15/12/2012 - 17:40

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Cần tăng cường chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo

Ngày 15-12 tại TP Hồ Chí Minh, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức Hội nghị về phối hợp trong công tác bảo trợ tư pháp.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác trợ giúp pháp lý của Nhà nước mới được hình thành, chưa phát triển rộng rãi trong cả nước, các luật sư lại chủ yếu tập trung ở các trung tâm thành phố; tổ chức tư vấn pháp luật của các tổ chức xã hội cũng chỉ mới hình thành ở một số địa phương, chủ yếu dựa vào lực lượng của ngành tư pháp. Trong bối cảnh đó, hoạt động giúp đỡ pháp luật cho người dân nói chung và cho người nghèo nói riêng là vấn đề cấp bách của Nhà nước và của cả xã hội.

Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, dù mới thành lập nhưng đã có lực lượng hội viên đông đảo, xây dựng mạng lưới rộng, tham gia phổ biến pháp luật cho người dân. Phó Thủ tướng lưu ý Hội cần tăng cường số lượng và chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí, giảm phí cho người nghèo; các doanh nghiệp cần hỗ trợ Hội thông qua các hoạt động như tài trợ cho các vụ đại diện ở những vùng, miền khó khăn, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; các cơ quan báo chí, tư pháp, luật sư, luật gia cần có những phối hợp cụ thể hơn với Hội trong việc đưa tin, xây dựng các chuyên mục, hỗ trợ pháp luật cho người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ban ngành, địa phương có các hình thức hỗ trợ phù hợp để Hội thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo đạt hiệu quả, thiết thực.

Theo Tiến sĩ Tạ Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, đến nay Hội có 6 Trung tâm, giải quyết hàng nghìn vụ tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng cho người dân trong đó có nhóm đối tượng đặc thù như người nghèo, cận nghèo, phụ nữ, trẻ em, người lao động di cư, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, gia đình liệt sĩ. Tham luận tại Hội nghị, Luật sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Lục cho rằng, để Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam phát triển cần bổ sung, sửa đổi một số bộ luật liên quan theo hướng xác định vị trí pháp lý của đối tượng Trợ giúp viên pháp lý trong vai trò là người tham gia quá trình tố tụng; đồng thời mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp khác với Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo.

Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam được thành lập ngày 6-5-2011, là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm công tác trợ giúp pháp lý và những người tình nguyện, thường xuyên ủng hộ, thúc đẩy, phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý không vì mục đích lợi nhuận theo các quy định của pháp luật. n

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Chia sẻ bài viết