27/11/2008 - 08:39

Giáo dục ở 5 thành phố lớn

Cần tháo gỡ những khó khăn để phát triển nhanh, mạnh hơn

Hội nghị giao ban lần thứ nhất các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ vừa diễn ra ngày 25-11-2008 tại TP Cần Thơ. Tại Hội nghị, vị thế của các đơn vị đối với toàn vùng và cả nước đã được khẳng định một lần nữa qua các thành tích trong công tác dạy học, các phong trào mũi nhọn... Tuy nhiên, để tạo sức bật cho ngành giáo dục của 5 thành phố lớn, vẫn còn nhiều vấn đề cần được Trung ương xem xét, tháo gỡ...

VAI TRÒ “ĐẦU TÀU”

Trong các cụm thi đua, vùng 7 là cụm thi đua được đánh giá cao nhất bởi vùng gồm 5 thành phố lớn của cả nước là: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Theo đánh giá, từ đầu năm 2008 đến nay, các Sở GD&ĐT đã triển khai hiệu quả các cuộc vận động lớn của ngành giáo dục. Qua đó, tăng cường kỷ cương trong quản lý và giảng dạy, khuyến khích sức sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, khắc phục những yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo giảm hẳn.

Lãnh đạo 5 Sở GD&ĐT của vùng 7 cùng ký kết giao ước thi đua trong năm học 2008-2009. Ảnh: L.G 

Đối với, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”- một trong những phong trào lớn của năm học 2008-2009, các Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thành Đoàn... triển khai kế hoạch với mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả. Các khoản đóng góp đầu năm học là vấn đề nhạy cảm của ngành giáo dục các thành phố. Để giải quyết vấn đề này, các Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường về các khoản thu đầu năm học. Đồng thời, thực hiện 3 công khai và 4 kiểm tra (công khai về chất lượng đào tạo, công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, công khai thu chi tài chính; kiểm tra nguồn đầu tư ngân sách, kiểm tra nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh, kiểm tra nguồn đóng góp của lực lượng xã hội hóa và kiểm tra chương trình thực hiện chống xuống cấp trong ngành). Theo đó, các đơn vị phải công khai tất cả các khoản thu, chi đầu năm học; cơ quan chủ quản thường xuyên kiểm tra tài chính. Nhờ vậy, đến nay, chưa có trường nào vi phạm thu quá cao, vượt mức cho phép.

Hiệu quả thực tế của các phong trào thi đua là tỷ lệ bỏ học của học sinh giảm đáng kể. Sau hè, toàn TP Hà Nội không có học sinh bỏ học; TP Hải Phòng chỉ có 143 học sinh phổ thông (chủ yếu ngoài công lập) bỏ học; ở Đà Nẵng chỉ có 3 học sinh tiểu học, 186 học sinh THCS và 84 học sinh THPT bỏ học; tỷ lệ bỏ học ở TP Hồ Chí Minh chưa đến 1%. Riêng ở TP Cần Thơ tỷ lệ bỏ học trên 2%. Về chất lượng đại trà, các phong trào mũi nhọn... 5 thành phố đều dẫn đầu vùng. Thực tế, so với các tỉnh khác trong khu vực, hoạt động giáo dục của 5 thành phố có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ...

TẠO SỨC BẬT MỚI

Hầu hết đại biểu của các Sở GD&ĐT đều cho rằng mức thu học phí hiện nay quá thấp so với thực tế và đòi hỏi phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho rằng mức học phí này đã quá cũ, quá lâu và không phù hợp, gây khó khăn cho công tác quản lý và triển khai các hoạt động giáo dục. Các đại biểu cũng tập trung kiến nghị chính sách cho bậc học mầm non, nhất là chế độ lương cho giáo viên mầm non. Trong khi các trường mầm non còn thiếu giáo viên nhưng chế độ lương bổng thấp nên nhiều giáo viên bỏ việc, ra làm ở các trường dân lập, tư thục, nhóm trẻ gia đình.

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ giáo viên cũng đang gặp khó khăn. Theo đánh giá của Ban thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ Trung ương, TP Cần Thơ là 1 trong 13 tỉnh, thành phố của cả nước triển khai đề án này. Đến nay, TP Cần Thơ đã được UBND thành phố phê duyệt danh mục đầu tư, gồm 19 công trình thực hiện trong năm 2008. Trong đó, có 8 công trình phòng học (44 phòng học) và 11 công trình xây dựng nhà công vụ giáo viên (60 căn). Trong khi đó, ở Hà Nội vẫn còn một số công trình đang trong quá trình điều chỉnh... Việc thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp chậm dẫn đến hệ quả là không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, ảnh hưởng đến phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Đối với vấn đề phổ cập giáo dục bậc trung học, các đơn vị đều gặp khó khăn trước hai chỉ tiêu: trường đạt chuẩn quốc gia và dạy nghề. Ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, cho rằng, với tình hình đất đai đắt đỏ như hiện nay, khó có thể mở rộng trường lớp cho đủ diện tích 6m2/1 học sinh. Còn ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, băn khoăn khi chỉ tiêu của phổ cập giáo dục bậc trung học là 10% số người trong độ tuổi qua đào tạo nghề dài hạn. Bởi hiện nay, các trường nghề chưa thu hút được học sinh. Thêm vào đó, tâm lý phổ biến của phụ huynh là không muốn cho con em học nghề sau tốt nghiệp THCS...

Trước tình hình trên, các Sở GD&ĐT đã đề nghị Bộ GD&ĐT và các Bộ liên quan nghiên cứu đề xuất việc không trích 40% nguồn thu học phí cho cải cách tiền lương đối với ngành giáo dục và điều chỉnh thời gian làm việc 40 giờ đối với giáo viên trung học để giáo viên có điều kiện đầu tư cho bài giảng. Đồng thời, quy định mức sàn hoặc trần học phí của các trường dân lập, tư thục, bởi nếu để các trường tự ấn định mức học phí sẽ rất khó cho công tác quản lý ở các địa phương. Chính phủ cũng cần có cơ chế quản lý phù hợp đảm bảo chất lượng đào tạo và cơ hội được học nghề, chuyển nghề trong xã hội...

Tiềm năng phát triển giáo dục của 5 thành phố rất lớn. Điều mà các thành phố cần để phát triển là cơ chế, chính sách phù hợp.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết