03/10/2010 - 21:26

Hưởng ứng Ngày Toàn dân PCCC (4/10/1996 - 4/10/2010)

Cần quan tâm đúng mức phong trào phòng chống cháy nổ ở các khu dân cư

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đạt nhiều kết quả, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tuy nhiên, tình hình cháy nổ diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy-cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an TP Cần Thơ: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố xảy ra 13 vụ cháy, làm 5 người chết và 5 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 11 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở các khu dân cư (KDC) nhiều nhất thuộc quận Ninh Kiều. Hiện các KDC đang tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao, trong khi lực lượng chữa cháy tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu, đây là vấn đề đang được báo động...

 

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TP Cần Thơ tuyên truyền những cách chữa cháy thông dụng cho người dân ở KDC khu vực 4, phường Thới Bình. 

Vào hẻm 65, đường Trần Phú, phường Cái Khế, điều đầu tiên chúng tôi ghi nhận là dây điện được câu mắc, chằng chịt, thấp tè không đảm bảo an toàn PCCC; đã vậy, người dân còn tự cơi nới lều bạt để buôn bán lấn chiếm lối đi, trong khi con hẻm rộng chỉ khoảng hơn 2m. Ngoài ra, tại hẻm 42 Trần Phú tuy chỉ rộng hơn 2m nhưng lại tồn tại một tiệm hớt tóc án ngữ ngay đầu hẻm. Cô Tư, người dân ở đây cho biết: “Sống trong KDC dễ có nguy cơ cháy nổ như vầy, tui cũng lo lắm! Nếu có sự cố cháy nổ xảy ra, hẻm nhỏ xe chữa cháy vào không được hậu quả sẽ khó lường. Vì vậy, nhà tui phải trang bị bình chữa cháy để tự cứu mình”.

Tại hẻm 71F, đường Trần Phú; hẻm 20 và 24 của đường Nguyễn Trãi, phường Cái Khế tuy tương đối rộng rãi và sạch sẽ, thế nhưng ngay đầu hẻm người dân lại ngang nhiên căng lều bạt để buôn bán, choáng lối đi lại. Ông Nguyễn Tấn Triều, Chủ tịch UBND phường Cái Khế, cho biết: “Khu vực 3 và 7 trên địa bàn phường có nhiều hẻm nhỏ, xe chữa cháy không vào được. Vì thế, UBND phường cố gắng sắp xếp cho các khu vực có tổ PCCC và các nhà thông tin trang bị thêm bình chữa cháy; chúng tôi còn vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn tự trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ. Hiện trên địa bàn phường có 108 tổ tự quản, nhưng chỉ khoảng 50% tổ được trang bị phương tiện chữa cháy (bình chữa cháy). Một số tổ tự quản với các hộ dân nhà ở mặt tiền lộ lớn chủ quan không trang bị phương tiện chữa cháy. Chính việc chủ quan này, nên thời gian qua đã có 2 vụ cháy xảy ra ở khu vực nhà mặt tiền. Sắp tới, UBND phường chỉ đạo cho lực lượng công an tham mưu tổ chức diễn tập PCCC trong KDC để nâng cao ý thức PCCC cho bà con”.

Thượng tá Trần Đức Đình, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TP Cần Thơ cho biết:

Thời gian qua được sự quan tâm của UBND thành phố, Ban Giám đốc Công an thành phố, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH được trang bị mới thêm một số phương tiện chữa cháy. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn thiếu, nếu xảy ra cháy lớn khó có thể đáp ứng yêu cầu cả về chữa cháy lẫn cứu hộ. Trong khi nguy cơ xảy ra cháy nổ ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh, KDC là rất cao. Nhiều UBND phường, xã chưa thực hiện hết trách nhiệm theo luật định, nên việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện chưa đầy đủ, kịp thời. Một số người đứng đầu doanh nghiệp, tư nhân vừa và nhỏ chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định PCCC theo yêu cầu.

Công tác PCCC muốn đến được với người dân một cách sâu rộng, đòi hỏi việc tuyên truyền phải được thực hiện rộng khắp và có bài bản. Thời gian qua, công tác này chưa phát huy hiệu quả vì nhiều lý do. Trong một dịp chúng tôi đến hẻm 194, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, là con hẻm có nhiều nhánh nhỏ, bề ngang chỉ rộng hơn 1m, bà con ở đây tỏ ra băn khoăn với công tác PCCC. Chị Hương, một hộ dân kỳ cựu ở đây cho biết: “Chúng tôi mù tịt kiến thức cơ bản về công tác PCCC. Trong hẻm này, không nhà nào có bình chữa cháy vì tiền đâu mà trang bị. Tui thấy chỉ các cơ sở sản xuất mới trang bị phương tiện chữa cháy; còn nhà tui lúc nào cũng dự trữ nước để khi sự cố cháy nổ xảy ra còn ứng phó kịp!”. Được biết, những vụ cháy trong thời gian vừa qua, phần lớn tập trung tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong KDC. Chiều 26-12-2009, một đám cháy phát ra từ lò bánh Chánh Nguyên ở hẻm 110, khu vực 3, phường An Phú, quận Ninh Kiều. Đây là con hẻm nhỏ (khoảng hơn 1m), xe chữa cháy vào không được nên công tác triển khai lực lượng chữa cháy khá vất vả mới dập tắt được đám cháy. Theo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, nguyên nhân vụ cháy do bị chập điện. Khi đám cháy bùng phát, nhờ bà con ở gần đó và lực lượng dân phòng, quân sự của phường nhanh chóng tới tiếp ứng, kịp thời cùng lực lượng chữa cháy cơ sở khiêng bình ga rời khỏi nơi nguy hiểm, dùng nước dập lửa. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng.

Đến giờ người dân ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn vẫn còn bàng hoàng với vụ cháy ở kho chứa cám của Công ty TNHH Hải Nam vào rạng sáng 27-9-2010. Cơ sở kinh doanh nằm trong KDC, có nhà dân san sát nhau, lại không trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ (có 1 máy bơm nhưng bị hư). Chính vì thế khi có cháy không xử lý kịp thời nên ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn kho chứa cám, làm thiệt hại số lượng cám đáng kể. Cũng may lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp kịp thời cứu chữa không để cháy lan sang nhà dân. Theo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, lực lượng chữa cháy cơ sở ở đây vừa yếu, lại vừa thiếu.

Ông Kiều Cao Thiêm, Đội trưởng Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn về PCCC Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TP Cần Thơ cho biết: “Thời gian qua, công tác PCCC ở KDC có nhiều bất cập. Chính quyền tại các KDC chưa quan tâm sâu sát đến công tác PCCC như việc huấn luyện đội chữa cháy dân phòng, xây dựng nội quy PCCC... Trong khi điều đáng lo ngại hiện nay là các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong các KDC, tận dụng tối đa mặt bằng kinh doanh, dự trữ lượng hàng hóa nhiều, nguy cơ gây cháy lớn, hậu quả khó lường. Ở một số nơi, còn nhiều hẻm xe chữa cháy không vào được, đó là một trở ngại cho công tác PCCC. Đối với những hẻm được nâng cấp mở rộng thì chưa lắp đặt được trụ nước chữa cháy đô thị, cũng là vấn đề khó khăn cho công tác PCCC. Trước mắt, để tự bảo vệ mình, các hộ gia đình phải duy trì công tác tự kiểm tra như: kiểm tra hệ thống điện, bếp lò, nhang đèn,... khi rời nhà”.

Thời gian qua, số vụ cháy ở các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các KDC ngày càng báo động. Trong ảnh: Hiện trường vụ cháy tại cơ sở sản xuất sườn xe đạp Nhân Nghĩa - ở đường Lý Tự Trọng thuộc khu vực 1, phường An Cư, quận Ninh Kiều.

Khi chính quyền địa phương và người dân quan tâm đúng mức đến công tác phòng ngừa cháy, nổ ở các KDC thì vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân được hết sức chú trọng. Điển hình như khu vực 4, phường Thới Bình, đã ban hành quy định PCCC, vận động người dân trang bị bình chữa cháy... Tại nhà thông tin khu vực, bình chữa cháy được xếp gọn một cách ngăn nắp, bảng nội quy PCCC được treo ngay trước cửa để bà con đến hội họp đều có thể thấy. Những vụ cháy nhỏ ở khu vực, bà con nơi đây đều tự dập lửa được, do đã được tập huấn thao tác chữa cháy cơ bản thông dụng trong gia đình. Trong các cuộc họp dân, chính quyền địa phương và ngành chức năng đều lồng ghép vào nội dung tuyên truyền PCCC. Chị Tư, người dân ở khu vực 4, cho biết: “Nhà tui thường xuyên có người ở nhà nên luôn trông chừng củi lửa, điện đóm, vì lở mà sơ sẩy không những thiệt hại tài sản của mình mà còn ảnh hưởng xung quanh. Gia đình tui tự trang bị bình chữa cháy để bảo vệ mình”. Chị Mai, chủ cửa hàng Gas Biển Ngọc I, khu vực 4, nói: “Kinh doanh mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao nên cơ sở rất quan tâm, coi việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho mình và bà con chung quanh là trên hết, không để xảy ra sơ xuất nhỏ nào. Tuy diện tích kinh doanh nhỏ nhưng cơ sở trang bị tới 4 bình chữa cháy, như vậy mới an tâm”.

Ông Trần Đình Hải, Phó chủ tịch UBND phường Thới Bình nói: “Thời gian qua, chúng tôi cũng gặp khó khăn như các địa phương khác, như thiếu kinh phí trang bị phương tiện PCCC, việc tập hợp hay huy động đội chữa cháy dân phòng rất khó vì họ còn phải lo mưu sinh. Nhưng với tinh thần quyết tâm đảm bảo an toàn tính mạng tài sản cho người dân, chúng tôi tích cực tuyên truyền vận động từ các tổ chức, đoàn thể đến người dân xem công tác PCCC là hàng đầu, nhất là ở các KDC. Sắp tới, chúng tôi phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH mở lớp tập huấn về PCCC cho các hộ kinh doanh trên địa bàn và cố gắng duy trì công tác này thực hiện một cách thường xuyên và liên tục.

Công tác đảm bảo an toàn PCCC ở các KDC cần được coi là mối quan tâm lớn của cộng đồng với sự hợp sức của toàn xã hội. Để phòng ngừa cháy nổ tốt thì vai trò chủ lực của chính quyền địa phương, phối hợp ban ngành đoàn thể và lực lượng chức năng là hết sức cần thiết trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, phòng tránh sự cố về cháy nổ. Tổ chức đường thông, hẻm thoáng, không chứa các vật liệu dễ cháy, không giăng mắc dây diện chằng chịt, giữ an toàn trong đốt cỏ rác, trong đun nấu, thắp nhang thờ cúng, tổ chức tập huấn PCCC đến các hộ dân, vận động các cơ sở sản xuất, các hộ dân tự trang bị phương tiện chữa cháy, nêu cao tinh thần cảnh giác với “bà hỏa”. Có như vậy mới ngăn chặn cháy nổ, phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa PCCC ở các KDC, nhắc nhở mọi người trách nhiệm đề phòng cháy nổ thường xuyên chứ không chỉ trong tháng 10 - Tháng an toàn cháy nổ.

Bài, ảnh: M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết