03/05/2012 - 20:59

Cần sớm có giải pháp khơi dậy khu “đất vàng”

Khu dân cư Bình Thủy, quận Bình Thủy, được khởi công xây dựng cách nay gần 8 năm (ngày 22-5-2004), với diện tích 150ha. Theo quy hoạch, khu dân cư này sẽ gồm: Khu hành chính tập trung của quận, một bệnh viện quy mô 1.000 giường, một khu nhà lồng chợ với diện tích trên 16.000m2 sàn (khoảng 600 lô sạp), cùng hệ thống công viên, nhà trẻ, trường học đồng bộ, đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, nghỉ ngơi của hơn 5.000 hộ gia đình với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Dự án khu đô thị Bình Thủy được kỳ vọng là một trong những khu đô thị đẹp, hoành tráng của thành phố. Thế nhưng, đến nay, diện mạo khu đô thị này lại không như thiết kế ban đầu, vì sao?

Một góc khu dân cư Bình Thủy.

Phát biểu trong lễ khởi công, chủ đầu tư dự án này làm “nức lòng” người dân địa phương và các nhà kinh doanh đất bởi cam kết sẽ bắt tay xây dựng đầu tiên tại đây 2 cơ sở dịch vụ lớn là một bệnh viện và một nhà lồng chợ và mọi việc diễn ra khá khẩn trương. Chủ đầu tư tỏ ra không thiếu vốn nên việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng diễn ra rất nhanh chóng, gọn gàng. Hạ tầng kỹ thuật, điện nước, đường sá... cũng được thi công khá nhanh, hiện rõ diện mạo một khu đô thị mạch lạc, tươm tất. Sau 2 năm, về cơ bản hạ tầng khu đô thị cũng xong. Thế nhưng, không hiểu vì sao đất nền không bán được (!) Những ngày đầu, trong khu vực dự án có tới 4-5 điểm môi giới bất động sản (BĐS). Theo đại diện chủ đầu tư thì khoảng 30% nền nhà trong dự án đã có khách mua. Nhưng rồi khách vắng dần, văn phòng giao dịch BĐS của công ty còn đó nhưng hoạt động cầm chừng. Trung tâm hành chính quận Bình Thủy (gồm quận ủy, UBND quận, công an quận...) được chủ đầu tư là UBND quận Bình thủy đầu tư xây dựng xong, bộ khung nhà lồng chợ cũng xây xong. Song, đến đây thì không làm được gì thêm nữa. Ngoài trụ sở cơ quan hành chính đã đưa vào sử dụng, khuôn viên dự án hiện nay rất thưa vắng người. Khu nhà lồng chợ hoàn toàn bỏ không, trở thành nhà kho của một công ty, ngoài ra trên khu đất mênh mông chỉ có cỏ và vài chục căn nhà rải rác.

Ông Mã Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận, chủ đầu tư dự án này, cho biết: Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, nhưng nay mới bán được chừng 30% diện tích. Việc bỏ hoang đã kéo dài rất lâu nhưng chưa có biện pháp gì khắc phục... Một nhân viên văn phòng công ty cho biết thêm, đất nền nhà liên kế của dự án tại đường có lộ giới 14m, giá bán từ công ty hiện từ 5 - 5,5 triệu đồng/m2; đất nền nhà liên kế tại đường lộ giới 25m, giá cao hơn một chút, từ 6 - 6,5 triệu đồng/m2. Đó là giá gốc, đất đã có sổ đỏ, nhưng không có khuyến mãi gì hết. Khi được hỏi có khách đến mua không? Anh này chỉ “lắc đầu”!

Anh Hữu Hiền, một người làm nghề môi giới BĐS trong khu vực dân cư này, cho biết: “Khu này hiện chỉ còn điểm bán hàng của chủ đầu tư và chỗ của tôi. Khách vắng lắm. Vài tháng giao dịch được một nền là quý lắm rồi. Giá đất của công ty bán trực tiếp cho khách hàng không giảm, nhưng những người lỡ mua trước đó vài nền, nay muốn bán lại, đành rao bán giảm giá phân nửa mà còn “trầy trật” không bán được”.

Chợ Bình Thủy sau 8 năm xây dựng.

Vì sao một dự án có khởi đầu đẹp đẽ thế mà lại rơi vào hoang vắng? Mỗi người lý giải một cách. Ông Lê Hoàng Nam, Bí thư Quận ủy quận Bình Thủy, cho biết: “Dự án có diện tích lớn, nhưng đến nay chỉ có vài chục căn nhà mọc lên. Đó là vấn đề bức xúc của nhiều người. Cử tri nhiều lần đề nghị quận phải có giải pháp để tránh lãng phí đất đai. UBND quận cũng đã có văn bản báo cáo UBND thành phố về thực trạng dự án, kiến nghị thành phố chỉ đạo, nhưng cũng chưa thấy cách giải quyết nào”.

Theo các chuyên gia địa ốc, dự án ngay từ đầu đã có dấu hiệu bất ổn: Quy mô lớn quá mà không khảo sát kỹ nhu cầu tại chỗ, đầu tư “không tới”, thiếu các cơ sở dịch vụ, giải trí, kinh doanh... Xây chợ nhưng không có biện pháp kích thích chợ hoạt động. Làm đường sá, hạ tầng quy mô rộng nhưng không có biện pháp bảo đảm an ninh, tạo điều kiện cho bà con vào sinh sống... Vì thế tạo ra một vòng lẩn quẩn, khu đô thị không thu hút được cư dân và cũng vì thế không mở mang hạ tầng, dịch vụ... Còn về mặt nghiệp vụ kinh doanh thì hầu như không thấy chủ đầu tư có biện pháp tiếp thị, khuyến mãi, quảng bá gì đáng kể. Cho đến nay, hầu như tất cả đều “án binh bất động”. Theo nhiều người, để làm sống lại dự án này có lẽ cần phải giải quyết một “núi” việc, trong đó, trước tiên phải có sự hỗ trợ của chính quyền về chủ trương, chính sách. Sau đó là các biện pháp nghiệp vụ, kinh doanh, vốn... của chủ đầu tư. Điều quan trọng nhất là cả chính quyền và chủ đầu tư đều phải nhận thấy cần bắt tay vào công việc, chứ không phải để mặc như hiện nay, để làm sao khu đô thị sung túc, sầm uất, chứ đừng để lãng phí đất đai - dù là của ai đang sở hữu.

So với hàng loạt chủ đầu tư ở khu Nam Cần Thơ, khu dân cư Bình Thủy có thuận lợi hơn rất nhiều. Nằm cặp đường quốc lộ 91, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, khai thác đất công, không vướng đền bù giải tỏa... Chủ đầu tư cũng không bị vướng vào những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, công ty cũng không có nhà xây sẵn để hoang, mà chỉ có đất... Thiết nghĩ, nếu chủ đầu tư quyết tâm hơn, khu dân cư này sẽ phát triển tốt, khả quan hơn, chứ đừng để một khu đất đẹp lại tiếp tục bị lãng phí.

Bài, ảnh: VĨNH KIM

Chia sẻ bài viết