30/01/2013 - 22:07

Tuyên truyền “tam nông” trên báo Đảng

Cần đưa nguyện vọng của nhân dân vào nghị quyết

(CT)- Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách để đưa nghị quyết “tam nông” vào cuộc sống, các báo Đảng cũng nên chú ý đưa ý nguyện của người dân vào nghị quyết. Đây là cách làm hữu hiệu nhất để nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống. Đó là một trong những đúc kết tại hội thảo “Đẩy mạnh tuyên truyền trên báo Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là “tam nông”) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do  Tạp chí Cộng sản phối hợp cùng UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức vào sáng 30-1 tại tỉnh Hậu Giang.

Các ý kiến tại hội thảo một lần nữa khẳng định “tam nông” là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước có tầm chiến lược quan trọng. Quá trình phát triển “tam nông” ở ĐBSCL đã và đang góp phần to lớn vào việc tạo dựng cơ sở vật chất, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều yếu kém cần phải có giải pháp khắc phục như: tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn cao, vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, kỹ thuật canh tác, vấn đề thủy lợi hóa, giống cây trồng, vật nuôi, vấn đề sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm... Trong định hướng phát triển, vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển. Xây dựng ngành thủy sản vùng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, có quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao. Phát triển mạnh dịch vụ; du lịch vùng thành ngành kinh tế then chốt; chủ động hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước, trước hết là các nước Đông Nam Á.

Để đạt theo định hướng này, công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên báo Đảng là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Định hướng của công tác tuyên truyền trước hết là làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức thật đúng và hiểu thật rõ về tiềm năng, lợi thế phát triển của toàn vùng. Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các ngành, các cấp và toàn bộ hệ thống chính trị những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, vấn đề phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ giai cấp nông dân, xây dựng nông thôn mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng về sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Đây là 3 lĩnh vực định hướng phát triển nông nghiệp ĐBSCL không tách rời với sự phát triển chung của cả nước.

Hệ thống báo Đảng phải làm cho cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đặc biệt là giai cấp nông dân - chủ thể của quá trình phát triển - nhận rõ phát triển nông nghiệp phải gắn chặt với việc ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại, phải lấy công nghiệp hóa nông nghiệp làm đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển, tất cả phải được diễn ra trong một môi trường hiện đại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo Đảng là góp phần định hướng phát triển, nâng cao nhận thức, huy động và khai thác tổng hợp các nguồn lực, động viên và cổ vũ các tầng lớp nhân dân xây dựng nông nghiệp, nông thôn, nông dân trở thành thành trì vững chắc của chủ nghĩa xã hội trên con đường đổi mới vì một Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh… Nhà báo - nói chung và những người công tác trong cơ quan báo Đảng nói riêng cần có “cái tâm”, phản ánh đúng bản chất của sự việc; đồng thời, phải biết chắt lọc thông tin nhằm định hướng tuyên truyền, phản ánh một cách trung thực những bất cập, hạn chế của chủ trương chính sách… nhằm hướng tới mục tiêu góp phần phát triển nền nông nghiệp, nông thôn bền vững…

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết