10/08/2013 - 21:24

ĐẦU TƯ CỤM CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

Cần lộ trình phù hợp

Quy hoạch và đầu tư các cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN) thu hút đầu tư và di dời các doanh nghiệp (DN) công nghiệp quy mô nhỏ và vừa đang hoạt động trong khu dân cư, khu đô thị là yêu cầu cấp thiết trong tiến trình công nghiệp hóa của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN phục vụ mục tiêu này, đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp, chính sách đầu tư thỏa đáng...

Những bất cập

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có trên 10.000 DN và hơn 2.000 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động; trong đó, DN nhỏ và vừa chiếm hơn 95%. Ở lĩnh vực công nghiệp, các DN chủ yếu tập trung ở những ngành chế biến nông thủy sản, may mặc, da giày, bao bì, cơ khí chế tạo… Về phạm vi hoạt động, các DN công nghiệp với quy mô lớn chủ yếu tập trung trong các KCN, riêng các DN nhỏ và vừa hoạt động phân tán trên địa bàn thành phố, nằm xen trong khu dân cư.

Sơ chế trái cây tại Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây - CCN-TTCN Cái Sơn - Hàng Bàng. Ảnh: MỸ THANH

Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Thực trạng các DN hoạt động rải rác trong các khu dân cư do lịch sử để lại. Chẳng hạn CCN Cái Sơn-Hàng Bàng trước đây được quy hoạch nằm ven thành phố. Từ năm 1999, các DN đã vào đây mua đất, xây nhà xưởng và hoạt động đến nay. Tuy nhiên, khi tỉnh Cần Thơ cũ được chia tách thành TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang vào năm 2004, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, CCN Cái Sơn-Hàng Bàng có vị trí ở quận trung tâm thành phố. Các quận, huyện khác, tình trạng DN xây dựng cơ sở và đi vào hoạt động ổn định sau đó mới hình thành khu dân cư, nên địa phương gặp khó trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm phát tiếng ồn,… Vì thế, thành phố đang có nhu cầu di dời các DN sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động tại các CCN để dễ quản lý.

TP Cần Thơ đã quy hoạch 4 CCN-TTCN trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh. Tuy nhiên, việc mời gọi nhà đầu tư hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn. CCN Bình Thủy thuộc phường Thới An Đông công bố quy hoạch tỷ lệ 1/500 nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa mời gọi được nhà đầu tư hạ tầng; CCN-TTCN quận Ô Môn sau thời gian không mời gọi được nhà đầu tư đã có công văn xin thành phố xóa bỏ quy hoạch. Thành phố đã xóa quy hoạch CCN Cái Sơn-Hàng Bàng và chuyển thành khu dân cư do yêu cầu mở rộng đô thị, DN đang chờ di dời đi nơi khác nhưng rất băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Tân Hưng (CCN Cái Sơn-Hàng Bàng), cho biết: Trước yêu cầu phải ra khỏi CCN hiện hữu, các DN đều băn khoăn chưa biết sẽ phải di dời về đâu và việc di dời chắc chắn sẽ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, di dời sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Trường hợp bắt buộc, DN mong muốn điểm đến mới phải đảm bảo về hạ tầng giao thông, cung cấp điện, nước phục vụ sản xuất, đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung để DN yên tâm hoạt động…

Xây dựng lộ trình

CCN-TTCN Vĩnh Thạnh có triển vọng nhất trong 4 CCN-TTCN được thành phố quy hoạch, ngày 29-1-2013, UBND TP Cần Thơ có Công văn số 471/UBND-KT “Về việc chấp thuận giao Trung tâm xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt làm chủ đầu tư CCN- TTCN và Khu tái định cư huyện Vĩnh Thạnh”. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ (BQL các KCX&CN Cần Thơ), cho biết: “Trước đây, CCN-TTCN Vĩnh Thạnh cũng rơi vào tình trạng chung như các CCN khác vì không có nhà đầu tư hạ tầng. Còn hiện tại, CCN-TTCN có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến khi nằm trên địa bàn trọng điểm về lúa gạo và thủy sản của TP Cần Thơ, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang. Vì thế, Ban đã chủ động đề xuất với thành phố giao về Trung tâm xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt đầu tư hạ tầng, sau đó mời gọi nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động”. Theo ông Hùng, BQL các KCX&CN Cần Thơ cùng Trung tâm xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho CCN-TTCN Vĩnh Thạnh như: lập dự án, thiết kế cơ sở,  rà phá bom mìn, đánh giá tác động môi trường, sắp xếp lại công tác tổ chức của CCN và tính toán phương án xây dựng khu tái định cư...

Theo các địa phương được quy hoạch xây dựng CCN phục vụ nhu cầu di dời DN vào, việc mời gọi nhà đầu tư hạ tầng cho CCN gặp rất nhiều khó khăn. Cấp quận, huyện chưa có cơ chế đặc thù để mời gọi nhà đầu tư và chỉ có thể trông chờ vào thành phố. Trong khi cơ sở hạ tầng đấu nối vào các CCN chưa đồng bộ làm giảm sức hút với nhà đầu tư. Mặt khác, việc đầu tư CCN và di dời DN vào đây trong bối cảnh suy thoái kinh tế cũng là một thách thức lớn với ngành chức năng lẫn các DN đang hoạt động. 

UBND thành phố đã giao cho Sở Công thương chủ trì nghiên cứu Đề án “Hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp xen kẽ trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường vào các khu cụm công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020”. Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở đang tiếp tục hoàn chỉnh Đề án “Hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc CCN Cái Sơn-Hàng Bàng”. Vấn đề này đòi hỏi phải có quá trình khảo sát, điều tra cụ thể số lượng DN di dời và khả năng phát triển thêm để tính toán quy hoạch hợp lý các CCN. Ngoài ra, phải phân kỳ giải quyết theo từng giai đoạn. Về lâu dài, việc đưa các DN bức xúc về môi trường vào các khu CCN tập trung vẫn là vấn đề trong tương lai. Vì thế, khi xem xét xóa quy hoạch những CCN chưa phát huy hiệu quả, chưa mời gọi được nhà đầu tư, thành phố đang cân nhắc duy trì một số cụm khả thi để tiếp tục mời gọi đầu tư trong tương lai, phục vụ yêu cầu phát triển công nghiệp của thành phố.

Minh Huyền

 

Chia sẻ bài viết