20/10/2012 - 17:25

Mời gọi doanh nghiệp vào khu công nghiệp

Cần môi trường đầu tư và cơ chế thoáng

KCN Hưng Phú 2B cỏ mọc um tùm do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.H

Từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp (KCN) tập trung của TP Cần Thơ thu hút thêm 14 dự án đầu tư mới, vốn đăng ký hơn 45 triệu USD. Tuy nhiên, quy mô dự án đầu tư nhỏ, chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, thiếu vắng dự án công nghệ cao. Giải pháp nào để mời gọi dự án chất lượng cao… đó là thách thức lớn đối với thành phố thời gian tới.

Tiến độ giải ngân vốn chậm

Theo báo cáo của Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (BQL KCX&CN), trong 9 tháng năm 2012, doanh thu của các doanh nghiệp (DN) trong KCN đạt trên 1,59 tỉ USD, giảm 2,18% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 1,15 tỉ USD, tăng gần 5,8% so cùng kỳ 2011; dịch vụ thương mại đạt 446,7 triệu USD, giảm hơn 18%, xuất khẩu giảm 12,8% so cùng kỳ 2011 (chỉ đạt 484 triệu USD)…

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL Các KCX&CN Cần Thơ, cho biết: "Doanh thu các DN trong KCN giảm nhẹ do ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô, các sản phẩm như: xuất khẩu cá tra, gỗ băm, hàng tiêu dùng… giảm mạnh so cùng kỳ. Năm 2011, dù khó khăn, nhưng DN vẫn còn cầm cự được, còn từ đầu năm đến nay, trong KCN đã có 9 DN ngừng hoạt động hoàn toàn, nhiều DN khó về thị trường tiêu thụ". Theo ông Hùng, số lượng DN ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay tăng đáng kể so với năm 2011 và từ nay đến cuối năm 2012, khả năng đầu tư của DN vẫn tiếp tục khó. Với tình hình hiện nay, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế trong nước tiềm ẩn nhiều bất ổn, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn cao so với sức chịu đựng của DN thì không DN nào dám đầu tư mở rộng sản xuất, bởi đầu tư dễ rơi vào cảnh thua lỗ, hoặc khó sinh lời.

TP Cần Thơ đã quy hoạch 8 KCN tập trung (trong đó 6 KCN đang hoạt động), hiện chỉ có KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 đã lấp đầy diện tích đất công nghiệp. Các KCN hiện có 207 dự án đầu tư, vốn đăng ký trên 1,84 tỉ USD thuê lại hơn 854ha đất công nghiệp; trong đó 184 dự án đang hoạt động, 18 dự án đang xây dựng, còn lại chưa triển khai, vốn đã giải ngân gần 796 triệu USD (chiếm 43% tổng vốn đăng ký), giải quyết việc làm cho 33.997 lao động. Nếu so với vốn đăng ký thì việc giải ngân vốn đầu tư của các DN thời gian qua chưa đạt mục tiêu kỳ vọng khi thu hút đầu tư của thành phố, dự án tiến độ giải ngân chậm cũng ít nhiều tác động đến tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong số các dự án đang hoạt động có 161 dự án vốn trong nước, vốn thực hiện chỉ chiếm 37,4% trong tổng vốn đăng ký (giải ngân gần 624 triệu USD); dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 23 dự án (21 dự án đang hoạt động, 2 đang xây dựng), vốn đăng ký trên 182,8 triệu USD; đến nay các dự án FDI đã giải ngân vốn đăng ký đạt 94% (172,1 triệu USD). Theo ông Võ Thanh Hùng, các KCN chưa có dự án công nghiệp kỹ thuật cao, chủ yếu là công nghiệp chế biến, quy mô dự án nhỏ và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm không cao, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, xậy dựng thương hiệu DN.

Thời gian qua, các ngành hữu quan thành phố đã thực hiện nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, nhưng kết quả thu về chưa như mong đợi. Bởi các dự án mời gọi chưa giải đáp được đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư về lợi nhuận, chính sách ưu đãi… Mặt khác, dự án mời gọi đầu tư của thành phố còn chung chung, thiếu dự án mang tính lan tỏa vùng, thiếu nét riêng gắn với nội lực của thành phố.

"Nút thắt" đầu tư hạ tầng KCN

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL Các KCX&CN Cần Thơ cho rằng, thời gian qua, công tác mời gọi đầu tư vào các KCN gặp rất nhiều khó khăn, các "vướng" lớn nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB). Có những KCN như: Hưng Phú 1, Hưng Phú 1A, Hưng Phú 2B không GPMB được, gây bức xúc không chỉ cho người dân vùng dự án mà cả nhà đầu tư hạ tầng KCN. Hiện chính sách ưu đãi về KCX&CN không còn, nên việc thu hút đầu tư không còn hấp dẫn DN. Thêm vào đó, chính sách bồi hoàn, giải tỏa, tái định cư thường xuyên thay đổi; mô hình quản lý nhà nước Các KCX&CN còn chồng chéo. Hiện giá đất đã được điều chỉnh tăng 30% so với năm 2011, giá bồi hoàn đất, vật kiến trúc được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người dân (nhất là đối với đất lúa); giá thành đầu tư KCN của thành phố hiện cao hơn rất nhiều các tỉnh lân cận, nên làm ảnh hưởng rất lớn đến DN đầu tư hạ tầng. Lẽ đó, "đất sạch" vẫn là bài toán khó đối với các KCN trên.

Trên thực tế, công tác GPMB ở KCN của các ngành chức năng thành phố chưa đồng bộ, các DN đầu tư hạ tầng thì cũng có DN năng lực tài chính hạn chế, nên khi áp giá bồi hoàn, hoặc thỏa thuận giá bồi hoàn với dân vùng dự án chưa đạt được sự đồng thuận. Các bên tham gia GPMB, giám sát tiến độ dự án chưa có quy chế phối hợp chặt chẽ và chưa có chế tài cụ thể, nên còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi dự án chậm tiến độ. Ông Võ Thành Hùng, Trưởng BQL Các KCX&CN Cần Thơ thừa nhận: "KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B thời gian qua do nguồn lực phân tán, thiếu tập trung nên tiến độ triển khai dự án rất chậm. Lãnh đạo thành phố đã giao BQL làm việc với 4 DN đầu tư hạ tầng trong tháng 10-2012 này để đề xuất hướng xử lý. BQL sẽ tập trung kiểm tra năng lực tài chính của các nhà đầu tư hạ tầng, nếu nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu sẽ đề xuất thành phố thu hồi dự án giao nhà đầu tư mới. Thành phố chỉ có chủ trương thu hồi dự án đầu tư, chứ không có chủ trương xóa, hoặc chuyển mục đích quy hoạch KCN"...

Theo kiến nghị của các DN đầu tư hạ tầng, để đẩy nhanh tiến độ KCN ngoài sự nỗ lực của DN thì rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng thành phố, địa phương nơi có KCN trong công tác thu hồi đất, GPMB. Đồng thời, cho phép nhà đầu tư hạ tầng được mua lại nền tại các dự án trên địa bàn quận Cái Răng (đối với KCN Hưng Phú 2B) có đủ điều kiện về hạ tầng nhằm giải quyết tái định cư cho các hộ dân đủ tiêu chuẩn bố trí nền tái định cư, hoặc tăng mức hỗ trợ đối với tái định cư phân tán (tăng từ 1,1 triệu đồng/m2 lên mức 1,3 triệu đồng/m2) để hộ dân dễ chấp nhận.

TP Cần Thơ đang phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 và KCN chính là "hạt nhân" cho mục tiêu này. Song, tiến độ xây dựng và lấp đầy các KCN đang "vướng" rất nhiều vấn đề như: GPMB, tái định cư, xử lý nước thải… sẽ là thách thức lớn đối với mục tiêu trong tương lai của thành phố. Hiện nay, đa phần các dự án đầu tư thứ cấp trong KCN đều có quy mô nhỏ, công nghệ kém. Thời gian gần đây, các ngành hữu quan thành phố đã rất cân nhắc khi xây dựng dự án mời gọi đầu tư, chú trọng mời gọi nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, công nghệ cao để nâng tầm phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều này thì phải có môi trường đầu tư và cơ chế thoáng, ngoài sự đồng thuận trong thực hiện mời gọi dự án của các ngành hữu quan cũng rất cần cơ chế đặc thù của Trung ương đối với một đô thị cần phát triển nhanh như Cần Thơ.

SONG NGUYÊN

KCN Hưng Phú 2B cỏ mọc um tùm do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.H

Chia sẻ bài viết