16/09/2010 - 21:17

CHỐNG BUÔN LẬU VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cần sự chung tay của cộng đồng

Mắt kính, gọng kính nhái các thương hiệu lớn là một trong những mặt hàng được lực lượng quản lý thị trường TP Cần Thơ thu giữ và xử lý
nhiều nhất.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 127-TP về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 127) TP Cần Thơ, 8 tháng đầu năm 2010, tình hình buôn lậu trên địa bàn hiện vẫn diễn ra khá phức tạp. “Điểm nóng” và phức tạp nhất, bọn buôn lậu thường vận chuyển hàng lậu là từ An Giang về quận Thốt Nốt, Ninh Kiều (TP Cần Thơ).

* Diễn biến phức tạp

Đầu năm 2010, giá nhiều mặt hàng như xăng, dầu, vàng, đô-la Mỹ cùng một số nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, thiên tai, dịch bệnh diễn ra thường xuyên đã ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả nhiều loại hàng hóa dịch vụ. Tình trạng vừa nêu khiến các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại diễn biến phức tạp.

Theo ông Đỗ Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo 127 TP Cần Thơ, phương thức và thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đang diễn biến khá tinh vi. Các đối tượng thường sử dụng điện thoại di động để liên lạc, theo dõi lực lượng chức năng; sau đó tìm cách chuyển hàng hóa đi các nơi khác tiêu thụ. Chứng từ, hóa đơn mua bán hàng hóa thường được dùng để quay vòng, hợp thức hóa hàng nhập lậu, gian lận trong việc kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để được giảm thuế giá trị gia tăng, không xuất hóa đơn chứng từ, vận chuyển hàng lậu để trốn thuế... gian lận về cân đong, đo đếm, chủng loại hàng hóa, sử dụng phương tiện đo không có tem kiểm định. Ngoài ra, các đối tượng thường gian lận ở một số mặt hàng như thép xây dựng, ga chiết nạp không đủ định lượng, mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, không công bố chất lượng sản phẩm, bán sai giá quy định, dán tem nhãn không đúng quy định, không niêm yết giá tại địa điểm kinh doanh. Ngoài ra, tình trạng quảng cáo công dụng và chất lượng sản phẩm không đúng thực tế vẫn còn tồn tại nhằm mục đích lừa dối khách hàng, vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và ổn định đời sống nhân dân, Ban Chỉ đạo 127 TP Cần Thơ đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, kế hoạch của Ban chỉ đạo 127 Trung ương và xử lý các hành vi vi phạm. Nhờ đó, tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu đối với một số mặt hàng trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát khá chặt. Lực lượng chức năng kiểm soát được diễn biến một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng... kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các hành vi găm hàng, tung tin thất thiệt để đẩy giá hàng hóa lên, kiểm tra thị trường mua bán ngoại tệ.

* Cần sự chung tay của cộng đồng

Theo Ban Chỉ đạo 127 TP Cần Thơ, từ nay đến cuối năm 2010, thành phố sẽ tập trung chống nhập lậu các mặt hàng cấm, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, điện thoại di động,... Chống khai thác, chế biến, vận chuyển trái phép và xuất lậu than, quặng và khoáng sản khác, gỗ quý hiếm, động vật hoang dã; tăng cường chống gian lận thương mại tại các khu vực cảng biển, cửa khẩu quốc tế... Ngoài ra, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sử hữu trí tuệ gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tập trung mặt hàng vật tư nông nghiệp, ga, xuất bản phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, xe hai bánh gắn máy và các hàng hóa khác liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, môi sinh môi trường. Chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết và hoạt động kinh doanh vàng, thu đổi ngoại tệ trái phép...

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo 127 TP Cần Thơ, khó khăn nhất hiện nay là thiếu kinh phí phục vụ cho việc xây dựng nguồn tin từ cơ sở... Khi nguồn tin đã cung cấp, vụ việc đã xử lý xong nhưng kinh phí vẫn chưa có hoặc có mà không đủ để trả phí cho người cung cấp tin khiến cho tin tức mật báo ngày càng ít đi. Chống buôn lậu, gian lận thương mại mà không có nguồn tin từ cơ sở thì khó và gần như “bắt kẻ gian trong bóng tối”. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại ngoài sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ của các lực lượng kiểm tra kiểm soát của từng địa phương còn cần đẩy mạnh công tác thu thập, xử lý thông tin, làm tốt công tác dân vận, mật báo... để chống buôn lậu không đơn lẻ, mà là sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội.

Bài, ảnh: Văn Tuấn

Trong 8 tháng đầu năm 2010, các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 10.143 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đã xử lý 2.251 vụ, trong đó hàng cấm 240 vụ, vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả 28 vụ, kinh doanh hàng nhập lậu 296 vụ, vi phạm hoạt động kinh doanh 173 vụ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm 1.216 vụ. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 2,98 tỉ đồng. Thực hiện 4 đợt tiêu hủy 367.494 gói thuốc lá lậu, thuốc lá giả ước trị giá khoảng 3,3 tỉ đồng.

Các nhóm mặt hàng có số lượng bị thu giữ, xử lý bị thu giữ, xử lý nhiều nhất là thuốc lá (426.500 bao), đá trang sức các loại (79.290 hột), gia súc nhập lậu (8.465 kg), trang sức xi mạ các loại (8.307 chiếc), mỹ phẩm (4.025 hộp, lọ), gia cầm nhập lậu (3.360 kg), mắt kính các loại (1.656 cái), thức ăn thủy sản (1.480kg)…


Mắt kính, gọng kính nhái các thương hiệu lớn là một trong những mặt hàng được lực lượng quản lý thị tr&

Chia sẻ bài viết