23/04/2011 - 08:58

Xây dựng xã hội học tập

Cần sự đầu tư đồng bộ

Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời được Chính phủ xác định là một trong những giải pháp chiến lược để nâng cao nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống... Sau 5 năm thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” (Quyết định 112), TP Cần Thơ đã có những chuyển biến tích cực trong việc tạo ra môi trường học tập thông thoáng, mang đến nhiều cơ hội học tập cho người dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tiến trình xây dựng xã hội học tập trên địa bàn vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ...

Mở ra cơ hội học tập...

Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Bình Thủy được xây dựng mới tạo điều kiện cho nhiều người dân tham gia học tập. 

Đến thời điểm này, lớp Trung cấp Mầm non do Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (GDTX) huyện Cờ Đỏ phối hợp cùng Trường Cao đẳng Cần Thơ tổ chức tại thị trấn Cờ Đỏ đã khai giảng gần hai tháng. Lớp học có hơn 50 học viên, chủ yếu sinh sống trên địa bàn huyện Cờ Đỏ. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Khi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, toàn huyện thiếu hơn 50 giáo viên mầm non nhưng không tìm được nguồn tuyển dụng. Trong khi đó, rà soát lại nguồn nhân lực tại chỗ, chúng tôi thấy có khá nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình không tiếp tục học lên cao hơn. Vì vậy, ngay sau khi trung tâm GDTX huyện đi vào hoạt động, ngành giáo dục huyện đã đề nghị trung tâm mở lớp tại địa phương để các em có điều kiện tham gia học tập”. Bạn Nguyễn Thị Anh Đào, ở xã Thới Hưng - huyện Cờ Đỏ, một trong những thí sinh đầu tiên nộp hồ sơ đăng ký lớp học này, chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi cũng muốn tiếp tục học lên cao hơn. Nhưng các trường cao đẳng, đại học đều ở xa nhà, trong khi gia đình tôi lại đơn chiếc, khó khăn quá, nên đành bỏ dở việc học. Ngay khi nghe thông tin có lớp Trung cấp mầm non tại huyện, tôi đăng ký vào học ngay. Học ở đây, tôi có thể ăn, ở tại nhà nên không tốn nhiều chi phí, những ngày nghỉ còn có thể phụ giúp công việc gia đình...”.

Cờ Đỏ là huyện xa trung tâm thành phố, cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp còn nhiều thiếu thốn. Trước đây, toàn huyện chỉ có Trường THPT Hà Huy Giáp đặt tại thị trấn Cờ Đỏ và Trường THPT Trần Ngọc Hoằng hầu như chỉ tuyển học sinh xã Thới Hưng. Vì vậy, nhiều học sinh sau tốt nghiệp THCS, nếu không vào được THPT chỉ có thể học bổ túc THPT tại Trường THPT Hà Huy Giáp, chứ không có cơ hội học nghề, học thường xuyên tại huyện. Lý do đó đã khiến không ít học sinh phải tạm dừng việc học sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Xác định được yêu cầu học tập của người dân, ngay sau khi chia tách, thành lập huyện Cờ Đỏ, UBND huyện đã phối hợp và đẩy nhanh việc thành lập các Trung tâm giáo dục Thường xuyên (TTGDTX), Trung tâm Dạy nghề (TTDN) tại huyện. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, phấn khởi: “Bây giờ, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT có thể học một số nghề đơn giản tại huyện. Để giảm chi phí, tạo cơ hội học tập cho học viên nghèo, TTDN huyện còn liên kết, đào tạo tại các xã để học viên thuận tiện trong học tập, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho nhiều người”.

Không chỉ riêng ở Cờ Đỏ, qua 5 năm nỗ lực xây dựng xã hội học tập, mạng lưới cơ sở giáo dục ở TP Cần Thơ phát triển nhanh chóng. Đến nay, TP Cần Thơ có Trung tâm GDTX - Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học thành phố; 9/9 quận, huyện có TTGDTX; 100% xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)... Hệ thống GDTX, TTDN thành phố đã thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho hơn 1.100 học viên; huy động hàng ngàn lượt người tham gia các lớp chuyên đề tại các TTGDTX, TTDN, TTHTCĐ. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn lượt cán bộ cấp xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng các kiến thức về luật, kinh tế...; người lao động được bồi dưỡng những kiến thức về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp... Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Bình Thủy, nhận xét: “Sự phát triển của hệ thống giáo dục cơ sở không chỉ tạo điều kiện để người dân học tập mà còn góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc học. Riêng ở quận Bình Thủy, ý thức và phong trào học tập trong 5 năm qua đã phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng. Toàn quận đã xây dựng được 529 gia đình hiếu học; 12 khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư khuyến học. Trong đó, khu vực 7 phường An Thới là điểm sáng của TP Cần Thơ trong phong trào xây dựng “Cộng đồng Khuyến học””.

Còn nhiều vướng mắc...

Trường Mầm non Tân Phú, quận Cái Răng được đưa vào sử dụng đầu năm học 2010-2011 tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển. 

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, thực tiễn quá trình xây dựng xã hội học tập ở Cần Thơ cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của mô hình này. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo, mặc dù Quyết định 112 đã triển khai thực hiện 5 năm, nhưng đến nay chương trình mục tiêu cụ thể để hỗ trợ phát triển GDTX, như việc ưu tiên lập kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở GDTX, TTHTCĐ ở vùng khó khăn, các quận huyện mới chia tách, hỗ trợ địa phương trong việc biên soạn chương trình, tài liệu, đào tạo nhân lực... vẫn chưa được ban hành. Một số TTGDTX còn tạm bợ, phải thuê mượn các cơ sở khác để giảng dạy. Như TTGDTX huyện Cờ Đỏ hiện đang “tá túc” tại 4 phòng học mượn của Trường Tiểu học Thị trấn Cờ Đỏ 2, trong đó, có 3 phòng được dùng làm phòng học, 1 phòng làm công tác văn phòng... Ông Dư Văn Cầm, Giám đốc TT GDTX huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Điều kiện cơ sở vật chất như thế gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động của trung tâm. Phòng học mượn của trường tiểu học nên không đúng với tiêu chuẩn lứa tuổi. Trung tâm cũng không dám nhận nhiều trang thiết bị vì không có chỗ sử dụng, bảo quản. Ngoài lớp Trung cấp Sư phạm Mầm non, trung tâm cũng chưa thể tổ chức các lớp học khác”. Cũng theo ông Cầm, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sắp tới, trung tâm có 29 học viên dự thi nhưng cả hai lớp đều “gởi” tại Trường THPT Hà Huy Giáp và THPT Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng bởi thiếu giáo viên và điều kiện học tập....

Tương tự, vai trò của các TTHTCĐ trong việc thực hiện xã hội học tập rất quan trọng, bởi đây không chỉ là nơi tổ chức nhiều hoạt động giáo dục mà còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần củng cố, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Thế nhưng hầu hết các TTHTCĐ trên địa bàn còn tạm bợ, phải mượn trụ sở làm việc, chưa có kinh phí hoạt động thường xuyên, ban chỉ đạo ở các TTHTCĐ đa số kiêm nhiệm... vì vậy, một số trung tâm hàng năm trời cũng không tổ chức được hoạt động nào thiết thực. Công bằng mà nói, các TTGDTX, TTDN, TTHTCĐ có cố gắng phối hợp đào tạo nghề tại địa phương, nhưng đào tạo trong tình cảnh thiếu trang thiết bị thực hành nên cũng không thu hút học viên, các lớp tập huấn bồi dưỡng chưa thật sự đi vào chiều sâu... Từ đó, chưa tạo được chuyển biến trong nhận thức để mọi người, mọi nhà thấy được sự cần thiết của việc học để hướng đến mục tiêu học tập suốt đời cho người dân. Hiện nay, toàn thành phố còn gần 34.800 người mù chữ; số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao...

Với những vướng mắc vừa nêu, thiết nghĩ, lãnh đạo các ngành, các cấp cần có nhiều giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, nhằm thực hiện thành công Quyết định 112, tạo ra một môi trường khuyến học, khuyến tài thật sự hiệu quả.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết