30/01/2012 - 21:50

Cần sự quan tâm đầu tư mạnh cho giáo dục mầm non ngoài công lập

Giờ sinh hoạt nhóm của cô, trò
Trường MN Thanh Xuân.

Suốt thời gian dài, nhiều người (trong đó có phụ huynh) có quan niệm trường mầm non (MN) là nơi trông giữ trẻ, chứ không có vai trò giáo dục, đào tạo. Thế nhưng những năm gần đây, quan niệm trên đã thay đổi, bởi một phần đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, nhu cầu gởi trẻ cũng tăng theo. Khi có cầu, ắt sẽ có cung, ngoài hệ thống trường MN công lập, MN ngoài công lập trên địa bàn TP Cần Thơ nói chung, quận Ninh Kiều nói riêng ngày càng gia tăng. Việc nâng cao chất lượng giáo dục nuôi dạy trẻ trở thành yếu tố sống còn mà các trường phải hướng đến.

* Nhu cầu tăng

Chị Lan Phương (ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều) có con trai mới tròn 2 tháng tuổi, cho biết: “Còn khoảng 2 tháng nữa tôi trở vào cơ quan làm việc. Gia đình đơn chiếc, ông xã cũng là viên chức, nên cả tháng nay tôi tìm chỗ gởi cháu nhưng chưa được. Bởi các trường chỉ nhận trẻ từ 18-19 tháng trở lên”. Vợ chồng chị Phương có con trai lớn đang học lớp Mầm ở trường tư thục trong trung tâm quận Ninh Kiều. Vợ chồng chị Phương dự định khi con trai thứ 2 đến tuổi đi học sẽ gởi vào trường này. Còn chị Hoàng Chinh (nhà ở Khu chung cư 91B), có con gái hơn 4 tháng tuổi, trong lúc tìm chỗ học cho con, mẹ chị Chinh đã bỏ công ăn việc làm ở quê để chăm sóc cháu. Chị Chinh cho biết: “Khi cháu đủ tuổi, tôi sẽ tìm một trường MN ngoài công lập để gửi cháu. Tuy học phí cao nhưng các trường ngoài công lập có thể giữ cháu ngày thứ 7; đưa- rước trẻ chậm hoặc sớm hơn so với thời gian qui định”.

Thực tế cho thấy, nhu cầu gởi con vào nhà trẻ ở TP Cần Thơ nói chung, quận Ninh Kiều nói riêng ngày càng cao. Vì thế, dễ lý giải vì sao số lượng trường MN, nhất là trường MN ngoài công lập ngày càng tăng. Theo bà Phạm Thị Thiện, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ninh Kiều, so với năm học 2006-2007 thì năm học này, các trường MN ngoài công lập trên địa bàn tăng gấp 3 lần. Hiện nay, toàn quận Ninh Kiều có 15 trường MN ngoài công lập, 32 nhóm trẻ gia đình. Cô Thiện nói: “Xã hội hóa giáo dục, trong đó có bậc học MN là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển GD&ĐT. Mạng lưới giáo dục MN ngoài công lập trên địa bàn phát triển cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh”.

* Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008, Trường MN Thần Đồng hiện có 2 cơ sở, với 30 giáo viên, trong đó giáo viên trên chuẩn chiếm 45%. Ngoài giáo viên đứng lớp, trường còn hợp đồng 15 bảo mẫu để chăm sóc, giáo dục cho 450 trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi. Cô Nguyễn Thị Hồng Đào, Hiệu trưởng Trường MN Thần Đồng, cho biết: “Với trường ngoài công lập, chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ là điều kiện sống còn, kế đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Vì thế, tiêu chí đầu tiên để trường nhận giáo viên là phải thực sự yêu nghề, mến trẻ. Nếu giáo viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy, trường tạo mọi điều kiện để giáo viên đi học các lớp ngắn, dài hạn hoặc học thông qua cách “cầm tay chỉ việc” (giáo viên lâu năm sẽ hướng dẫn trực tiếp cho các giáo viên mới về trường) để nâng cao trình độ chuyên môn”. Hiện nay, trường có 8 giáo viên đang học các lớp từ trung cấp đến đại học.

Thanh Xuân là trường MN tư thục của TP Cần Thơ vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba vào tháng 11-2011. Theo Ban Giám hiệu trường, để có được thành tích đó, là một quá trình nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên trường. Nếu như trong năm học đầu tiên (1997-1998), trường chỉ có 4 phòng học, 11 cán bộ, giáo viên, nhân viên, với 87 cháu thì năm học 2010-2011, trường có 860 trẻ, 76 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo cô Võ Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường MN Thanh Xuân, trong 4 năm đầu thành lập, trường gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian hoạt động, trường mới có được cơ ngơi như ngày nay. Nổi bật nhất của trường là có được đội ngũ cán bộ, giáo viên lâu năm, tận tụy với nghề. Cô Nga nói: “Muốn có được đội ngũ giáo viên mạnh về số lượng, chất lượng, lãnh đạo trường phải đảm bảo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên; xây dựng đội ngũ kế thừa. Chúng tôi tạo mọi điều kiện để giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, như: giáo viên được đưa đi học, trường vẫn đảm bảo 100% lương;... Nhờ vậy, 100% giáo viên trường đạt chuẩn, trong đó số giáo viên trên chuẩn chiếm 93,50%. Hiện nay, trường đang tập trung kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao, bồi dưỡng trình độ giáo viên để tiến tới việc kiểm định chất lượng giáo dục MN theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Trong Đề án “Phát triển giáo dục MN giai đoạn 2006 - 2015”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “... Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non”, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển GD&ĐT. Không thể phủ nhận sự nỗ lực hỗ trợ của chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thực sự đột phá. Theo cán bộ quản lý các trường MN ngoài công lập, mặc dù được lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng các trường vẫn “tự bơi”. Còn theo bà Phạm Thị Thiện, ngoài các trường MN ngoài công lập thì nhóm trẻ gia đình là điều quan tâm nhất đối với lãnh đạo ngành giáo dục, bởi chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ vẫn còn khoảng cách so với trường MN công lập. Vì thế, ngành sẽ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương tiếp tục thanh, kiểm tra chất lượng các trường, nhất là nhóm trẻ gia đình. Bà Thiện đề nghị: “Để giáo dục MN phát triển cũng rất cần sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo các cấp trong việc đầu tư quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất, phòng học đúng chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ”.

TP Cần Thơ hiện có 132 trường MN, mẫu giáo (trong đó có 17 trường ngoài công lập), tăng 9 trường; với trên 44.800 trẻ nhà trẻ và mẫu giáo (trong đó có trên 17.000 trẻ mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ huy động đạt trên 97%). Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố, sắp tới, ngành tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh, nhất là giáo dục MN; thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển giáo dục MN giai đoạn 2006 - 2015”, nhất là ưu tiên, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục MN.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết