11/09/2015 - 09:10

Cơ chế, chính sách cho tín dụng phục vụ phát triển vùng ĐBSCL

Cần đột phá mới

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều năm qua, ngành ngân hàng đã tập trung nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng của nhiều ngân hàng, nhất là các hoạt động tài trợ vốn cho nông nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển còn nhiều khó khăn. Tín dụng phục vụ phát triển vùng ĐBSCL, nhất là vốn tín dụng phát triển ngành kinh tế chủ lực: nuôi trồng - sản xuất - xuất khẩu lương thực, thủy sản đòi hỏi có đột phá mới cả về cơ chế, chính sách và các hướng dẫn triển khai các chính sách mang tính trợ lực trong tình hình mới.

*Chính sách mang tính trợ lực

Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết: Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường. Cụ thể: NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, như: ưu tiên trong tái cấp vốn và thực hiện giảm dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên. NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai thực hiện miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, kéo dài thời hạn thực hiện quy định cho phép các TCTD được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn... Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ (hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa là 7%/năm).

Đại diện BIDV và đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải ký thỏa thuận nghiên cứu đầu tư công tư triển khai dự án kênh Quan Chánh Bố.

Ngoài ra, NHNN còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tích cực Chương trình kết nối giữa ngân hàng -doanh nghiệp (DN) trên phạm vi toàn quốc để trao đổi, nắm bắt thông tin và kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ DN tiếp cận có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh các chính sách chung, NHNN phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của khu vực ĐBSCL. Điển hình như: Chương trình cho vay thí điểm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,5-10%/năm và mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn. Chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá lúa trong thời kỳ thu hoạch. Các chính sách tín dụng như: hỗ trợ người nuôi tôm, cá tra gặp khó khăn không trả được nợ ngân hàng; hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; tín dụng phục vụ phát triển thủy sản, khai thác hải sản xa bờ...

*Kết quả đáng khích lệ

Với những trợ lực từ chính sách, hoạt động ngân hàng khu vực ĐBSCL những năm qua đạt được kết quả đáng khích lệ. Huy động vốn luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước và chiếm khoảng 6,5% tổng vốn huy động của nền kinh tế. Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư trở lại cho sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.

Theo NHNN, đến 30-6-2015, huy động vốn của cả vùng ước đạt 295.000 tỉ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm 31-12-2014. Dư nợ cho vay của các TCTD cùng thời điểm này đạt khoảng 360.000 tỉ đồng, tăng 5,23% so với 31-12-2014, chiếm gần 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm gần 70%, dư nợ trung dài hạn chiếm trên 30%. Đến 30-6-2015, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn vùng đạt khoảng 165.000 tỉ đồng, tăng gần 3,12% so với cuối năm 2014, chiếm 21%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 46% tổng dư nợ của vùng. Dư nợ cho vay nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm đến 30-6-2015 đạt khoảng 22.500 tỉ đồng, tăng 2,15% so với 31-12-2014. Dư nợ cho vay nuôi, thu mua, chế biến cá tra đạt khoảng 18.500 tỉ đồng, tăng 1,09% so với cuối năm 2014. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 14/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2-2014, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, NHNN đã phê duyệt cho 28 DN với 31 dự án của 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình. Riêng khu vực ĐBSCL có 10 DN thực hiện 10 dự án tại TP Cần Thơ và 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Trong đó có 7 DN liên kết cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, 2 DN có chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu thủy sản, 1 DN có dự án liên kết sản xuất rau an toàn. Tổng số tiền cam kết cho vay lên đến 3.587 tỉ đồng, chiếm gần 64% tổng số tiền các NHTM cam kết cho vay theo chương trình, giải ngân đạt 3.434 tỉ đồng và dư nợ đến 30-6-2015 đạt 1.620 tỉ đồng (chiếm hơn 80% tổng dư nợ của chương trình trên toàn quốc). Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - DN, các TCTD ở ĐBSCL đã cam kết cho các DN vay 37.000 tỉ đồng, chiếm 13,7% tổng số tiền cam kết cho vay theo chương trình của TCTD trên toàn quốc. Dư nợ của 2.350 DN theo chương trình này đến 30-6-2015 đạt trên 22.000 tỉ đồng.

Kết quả trên, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận định: Nguồn vốn ngân hàng đã làm thay đổi diện mạo của khu vực ĐĐSCL thông qua việc đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối vùng với cả nước. Trong đó, các công trình tiêu biểu như Dự án sân bay Cần Thơ, cầu Cần thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu… Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã hình thành, phát triển thành vùng chuyên canh, từng bước gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu... Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản vùng ĐBSCL phát triển nhờ ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - công nghệ làm tăng năng suất, chất lượng.

*Cần đột phá mới

Nhiều ý kiến cho rằng, từ nỗ lực của ngành ngân hàng, đồng vốn tín dụng đã dần đi vào lĩnh vực sản xuất, góp phần khai thác khá tốt thế mạnh của vùng ĐBSCL. Tuy vậy, trên thực tế, chính sách tín dụng cho khu vực ĐBSCL vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, cho rằng: Huy động vốn của các TCTD vùng ĐBSCL chỉ đáp ứng 60-70% nhu cầu nguồn lực dành cho nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, các TCTD phải chủ động điều động vốn từ các địa phương khác để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng. Đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Nguồn lực nhà nước dành để xử lý rủi ro cho nông nghiệp còn thấp, chưa có cơ chế rõ ràng, chủ yếu là xử lý vụ việc xảy ra. Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai thí điểm nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng. Vai trò của các hợp tác xã, DN tại địa phương trong việc phát triển kinh tế còn hạn chế, liên kết trong sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ, dẫn đến các TCTD rất khó khăn trong kiểm soát dòng tiền của khách hàng, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của các TCTD… Tất cả những vấn đề trên, đòi hỏi có đột phá mới về cơ chế, chính sách cũng như các hướng dẫn triển khai những chính sách tín dụng mang tính trợ lực.

Theo ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, trước tiên, NHNN chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ- CP ngày 9-6-2015 thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bởi "Nghị định 55 là hệ thống chính sách đồng bộ với những giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ các DN và người dân mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, các quy định hỗ trợ phát triển mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Nghị định được kỳ vọng là một trong những giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp ĐBSCL và cả nước" - ông Võ Minh Tuấn cho biết. Nhiều ý kiến cho rằng, nên xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và nuôi, trồng, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và trái cây nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên. Ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này trong khu vực ĐBSCL. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đề nghị: Chính phủ tiếp tục có cơ chế đặc thù đối với ĐBSCL để tạo điều kiện cho khu vực này huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa (thông qua các hình thức hợp tác BT (xây dựng chuyển giao), BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao), PPP (đối tác công tư)…), vốn tín dụng ưu đãi, vốn ODA, tín dụng phát triển hằng năm của NHNN… Bên cạnh đó, các cơ quan sự nghiệp có nguồn vốn nhàn rỗi tạm thời, như: Kho bạc Nhà nước các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các ngân hàng về nguồn vốn, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

"Chính phủ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm nhằm tạo ra sự lan tỏa trong khu vực, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương và cả vùng ĐBSCL. Đặc biệt là sớm triển khai đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vì đây là công trình cấp bách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL" - ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đề xuất.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết