02/05/2010 - 09:49

ĐÀO TẠO NGHỀ Ở CẦN THƠ

Cần liên kết "3 nhà"

Giờ thực hành của thầy trò Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ.

Những năm gần đây, nhiều trường nghề trên địa bàn TP Cần Thơ, như: Cao đẳng (CĐ) Nghề Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, Trường Trung cấp nghề Công nghiệp tàu thủy Hậu Giang... đã không ngại chuyện tốn kém đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đào tạo những ngành nghề: Hàn, Cắt gọt kim loại, Công nghệ sửa chữa ô tô... Bởi đây là những nghề mà xã hội đang rất cần và có nhu cầu rất lớn trong tương lai. Thế nhưng, điều đáng nói là với sự cố gắng đầu tư để đào tạo của các trường, kết quả đem lại không như mong muốn.

* Đầu tư nhiều nhưng tuyển sinh không bao nhiêu

Ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu xã hội, trường đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo các ngành Hàn, Cắt gọt kim loại,... Tuy nhiên, trường không dám tuyển sinh nhiều chỉ tiêu vì chi phí đầu tư cao, số lượng thí sinh đăng ký học các ngành nghề này ngày càng ít”. Chi phí đối với những học sinh theo học ngành Tin học, Điện tử,... thì mức đầu tư bình quân khoảng 5 triệu đồng/năm. Trong khi đó, học sinh học các ngành Hàn, Cắt gọt kim loại... mức đầu tư gấp 1,5-2 lần. Đó là chưa kể kinh phí đầu tư ban đầu cho các ngành này cao gấp 10 lần so với các ngành Quản trị mạng máy tính, Điện tử... Đơn cử như việc đầu tư cho các loại thiết bị thực hành: Máy điện cơ phải tốn từ 70 triệu - 80 triệu đồng hay như máy CNC (tiện và phay) điều khiển bằng chương trình số để cắt gọt kim loại có giá khoảng 500 triệu đồng... Năm 2010, Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ đầu tư gần 1 tỉ đồng cho ngành gia công cơ khí Hàn hiện đại.

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với Ban Giám hiệu Trường CĐ Nghề Cần Thơ vào đầu tháng 4-2010, theo bà Nguyễn Mỹ Loan, Hiệu trưởng trường, việc đầu tư cho các ngành nghề cơ khí rất tốn kém, phải tiêu tốn khoảng 60% chi phí về vật tư để học sinh thực hành. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo của trường, phân tích thêm: “Học sinh ngành Tin học có thể thực hành nhiều lần trên máy vi tính, nhưng học sinh ngành Hàn thực hành trên các phôi hàn, que hàn... một lần thì bỏ, nhất là hàn công nghệ cao- vật tư rất tốn kém. Nhưng, để đảm bảo chất lượng đào tạo, mỗi học sinh phải thực hành nhiều lần các nguyên vật liệu, mới thành thạo kỹ năng”.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu đặt ra cần phải có nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực cơ khí. Với yêu cầu đó, thời gian qua, các trường nghề trên địa bàn TP Cần Thơ đã cố gắng huy động nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, sự cố gắng đầu tư ấy không đem lại kết quả như mong muốn, các trường đều lâm vào tình cảnh: khó tuyển hoặc không tuyển được thí sinh cho các ngành: Hàn, Cắt gọt kim loại, Công nghệ sửa chữa ô tô... Kỳ tuyển sinh năm 2009, Trường CĐ Nghề Cần Thơ dành chỉ tiêu 60 sinh viên cho ngành Hàn nhưng chỉ có hơn 10 học sinh đăng ký vào học. Số lượng học sinh quá ít nên trường không mở được lớp. Ông Nguyễn Văn Đức nói: “Không mở được lớp, trường đành khuyến khích các em sang học những ngành nghề khác. Trong khi đó, nhiều đơn vị, công ty tuyển số lượng lớn công nhân ngành Hàn, Cắt gọt kim loại, thậm chí có nhiều chương trình ưu đãi như học sinh vào học được miễn giảm học phí, lo chỗ ăn ở,... Học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ được bố trí vào làm việc với mức lương ổn định nhưng vẫn không tuyển được người vào học. Cùng tình trạng này, ông Đinh Bạt Yêm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Công nghiệp Tàu thủy Hậu Giang, cho biết: “Trường trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam-VINASHIN, nên sau khi tốt nghịêp học sinh sẽ có việc làm ngay tại xưởng thực hành tại Khu công nghiệp Sông Hậu. Tuy nhiên, năm 2009, trường chỉ tuyển được 50% tổng chỉ tiêu tuyển 315 học sinh ngành Hàn vỏ tàu thủy và hàn điện dân dụng, Chế tạo và lắp ráp vỏ tàu thủy”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trường nghề tuyển không được thí sinh cho các ngành thuộc lĩnh vực cơ khí. Theo ông Lê Thái Dương, người lao động trong lĩnh vực cơ khí, nhất là Hàn, Tiện, thường làm việc trong môi trường độc hại, vất vả nhưng thu nhập và cơ hội thăng tiến không nhiều. Đó là nguyên nhân dẫn đến người lao động chưa “mặn mà” với các ngành nghề này. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều phụ huynh muốn cho con mình học đại học hoặc học một ngành nào đó nhẹ nhàng. Em Nguyễn Văn T. ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: “Thấy mình không đủ khả năng vào đại học nên em muốn học một nghề nào đó. Gia đình hướng em học nghề Hàn hoặc Cắt gọt kim loại, vì nhà có xưởng cơ khí, nhưng em không thích các ngành trên vì cực và độc hại”.

* Cần liên kết “3 nhà”

Để tháo gỡ khó khăn của các trường nghề, cũng như các nhà tuyển dụng lao động trong việc tìm nguồn lao động phục vụ cho lĩnh vực cơ khí, ông Lê Thái Dương cho rằng: “Các trường nên phối hợp với doanh nghiệp theo đơn đặt hàng đào tạo. Qua đó, trường có điều kiện gởi học sinh thực hành thực tập với các thiết bị hiện đại, cũng như giúp trường đào tạo kỹ năng nâng cao tay nghề học sinh theo nhu cầu doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhận học sinh vào làm cũng đúng theo yêu cầu như mong muốn. Các trường phổ thông, gia đình thí sinh, kể cả doanh nghiệp cần tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Nhất là doanh nghiệp- đơn vị nhận công nhân vào làm nên có chế độ thỏa đáng vì tính chất độc hại của công việc ở các ngành nghề này”.

Công bằng mà nói, chế độ thù lao công việc, môi trường làm việc,... ở đơn vị doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân người lao động. Hằng năm, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trung Anh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) là một trong các đơn vị nhận học sinh của các trường nghề đến thực hành, thực tập. Những học sinh có tay nghề và có nguyện vọng làm việc sẽ được Ban Giám đốc giữ lại làm công nhân. Hiện nay, có 6 công nhân là học sinh của Trường CĐ Nghề Cần Thơ làm việc tại doanh nghiệp này. Dự kiến tháng 5-2010, DNTN Trung Anh sẽ nhận thêm 5 học sinh tốt nghiệp Trường CĐ Nghề Cần Thơ. Theo ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc DNTN Trung Anh, ngoài mức lương hàng tháng, công nhân còn hưởng thêm tiền tăng ca, thêm giờ. Vào thời điểm ít hàng làm, nhu cầu cần nhân công ít, đơn vị tạo điều kiện cho công nhân luân phiên làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập trong một vài tháng. Tất nhiên, khoảng thời gian này, công nhân vẫn được hưởng 70% lương. Đây là một trong những cách làm để công nhân yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghịêp. Anh Hồ Minh Nhựt, có hơn 10 năm làm việc tại DNTN Trung Anh, cho biết: “Công việc, lương bổng ổn định, cộng với sự quan tâm nhiều mặt của Ban Giám đốc nên tôi yên tâm gắn bó lâu dài với công việc”.

********

Theo lãnh đạo các trường, doanh nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực đầu tư của các trường, định hướng nghề nghiệp của phụ huynh thì các đơn vị hữu quan cũng phải vào cuộc nhằm giúp học sinh “mặn mà” hơn với các ngành nghề cơ khí. Các cơ quan hữu quan nên giữ vai trò làm “cầu nối” giữa trường và doanh nghiệp trong liên kết đào tạo để hoạch định chiến lược nhu cầu cần nguồn nhân lực trong từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể. Có như thế, việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực cơ khí mới thực sự thoát khỏi tình trạng tốn kém đầu tư nhiều mà tuyển sinh chẳng được bao nhiêu như hiện tại.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết