13/01/2014 - 22:53

PHIÊN HỌP THỨ 24 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Cần sớm xóa bỏ quy định trái tuyến trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế

(TTXVN)- Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu sáng 13-1 với hàng loạt ý kiến đóng góp thẳng thắn và sôi nổi của các thành viên Ủy ban xung quanh một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần này, Bộ Y tế và Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế đối với tất cả các đối tượng với sự hỗ trợ ngân sách trực tiếp của Nhà nước cho một bộ phận người dân.

Đề xuất này của Bộ Y tế đã nhận được sự đồng tình của hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong buổi thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành quan điểm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Ai cũng có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm y tế, Nhà nước sẽ hỗ trợ miễn, giảm đối với các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Luật cũng cần được chi tiết hóa hơn nữa, không để quá nhiều điều khoản cần được hướng dẫn thi hành bằng các văn bản dưới luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quy định trái tuyến trong khám chữa bệnh là bất hợp lý, cần sớm được xóa bỏ. Vấn đề khám chữa bệnh phải tuân thủ quy tắc kinh tế thị trường, theo đó nơi nào tốt thì nơi đó được người dân tìm đến; không được phân biệt bệnh viện công, bệnh viện tư. Phải để cho bệnh viện tư thanh toán đầy đủ cho người có thẻ bảo hiểm y tế.

Cũng trong sáng 13-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Đây cũng là dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua.

Thảo luận tại phiên làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác quan điểm đề xuất, bổ sung chế định ly thân, thỏa thuận ly thân được công chứng như trong dự thảo Luật với lý do nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là trẻ em.

Về kết hôn đồng giới, các ý kiến đề nghị cần tiếp tục tổng kết, phân tích để có quy định phù hợp với xu thế phát triển chung, tuy nhiên trong dự thảo luật lần này, cần bỏ quy định "cấm" như trong Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành.

Về độ tuổi kết hôn, một số ý kiến đề nghị trên cơ sở thực tế, độ tuổi kết hôn ngày càng cao nên dự thảo luật cần tuân thủ xu hướng này, không nên quy định giảm độ tuổi kết hôn. Đối với một số dân tộc thiểu số thì dự thảo cần quy định cụ thể để đảm bảo luật có tính khả thi.

Những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau liên quan đến hai dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại buổi làm việc thứ 2, phiên họp thứ 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào chiều 13-1.

Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thảo luận lần đầu và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, bổ sung thêm một chương về quá cảnh. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 9 chương, 57 điều.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự án Luật có liên quan chặt chẽ đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, do vậy cần rà soát lại cho phù hợp với Hiến pháp.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, Thường vụ Quốc hội vẫn còn có ý kiến khác nhau việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số hoạt động giao thông đường thủy nội địa tại các vùng nước không phải "đường thủy nội địa".

Nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét quy định độ tuổi của người lái phương tiện tại Điều 29 và Điều 35 cho phù hợp với thực tế. Việc áp dụng Bộ luật lao động để quy định về giới hạn độ tuổi "không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam" tại Điều 29 đối với thuyền viên là chưa phù hợp và cần phải giới hạn độ tuổi tại Điều 35 để tránh trường hợp người nhỏ tuổi, không đảm bảo điều kiện sức khỏe điều khiển phương tiện có động cơ. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương trong đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho phương tiện hoạt động và quản lý luồng, hàng lang bảo vệ luồng, vùng nước.

Chia sẻ bài viết