15/02/2011 - 10:08

QUA 1 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 296 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Cần sự quan tâm đầu tư đúng mức để đổi mới, phát triển

Sau một năm thực hiện Chỉ thị 296/CT-TTg về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chỉ thị 296), các trường đại học, cao đẳng ở TP Cần Thơ đã có sự chuyển biến bước đầu đáng phấn khởi, góp phần nâng dần chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 296, các trường cũng gặp không ít khó khăn... Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với lãnh đạo một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

PGS.TS Hà Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:
Nên giao quyền tự chủ mạnh hơn cho các trường

- Chỉ thị 296 ra đời đã giúp các trường đại học, cao đẳng nâng cao hiệu quả quản lý, đào tạo. Bởi Chỉ thị 296 đã đặt ra nhiều điều kiện, đi kèm theo đó là sự đầu tư của nhà nước cho các trường. Riêng Trường Đại học Cần Thơ đã và đang nỗ lực rất lớn để thực hiện tốt Chỉ thị 296. Cụ thể là thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ, thay đổi hoàn toàn chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị thực hành hiện đại, giáo trình tài liệu... Trường đầu tư 1.000 máy tính công phục vụ cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên học tập theo đào tạo học chế tín chỉ tốt nhất. Trường đã xây dựng qui chế chi tiêu nội bộ minh bạch, chỉ rõ trách nhiệm của cán bộ trong từng công việc cụ thể. Ban hành qui chế quản lý nghiên cứu khoa học trong toàn trường nhằm khuyến khích cán bộ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, cán bộ, giảng viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có thể qui ra giờ chuẩn giảng dạy, hằng năm đầu tư từ 300-500 triệu đồng cho hoạt động NCKH của sinh viên. Từ năm 2011, đầu tư từ ngân sách tự có của trường cho NCKH là 4 triệu đồng/cán bộ giảng dạy/năm. Cách làm này giúp trường đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho nhiều cán bộ, giảng viên có được học hàm, học vị cao hơn. Về cơ sở vật chất, từ nguồn kinh phí của trái phiếu chính phủ, trường đã xây dựng ký túc xá 5 tầng có sức chứa 5.000 sinh viên và sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2011.

Dù vậy, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 296, trường vẫn còn một số khó khăn, như: đội ngũ giảng viên chưa phát triển mạnh như mong muốn, trường có 178 tiến sĩ trong tổng số 1.064 cán bộ, giảng viên, tỷ lệ chưa đạt 20% theo yêu cầu của nhà nước; kinh phí đầu tư của nhà nước còn thấp;... Để thực hiện Chỉ thị 296 hiệu quả, trường rất cần hỗ trợ từ các bộ ngành trung ương, địa phương. Đặc biệt là việc tăng đầu tư nguồn kinh phí, giao quyền tự chủ mạnh hơn cho các trường...

Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện và nông nghiệp Nam bộ:
Cần đầu tư kinh phí có tính đột phá cho các trường

- Chỉ thị 296 là cơ sở pháp lý giúp các trường có những giải pháp hợp lý nhất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, nhà trường đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Làm sao đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo?”, nhằm giúp cán bộ, giảng viên hiểu rõ về chất lượng đào tạo của trường, những mặt mạnh, yếu, để phấn đấu giảng dạy tốt hơn. Trong đó, trường chú trọng nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên. Từ học kỳ II, năm học 2010-2011, trường sẽ tổ chức hội giảng cấp khoa, cấp trường để các giảng viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Kế đến, trường tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống trang thiết bị để có kế hoạch trang bị thêm cho phù hợp với tình hình sản xuất của ĐBSCL, đồng thời với tập trung xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh hệ thống các chương trình đào tạo...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 296 vẫn còn nhiều điều phải bàn. Bởi do trường vừa nâng cấp lên cao đẳng, chưa có nhiều kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc cao đẳng. Để nâng cao chất lượng đào tạo phải đi kèm theo mức đầu tư cao, nhưng trong điều kiện kinh tế của người dân vùng ĐBSCL còn khó khăn nên mức thu học phí không thể quá cao, trong khi mức đầu tư của nhà nước cho các trường công lập còn hạn chế. Mặt khác, tâm lý của học sinh thường thích học đại học, cao đẳng hơn là học một nghề để kiếm sống... Điều này gây không ít khó khăn trong việc tuyển sinh, đào tạo... Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 296, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là việc định hướng, tư vấn nghề nghiệp sâu rộng cho học sinh ngay từ bậc THPT; đầu tư kinh phí có tính đột phá cho các trường công lập, nhất là các trường đào tạo các ngành nghề kỹ thuật...

Thạc sĩ Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ:
Cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn của các cấp để nâng cấp thành trường đại học

- Sau một năm thực hiện, Chỉ thị 296 đã tạo điều kiện thuận lợi, sinh khí mới trong công tác quản lý, đào tạo của trường. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà trường đã tổ chức hội thảo, ghi nhận ý kiến góp ý về công tác quản lý, hoạt động đào tạo,... của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên. Trên cơ sở đó, trường xây dựng chương trình hành động cụ thể, tập trung vào những vấn đề lớn như: hoàn thiện chương trình đào tạo từ đầu vào đến đầu ra; hoàn thiện công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế theo định hướng phát triển của trường; phát triển quản lý nhân sự và đội ngũ nhân sự về chất lượng lẫn số lượng; phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất; công tác quản lý sinh viên;... Qua đó, đội ngũ giảng dạy ngày càng phát triển về chất lượng, số lượng, đã chuẩn hóa 100% cán bộ giảng viên. Nếu như năm 2009, trường có 109 giảng viên (43 thạc sĩ, 2 tiến sĩ) thì nay có 130 giảng viên (70 thạc sĩ, 3 tiến sĩ). Trường đã đưa vào sử dụng khu nhà ở sinh viên 4 tầng và dãy 15 phòng học. Trường cũng kiểm soát đầu ra, chất lượng của “sản phẩm” do trường đào tạo thông qua nhiều kênh thông tin từ các doanh nghiệp, cựu sinh viên...

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 296, trường cũng gặp khó khăn bởi kinh phí đầu tư còn thấp, việc xây dựng cơ sở thực hành thực tập vẫn còn chậm so với tiến độ,... Do vậy, trường rất cần sự hỗ trợ của bộ ngành trung ương, địa phương về việc đầu tư kinh phí, đội ngũ giảng viên... nhất là trong giai đoạn hiện nay, trường đang phấn đấu nâng cấp thành trường đại học.

BÍCH NGỌC (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết