03/11/2015 - 21:01

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII:

Cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

* Cơ bản tán thành với đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước của Chính phủ

(TTXVN)- Hướng đến mong đợi của cử tri và người dân cả nước, phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 3-11 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII tiếp tục diễn biến sôi động, chất lượng cao với nhiều góc nhìn đa chiều và sâu sắc của các đại biểu Quốc hội đánh giá tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội đất nước năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm qua.

Phân tích kỹ, đánh giá sâu những điểm sáng, tối, giá trị cốt lõi của nền kinh tế và hiện trạng xã hội, một lần nữa những vấn đề nổi cộm trong dư luận như vụ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực; chất lượng công tác quản lý nguồn lực xã hội, giá trị tăng trưởng thực của nền kinh tế; bài toán thúc đẩy sản xuất nông nghiệp… tiếp tục được xào xới kỹ tại nghị trường. Cũng tại buổi làm việc sáng 3-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp giải trình thêm và trả lời một số thắc mắc cụ thể của các đại biểu Quốc hội liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình. Các Bộ trưởng đồng thời gửi đến Quốc hội và cử tri cả nước những khuyến nghị về việc thực thi chính sách của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới.

Đóng góp nhiều ý kiến sắc sảo với Quốc hội, Chính phủ nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh đà phát triển của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đều nhìn nhận, khẳng định và đánh giá cao những thành tựu quan trọng của đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, coi đây là nền tảng hết sức quan trọng cho đất nước bước vào sân chơi hội nhập quốc tế.

Góp ý đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và sản xuất nông nghiệp, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) mong muốn Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuỗi liên kết 4 nhà đối với nông nghiệp; đặc biệt là cho đối tượng doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, sử dụng đất đai vì đầu tư vào lĩnh vực này lãi ròng thấp. Chỉ có như vậy mới tăng trưởng bền vững cho nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, đại biểu Bùi Thị An tha thiết.

Phát biểu giải trình thêm tại buổi thảo luận liên quan đến trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang thúc đẩy mô hình cánh đồng mẫu lớn, đến nay đã có 536.000 ha tham gia mô hình này. Bộ phối hợp đẩy mạnh đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường quốc doanh; trình Chính phủ dự thảo chính sách cho HTX nông nghiệp… Đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào nông nghiệp.

"Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự chuyển động còn khác nhau ở các địa phương và nhìn chung còn chậm. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, ban hành chính sách mạnh mẽ hơn, nhất là đất đai, thuế và vốn để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Theo yêu cầu của đại biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, trước Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã thông tin cụ thể về sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực và hướng xử lý vụ việc này.

Bộ trưởng Xây dựng cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của dư luận, báo chí về vụ việc, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND Hà Nội kiểm tra, rà soát công trình và bàn hướng xử lý.

Lật lại hồ sơ, công trình được UBND Hà Nội cho phép và Sở Xây dựng thành phố cấp phép xây dựng với thiết kế giật cấp, phía trước cao 44 m, phía sau cao 53m. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư là Công ty cổ phần may Lê Trực đã xây lên đến 69m (vượt phép 16m, tương đương 5 tầng nhà, diện tích xây dựng trội lên hơn 6.000m2 vì không thực hiện giật cấp như phương án được cấp phép).

Thường trực Chính phủ đã họp để nghe báo cáo về vấn đề này. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về sự việc, khẳng định sai phạm tại đây là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, thể hiện sự hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Thủ tướng yêu cầu, để giữ nghiêm kỷ cương trong thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch, UBND Hà Nội phải chủ trì đánh giá đúng mức độ sai phạm, nêu phương án xử lý, trình kế hoạch xử lý cụ thể đối với công trình. Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh, việc phá dỡ công trình phải đảm bảo an toàn, đảm bảo tính mỹ quan và các tiêu chí trong vấn đề quản lý xây dựng đô thị.

Thông tin với Quốc hội và cử tri cả nước về gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, đến nay gói hỗ trợ này đã được triển khai khá tốt. Trước quan ngại của đại biểu và cử tri khi gói hỗ trợ kết thúc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định "hậu" gói 30 ngàn tỉ, sẽ tiếp tục có các hình thức dài hạn khác để hỗ trợ người dân mua nhà ở.

Phân tích một cách sâu sắc bên trong các tồn tại và hạn chế của nền kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét, về tổng thể 5 năm, có 9/21 chỉ tiêu không đạt nhưng lại rơi vào những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng. "Liệu 5 năm tới, chúng ta có thể đạt được tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước hay không cần có động lực mới". Đại biểu phân tích, sự tăng trưởng của nền kinh tế đứng trước 4 hạn chế: Tổng đầu tư xã hội giảm, nông nghiệp đạt nhiều kết quả nhưng phải chăng đã chạm trần tăng trưởng? Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng trưởng nhưng doanh nghiệp trong nước yếu kém đẫn dến mâu thuẫn trong nền kinh tế bởi xét cho cùng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn là nợ quốc gia. Chi ngân sách, nợ công cao… Tán thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2016 và 5 năm tới từ 6,5% đến 7% cho 2016, song đại biểu vẫn cho rằng, phải cần đến động lực mới để hoàn thành chỉ tiêu này.

Từ những suy luận trên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khuyến nghị cần chú trọng điều hành chính sách tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng, cần tính toán tỷ lệ tăng tín dụng phải gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó là cân đối lại thu chi, tái cơ cấu lại nợ công, tái cấu trúc lại thị trường vốn, chứng khoán trong chính sách tài khóa. Đại biểu Trần Du Lịch mong muốn Quốc hội cần ban hành Nghị quyết riêng để giải quyết một cách căn cơ bài toán nợ xấu.

* Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, chiều 3-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2015, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ. Nhiều đại biểu cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đã có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,2%), một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khá ổn định… là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành. Mặc dù đạt được kết quả khả quan, song nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn vì tình hình kinh tế thế giới và khu vực chưa thực sự ổn định; môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước chưa được cải thiện nhiều, giá dầu thô giảm mạnh, nhập siêu có xu hướng tăng; thị trường tài chính, thị trường bất động sản phục hồi chưa mạnh; tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm… Những yếu tố này đã tác động không nhỏ đến kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2015. Cơ cấu thu cũng đã có thay đổi, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ yếu, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, mức độ huy động vào ngân sách nhà nước từ GDP qua thuế, phí có xu thế giảm. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, so với các năm trước, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ của một số Bộ, ngành và nhiều địa phương chưa đảm bảo tiến độ. Một số địa phương có nhiều khoản chi chính sách, chế độ đã có trong dự toán nhưng ngân sách nhà nước còn nợ, cấp vốn chậm, dẫn đến các địa phương có nguồn thu ngân sách thấp gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.

Về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Chính phủ về những nguyên tắc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.

Chia sẻ bài viết