20/04/2019 - 07:38

Cần giải pháp căn cơ phòng, chống bạo lực học đường 

Tìm kiếm trên Google, chỉ trong 0,31 giây có tới 28,7 triệu kết quả cho cụm từ “Bạo lực học đường” (BLHĐ). Làm gì để ngăn chặn tệ nạn này để đảm bảo an toàn trường học - đó là vấn đề được các chuyên gia, nhà giáo dục nhiều tỉnh, thành phố bàn luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường (hội nghị), do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức.

Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền. Ảnh: B.KIÊN

Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền. Ảnh: B.KIÊN

BLHĐ gia tăng, nghiêm trọng

Đó là nhận định chung của hầu hết đại biểu tham dự hội nghị vào ngày 17-4 vừa qua. Có những vụ việc gây chấn động dư luận và trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng của quốc gia như vụ nhóm nữ sinh ở Hưng Yên lột đồ đánh hội đồng bạn đến mức phải nhập viện tâm thần tại Hưng Yên vào cuối tháng 3-2019; hay gần đây là những vụ việc ở Nghệ An và Quảng Ninh.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, lo lắng: Tình trạng BLHĐ diễn biến phức tạp; an ninh, an toàn trường học chưa đảm bảo, gây tâm lý lo lắng bất an xã hội. Ông Bùi Văn Linh cho rằng tình trạng trên xuất phát từ việc xã hội nói chung ngày càng coi trọng yếu tố kinh tế hơn là xây dựng các nền tảng văn hóa, đạo đức; sự bùng nổ mạng xã hội với những nội dung lệch lạc về bạo lực, ứng xử giữa người và người. Trong khi, công tác chỉ đạo ở các địa phương chưa thường xuyên, sâu sát; thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình; hoạt động Đoàn, Đội, Hội chưa thiết thực, gần gũi để phản bác những quan điểm sai trái, cũng như chưa đủ hấp dẫn thu hút học sinh, sinh viên tham gia… Đại tá Phạm Mạnh Thường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết: Từ năm 2010 đến nay, khoảng 25% vụ phạm pháp hình sự có liên quan đến môi trường học đường, như: bạo lực giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh, giáo viên với giáo viên, phụ huynh với giáo viên.

Tại TP Cần Thơ, 3 năm trở lại đây, tình trạng BLHĐ trên địa bàn được hạn chế đáng kể, nhưng lãnh đạo ngành giáo dục không chủ quan. Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nói: “80% vụ học sinh đánh nhau xuất phát từ những đổi thay tâm lý của tuổi mới lớn. Năm 2019, thành phố có 1 vụ xảy ra cũng vì nguyên nhân này”.

Để phòng, chống BLHĐ không chỉ “trên giấy”

Đến nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành đến 25 văn bản về phòng, chống BLHĐ. Gần nhất, ngày 16-4-2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có Chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống BLHĐ trong cơ sở giáo dục. Thế nhưng, vẫn có dư luận trên báo chí rằng công tác này thực chất chỉ “trên giấy”, còn thực tế vẫn chưa chuyển biến.

“Giải quyết BLHĐ cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội”, ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh. Đại tá Phạm Mạnh Thường thì cho rằng: Nên tăng cường giáo dục đạo đức trong nhà trường để nâng cao năng lực, nhận thức cho học sinh, lan tỏa những gương người tốt việc tốt. Sắp tới, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu đối với từng địa phương, cấp học, vùng miền thực hiện các mô hình giáo dục phù hợp để hạn chế bạo lực học đường”.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, tình trạng BLHĐ diễn ra ở nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam và đã có nhiều giải pháp mà Việt Nam có thể học tập. Theo đó, nhiều quốc gia áp dụng các giải pháp phòng ngừa, như nâng cao tư duy phản biện, giá trị tự trọng cho học sinh để hạn chế hành vi bạo lực; phụ huynh cùng tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng giúp trẻ phòng vệ; tổ chức các chương trình can thiệp tập trung cho các nhóm học sinh có nguy cơ sử dụng bạo lực... Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, cho rằng: “Các trường cần xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, an toàn, bắt đầu từ việc đội ngũ thầy cô nêu cao nhận thức, tự thay đổi và rèn luyện đạo đức, tác phong sư phạm”.

Đồng thuận với ý kiến trên, trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho rằng: “Vai trò giáo viên rất quan trọng trong công tác này, bởi giáo viên - nhất là giáo viên chủ nhiệm - gắn bó thường xuyên, nắm bắt tâm lý học sinh. Đó là lý do ngành giáo dục Cần Thơ hằng năm tổ chức hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. Những thầy cô được công nhận giáo viên chủ nhiệm giỏi thì hầu như không có trường hợp bạo lực học đường xảy ra ở lớp họ chủ nhiệm”. Hiện 100% trường học của TP Cần Thơ đã thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; có tổ tư vấn tâm lý học đường và mỗi tổ đều có giáo viên chuyên trách được tập huấn về tâm lý học đường… Nhờ vậy, năm 2017 thành phố có 4 vụ học sinh đánh nhau, thì năm 2018 và quý I-2019 có 2 vụ. Ông Nguyễn Hữu Nhân thông tin thêm: “Ngành giáo dục thành phố cũng rất chú trọng các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống để tạo sự đoàn kết, gắn bó trong học sinh. Tùy vào thực tế, mỗi đơn vị trường học sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm, phong trào ngoại khóa, văn nghệ thể thao... nhằm tạo môi trường thân thiện, gắn kết giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên”.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu hiến kế đảm bảo an toàn trường học. Theo đó, quan trọng nhất là phải có sự nêu cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vấn đề này, từ đó mới huy động tất cả nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống BLHĐ. Cần truyền thông để xã hội hiểu trách nhiệm đảm bảo an toàn trường học không chỉ của ngành giáo dục, mà còn thuộc về từng gia đình - môi trường giáo dục đầu tiên của học sinh. Một vấn đề căn cơ hơn cũng được nêu ra là phòng, chống BLHĐ cũng nên xuất phát từ việc chống bệnh thành tích, tránh tình trạng vì thành tích mà giấu hoặc không xử lý tận gốc những vụ việc xảy ra, để rồi bạo lực học đường âm thầm tràn lan. Cũng có ý kiến cho rằng BLHĐ đôi khi xuất phát từ những tiêu cực như: nâng điểm vì thành tích, chạy điểm... cho nên cần tăng cường các giải pháp đảm bảo sự minh bạch trong môi trường học đường.

***

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Bộ sẽ rà soát, bổ sung các văn bản thi hành Luật Giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; quy tắc ứng xử, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đội ngũ nhà giáo để mỗi thầy cô cũng là nhà tâm lý. Các sở giáo dục cần xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện; tăng cường phối hợp sở, ban, ngành trong phòng, chống BLHĐ.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết