30/05/2013 - 22:39

XÂY DỰNG KHU KINH TẾ PHÚ QUỐC

Cần đòn bẩy từ chính sách

Cảng bãi Vòng, Phú Quốc.

Ngày 22-5-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 31/2013/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là khu kinh tế ven biển, bao gồm toàn bộ huyện đảo Phú Quốc, diện tích tự nhiên 58.923ha. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10-7-2013. Đây là đòn bẩy để xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế, kết nối giao thương quốc tế. Song, để làm được điều này cần sự đồng thuận, nhập cuộc quyết liệt từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Nhiều điểm “nghẽn”

Vừa qua, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tổ trưởng Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển huyện đảo Phú Quốc (gọi tắt là tổ công tác), cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đánh giá những kết quả trong việc thực hiện quyết định của Chính phủ về xây dựng và phát triển huyện đảo Phú Quốc. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Phong Quang cho biết việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc vẫn chưa xong, tổ công tác và địa phương còn lúng túng trong phối hợp để tháo gỡ khó khăn về xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết nút thắt về vốn đầu tư hạ tầng… Những vướng mắc này cần sớm tháo gỡ và đề xuất về Trung ương ban hành cơ chế đặc thù trong xây dựng đặc khu hành chính Phú Quốc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, hiện tổng số dự án được chấp thuận chủ trương còn hiệu lực trên địa bàn huyện Phú Quốc là 202 dự án, diện tích 8.902ha. Trong đó, 81 dự án (diện tích 3.815ha) được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với  tổng vốn đầu tư 88.468 tỉ đồng. Tổng số đồ án quy hoạch được phê duyệt và còn hiệu lực là 34 đồ án quy hoạch 1/2000 với tổng diện tích 7.749ha và 143 đồ án quy hoạch 1/500 tổng diện tích 5.187,4 ha. Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tổ phó Tổ công tác cho biết: “Phú Quốc đang cần nguồn vốn lớn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hiện vốn ứng của Chính phủ đã bố trí hết cho các công trình, dự án, nhưng nhiều công trình thi công dở dang, thiếu vốn nên nằm chờ. Hiện nhiều nhà đầu tư đề nghị tỉnh bỏ vốn để giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, nhưng tỉnh không có vốn, nên đang kêu gọi nhà đầu tư khác”.

Hiện nhiều công trình trọng điểm trên đảo đang gặp khó do thiếu vốn, vướng quy hoạch, giải phóng mặt bằng… nên tiến độ chậm. Cụ thể như: Dự án nâng cấp Cảng cá An Thới tổng vốn đầu tư trên 62,4 tỉ đồng, giá trị khối lượng thực hiện đến nay mới đạt hơn 19,12 tỉ đồng (đạt 30,63% so với tổng mức đầu tư); Dự án đê chắn sóng và nạo vét luồng cửa sông Dương Đông tổng mức đầu tư hơn 129,2 tỉ đồng, giá trị khối lượng thực hiện khoảng 66 tỉ đồng, đạt 51,13% so với tổng mức đầu tư. Hệ thống giao thông đường bộ gồm: Đường trục chính Nam - Bắc đảo Phú Quốc chiều dài 51,5km, tổng mức đầu tư trên 2.468,6 tỉ đồng, giá trị khối lượng thực hiện đạt hơn 50,51% so với tổng mức đầu tư; đường vòng quanh đảo Phú Quốc chiều dài 99,5 km, tổng mức đầu tư gần 3.011,8 tỉ đồng, khối lượng thực hiện đạt 24,61% so với tổng mức đầu tư. Về Dự án cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc tổng mức đầu tư hơn 2.345 tỉ đồng (tương đương 90 triệu USD), mới thực hiện đạt 0,18% so với tổng mức đầu tư. Dự án cấp nước Phú Quốc công suất 16.500m3/ngày, tổng mức đầu tư 296,7 tỉ đồng triển khai trong 5 năm (2010-2015), nhưng mới phê duyệt thiết kế - dự toán các gói thầu của dự án; giá trị khối lượng thực hiện mới đạt 1,26% so với tổng mức đầu tư...  Ngoài khó khăn về vốn thì tiến độ quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết xây dựng, thủ tục cấp chứng nhận đầu tư, lập phương án bồi thường - hỗ trợ, tái định cư, đánh giá tác động môi trường của một số dự án quá chậm, gây bức xúc cho một bộ phận dân cư trong khu vực dự án; một số nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án, phải thu hồi chủ trương đầu tư...

Đòn bẩy từ chính sách

Theo đánh giá của các thành viên Tổ công tác, dù còn nhiều khó khăn trong tiến trình xây dựng Phú Quốc, nhưng những quyết định từ Trung ương về lộ trình xây dựng, phân bổ vốn… khi triển khai sẽ gỡ được những nút thắt trên. Hiện tỉnh Kiên Giang đang phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương và Tổ công tác, đơn vị tư vấn chuẩn bị đề cương, dự toán nâng cấp đô thị, thành lập thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết sẽ trình 2 đề án này lên Chính phủ trong năm 2013. Tổ công tác cũng đang gấp rút hoàn chỉnh đề án xây dựng cơ chế đặc thù cho Phú Quốc. Mặt khác, Quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Khu kinh tế Phú Quốc gồm toàn bộ huyện đảo Phú Quốc với các đô thị: thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và 8 xã: Cửa cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu và xã Hòn Thơm. Chính phủ đã quyết định Phú Quốc là Khu kinh tế ven biển ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư, đây là đòn bẩy để Tổ công tác nghiên cứu đề xuất vốn đầu tư cho Phú Quốc theo từng giai đoạn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Đường giao thông Nam- Bắc vòng quanh đảo, cảng biển An Thới là 2 công trình lớn đều sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ là thuận lợi lớn để thúc đẩy tiến trình hoàn thiện hạ tầng giao thông cho huyện đảo. Hiện Cảng hàng không quốc tế Dương Tơ đã kết nối với Hà Nội, Cần Thơ và Bộ đang nghiên cứu để kết nối thêm một số cảng hàng không quốc tế trong khu vực, tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển giao thương, thu hút đầu tư. Hiện một số dự án đang khó khăn về vốn, chậm so kế hoạch, nhưng cơ bản đúng thiết kế. Thời gian tới, công tác quy hoạch giao thông trên huyện đảo cần chú trọng đến kết nối vận tải, thân thiện môi trường. Đồng thời, tập trung xây dựng đường vòng quanh đảo để thúc đẩy đầu tư trên địa bàn huyện; quy hoạch vận tải công cộng, nhất là ở các khu du lịch, tạo cho du khách cảm giác an toàn khi đến tham quan du lịch. 

Hiện tỉnh Kiên Giang đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cân đối vốn, ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để đầu tư hạ tầng thiết yếu cho Phú Quốc. Đề nghị Bộ Tài chính cho tỉnh tạm ứng vốn nhàn rỗi, từ năm 2014 trở đi mỗi năm ứng từ 1.200- 1.400 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng thiết yếu cho khu phức hợp Bãi Trường (1.200ha) theo phương thức gối đầu (năm thứ 3 sẽ trả vốn ứng năm thứ nhất). Nguồn trả nợ thu từ đất (trong phương án cân đối tài chính: chi phí đầu tư tương đương 8.000 tỉ đồng trong 5 năm; thu từ đất giao nhà đầu tư 8.600 tỉ đồng, trả nợ trong 7 năm). Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết Bộ sẽ tham gia cùng Tổ công tác để tham mưu vấn đề lập kế hoạch vốn, phân bổ vốn đầu tư cho Phú Quốc…  

Ông Văn Hà Phong, Bí thư huyện đảo Phú Quốc cho rằng, cái khó của huyện đảo đã được Tổ công tác đánh giá xác đáng, vấn đề còn lại là cần có cơ chế đặc thù để khơi dậy tiềm năng, phát triển đảo Phú Quốc thời gian tới. Ông Phong đề nghị Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc (làm nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ) cần tổ chức họp 6 tháng 1 lần để đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và có đề xuất sát thực tiễn hơn đối với Phú Quốc.

Đồng tình vấn đề này, các thành viên của Tổ công tác thống nhất cần định thời gian họp, có chủ đề cụ thể để sớm đưa ra cơ chế đặc thù cho Phú Quốc. Trước mắt là tập trung xây dựng 2 đề án nâng cấp đô thị và thành lập thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh trình Chính phủ.

Gia Bảo

 

Chia sẻ bài viết