13/12/2010 - 20:24

GIÁO DỤC MẦM NON Ở TP CẦN THƠ

Cần được sự đầu tư lớn

Học sinh Trường Mầm non thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai trong giờ ăn trưa.

Những năm gần đây, bậc học mầm non ở TP Cần Thơ đã được quan tâm nhiều hơn. Nhiều trường mầm non được xây dựng mới khang trang, đạt chuẩn quốc gia, hàng loạt trường khác cũng được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư đó vẫn chưa theo kịp sự phát triển của bậc học này…

Trường Mẫu giáo Trường Xuân A được thành lập từ năm học 2003-2004, sau khi tách xã Trường Xuân (cũ) thành xã Trường Xuân A và Trường Xuân B, huyện Thới Lai. Cơ sở đầu tiên của trường là điểm lẻ có một phòng học được xây dựng bằng cây, tôn do Ban Giám hiệu vận động phụ huynh xây dựng trên nền đất mượn của một giáo viên trong trường. Sau một thời gian hoạt động, số lượng học sinh ngày càng đông, trường phải mở rộng thêm các phòng học. Hiện tại, điểm chính của Trường Mẫu giáo Trường Xuân A có 3 phòng học cấp 4, mỗi phòng khoảng 16m2 . Điều đặc biệt là cả 3 phòng học này đều do một giáo viên trong trường cho mượn để tổ chức lớp học. Điểm chính đã vậy, 5 điểm lẻ của trường cũng mượn của phụ huynh, mượn nhà dân và mượn cả nhà của mẹ chồng hai giáo viên trong trường để tổ chức lớp học. Hơn 300 cháu ở Trường Mẫu giáo Trường Xuân A đều phải học nhờ, học trong những phòng học tạm bợ. Với cơ sở vật chất nhỏ hẹp, chật chội, thiếu đồ dùng dạy học, thiếu trang thiết bị như thế liệu giáo viên có thể thực hiện được việc giảng dạy thật tốt, thực hiện đúng chương trình?

Ở trường vùng ven đã vậy, trường trung tâm huyện, thị trấn cũng không khá hơn. Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ mỗi ngày đều phải chịu cảnh quá tải, bởi số lượng học sinh đông, cơ sở vật chất chật hẹp, cũ kỹ. Khuôn viên trường chính là nhà đèn (cũ) chỉ với hơn 300m2 nằm kẹt giữa khu dân cư của thị trấn Cờ Đỏ. Khoảnh sân nhỏ hẹp cũng được trường tận dụng làm phòng học, làm phòng ăn, các cháu thiếu nơi thể dục, thiếu sân chơi... và tình trạng này đã xảy ra nhiều năm. Chị Nguyễn Thị Hòa, nhà ở thị trấn Cờ Đỏ, nói: “Tôi mua bán suốt ngày nên muốn gởi con vào học bán trú nhưng nhìn trường lớp như vậy thấy không an tâm, đành thuê người ở nhà giữ cháu. Nhưng khi cháu 5 tuổi cũng phải cho đi học, nghĩ đến là rầu rồi!”. Hoàn cảnh tương tự như Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ là Trường Mầm non thị trấn Thới Lai. Trường quá tải đến mức có phòng học phải tổ chức 2 lớp, lớp này học trong phòng thì lớp kia học ở hành lang. Giải pháp 2 lớp học chung phòng cũng được Trường Mẫu giáo Thới Hòa, quận Ô Môn thực hiện, bởi điểm chính của trường chỉ có 3 phòng học nhưng có đến 5 lớp. Trong khi các cháu mẫu giáo 5 tuổi phải được học 2 buổi/ ngày. Vì vậy, trường phải ghép lớp Lá 1 và lớp Lá 3 vào một phòng, lớp nhà trẻ và lớp mầm học cùng nhau. Theo cô Ngô Thị Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thới Hòa thì việc học chung sẽ rất bất tiện, bởi giáo viên dạy các tiết khác nhau sẽ ảnh hưởng đến học sinh ở 2 lớp. Tuy nhiên, đây là giải pháp bắt buộc trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn như hiện nay của trường.

Ninh Kiều và Bình Thủy là quận trung tâm của thành phố. Những năm gần đây, trên địa bàn 2 quận này có hàng loạt trường mầm non được xây dựng mới, như: Mầm non Phong Lan (đạt chuẩn mức độ 2) ở quận Bình Thủy; Mầm non Hoa Cúc, Sơn Ca, Thới Bình... ở quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, trên địa bàn 2 quận này vẫn còn hàng loạt trường nhỏ hẹp không đáp ứng được yêu cầu, như: Trường Mẫu giáo Long Hòa (quận Bình Thủy), Mầm non An Phú (quận Ninh Kiều) đang học nhờ chờ xây dựng mới... Vì vậy, các trường mầm non, mẫu giáo công lập trên địa bàn không thể đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh. Chị Trần Thị Thảo, nhà ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, đến gởi con ở Nhà trẻ Ánh Dương, quận Bình Thủy, nói: “Ở phường Long Hòa không thể gởi bán trú được nên tôi phải đi hơn 5km ra tận đây để gởi cháu để hai vợ chồng mới có thể cùng đi làm được”. Tại quận Bình Thủy, các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình đã và đang giải quyết hơn 50% trẻ học mầm non, mẫu giáo trên địa bàn quận.

Trường lớp bậc học mầm non đang thiếu thốn. Thế nhưng ở các trường đạt chuẩn quốc gia, do áp lực về chỉ tiêu số lượng nên hầu hết các trường đều không dám nhận nhiều học sinh. Nhiều phụ huynh ở phường An Khánh, An Bình (quận Ninh Kiều), hay An Thới (quận Bình Thủy)... rất bức xúc bởi con em không thể vào các trường này học vì số lượng nhận trẻ hạn chế. Trong khi đó, các trường công lập khác nhỏ hẹp, cũ kỹ hay các nhóm trẻ gia đình tạm bợ luôn phải quá tải vì có quá đông học sinh do nhu cầu gởi con của phụ huynh rất lớn. Thực tế cho thấy ở TP Cần Thơ hiện nay, bậc học mầm non ở vùng ven hay ở trung tâm thành phố đều thiếu thốn, tạm bợ. Trường mầm non, mẫu giáo ở vùng ven, xa trung tâm thì học nhờ, học gởi. Trẻ ở trung tâm quận, huyện, thành phố thì dồn vào học ở những trường công lập cũ kỹ, các trường tư thục, các nhóm trẻ gia đình quá tải...

Năm 2010, năm đầu tiên trong giai đoạn 5 năm của “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015” - đã hết. Thời gian còn lại, liệu hàng loạt trường cần phải xây dựng mới để đáp ứng đủ nhu cầu cho bậc học mầm non có thực hiện được?

Bài, ảnh: HÀ THANH

 

Chia sẻ bài viết