông rạch. Ấy được gọi là mùa cá ra.

Nương theo con nước đồng bằng, người Cần Thơ mưu sinh. Không thể chờ cá tôm về cùng con nước, bà con tìm cách để “hái ra tiền” từ mùa nước. Chú Ba Tiền, nhà dọc kinh KH8 (huyện Thới Lai) có cái ao hơn nửa công đất, chú trồng bông súng. Mỗi ngày, thiếm Ba mang ra chợ bán cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng. Bông điên điển trổ vàng đồng, ăn không hết thiếm Ba cũng hái bán kiếm thêm. Dưới ao, chú tận dụng nuôi cá đồng. Nói về chuyện mưu sinh, chú Ba cười hể hả: “Cũng sống được!”.

Chuyện của dì Hai Tuyết ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền còn vui hơn, nhà có cây cà na nhà trồng cho đừng lở đầu bến. Vậy mà mùa nước nổi này, cà na trổ trái rợp cả cây, bán đã trên 2 triệu đồng mà trái vẫn còn. Dì Hai Tuyết còn khéo léo làm cà na ngào, cà na muối cho sắp cháu trong nhà ăn. Đứa nào cũng tấm tắc khen ngon. Phải chăng, quà quê mùa nước nổi cũng vì vậy mà mặn nòi hơn?

*   *   *

Ở Giai Xuân- Phong Điền, chú Sáu Trác được xem là một trong những lão nông giỏi nghề hạ bạc. 60 tuổi cũng là 60 năm chú gắn đời với con rạch chảy từ Trà Nóc tới Lộ Bức. Mười mấy tuổi đã giăng lưới cắm câu, đoạn rạch ấy chỗ nào trũng, chỗ nào sâu, chỗ nào nước xoáy chú thuộc như lòng bàn tay. Chú than 5- 7 năm nay cá mắm ít dần nhưng hằng ngày chú vẫn lênh đênh sông nước như cái nghiệp phải theo. Tôi bơi xuồng cho chú giăng lưới giữa thinh không đêm vắng. Với tôi, chú Sáu là một bậc thầy. Chú hiểu rõ mùa nào có cá gì, cá gì ưa mồi gì, làm cách nào bắt dễ dính… Đài lưới chỉ rung rinh nhẹ chú đã biết dính cá. Như chuyện giăng câu vườn (có vùng gọi câu giềng), chú Sáu kể, cua đồng nhỏ là mồi ưa ăn của cá lóc, cá trê lại khoái con trùng huyết. Lưỡi câu đúc thì cá nuốt sâu, khó sảy nhưng làm chết cá còn lưỡi câu mỏ ó thì dính mép, cá ít tổn thương nhưng dễ sảy…

Chú Sáu Trác gần nửa thế kỷ qua gắn đời với nghề giăng câu, thả lưới, hiểu rõ cái lợi khi nước nổi tràn đồng. Ảnh: DUY KHÔI

Mải mê kể cho tôi nghe về chuyện hạ bạc, chú Sáu như nặng lòng với mùa nước nổi. Chú nói may sao năm nay nước nhiều chớ mấy năm rồi “hẩm” quá. Chú văn vẻ rằng, có năm chờ nước nổi như chờ người thương. Vậy mà vẫn bặt bóng chim tăm cá! “Hồi đó, nghèo mà sống dễ ợt hà”- chú Sáu vừa thăm lưới vừa kể. Chỉ cần tay lưới, vài chục câu cắm với vài chục thước câu vườn là sống khỏe re. Sau 2 giờ lênh đênh trên sông, hơn 1kg cá là thành quả mà chú Sáu Trác có được giữa cái lạnh vì mưa, vì dầm nước, vì nỗi lòng thương nhớ những mùa nước nổi đã xa.

Mùa nước nổi này, những người chuyên nghề bắt cá ở kinh Trường Tiền (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) cũng vui mừng sau bao năm chờ đợi. Với rất nhiều kiểu đánh bắt cá, tôi ấn tượng nhất vẫn là cách bắt cá mè vinh của anh Út Bình. Những giề lục bình làm bệ, phía dưới treo những bông lúa chín để dẫn dụ cá. Vậy rồi chỉ cần lấy vợt mà vớt cá. Vài giờ bồng bềnh sông nước, chuyện vớt vài ký cá là thường tình. Út Bình kể hồi mười mấy năm về trước, vớt một đêm có khi vài chục ký cá. Theo kinh nghiệm của người đàn ông có thâm niên 20 năm vớt cá mè vinh thì cá mùa nước nổi là ăn ngon nhất. Lớp mỡ dưới da béo ngậy, cá mập mạp; còn tháng Giêng, tháng Hai cũng có cá mè vinh nhưng cá cứng, không ngon. Cách bắt cá của Út Bình là tri thủy, thuận thiên nhiên, dân dã mà hiệu quả.

Nghĩ cách đánh bắt cá của Út Bình, tôi miên man nghĩ tới những mùa nước nổi lúc không đủ tràn đồng, nghĩ tới nỗi thắc thỏm, ngóng trông con nước trong hoài niệm của những lão nông. Rồi tôi nghĩ đến những cách mà con người đã can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, phá vỡ hệ sinh thái bản địa. Để năm nay, khi nước nổi ít nhiều đã về, tôi nghe những tiếng nói như reo: “Lũ về!” của bà con đồng nước trong thương nhớ. Một lần lai rai với anh Hai, chú Sáu, ông già tía giữa xôn xao đồng nước, nhìn bông điên điển rung rinh trong gió, tôi càng thấm thía câu hát của nhạc sĩ Hà Phương: “Ăn bông (mà) điên điển. Nghiêng mình nhớ đất quê”.

“Nghiêng mình nhớ đất quê”, để thấy người đồng bằng còn nặng nợ đất quê nhiều lắm! Có nơi nào trên đất nước mình, con nước lại hào sảng  như mùa nước nổi miền Tây. Cần Thơ cũng vậy! Nhà văn Lê Đình Bích còn không đồng ý với chuyện nhiều người định danh mùa “lũ” ở miền Tây mà nên chăng mùa nước nổi. Theo ông, châu thổ là vạt cát bồi ở cửa sông, là tam giác do phù sa bồi đắp, hoàn toàn không có núi (lũ) hay đồng bằng (lụt) mà chỉ có chế độ nhật triều, nguyệt triều và niên triều. Nghĩa là, mỗi ngày có hai con nước là con nước lớn/con nước ròng, mỗi tháng có hai nước là con nước rong/con nước kém và mỗi năm có một mùa nước nổi tràn ngập các cánh đồng. Do vậy, gọi “lũ” là chưa xác đáng.

Riêng tôi, tôi gọi mùa nước năm nay ở Cần Thơ là mùa nước tràn đồng. Nước đang chảy tràn trong hoài niệm, trong niềm vui sướng và trong những kỳ vọng của người Tây Đô. Thoang thoảng chái bếp nhà ai mùi cá đồng kho mắm ăn với bông súng, điên điển. Ấy là một mùa nước tràn đồng thu nhỏ trong bữa cơm quê!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết