23/08/2024 - 12:53

Cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng, nâng cao tĩnh không các cầu 

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) được triển khai thực hiện với mục tiêu sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến; đồng thời nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa giữa khu vực ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh cũng như các cụm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ và ngược lại. Tuy nhiên, tại các điểm cầu được xây dựng cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để công trình xây dựng hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.

Cầu tạm Ô Môn được tập trung xây dựng phục vụ Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia - giai đoạn 1.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia - giai đoạn 1 được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 2.155 tỉ đồng, thực hiện hoàn thành năm 2025. Dự án được đầu tư xây dựng 11 cầu, trong đó xây mới 9 cầu, cải tạo 1 cầu, tháo dỡ 1 cầu trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang và Vĩnh Long. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 1-2024, do Ban quản lý các dự án đường thủy (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy; đảm bảo an ninh - quốc phòng các tỉnh, thành ĐBSCL và phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy tại vùng… Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, nhấn mạnh: “Đây là dự án đầu tư vào cầu đường bộ nhưng lại phục vụ mục tiêu chính cho việc phát triển đường thủy nội địa. Vì hiện trạng các cây cầu trên đều có điều kiện hạn chế về tĩnh không thông thuyền cả chiều đứng lẫn chiều rộng, khiến phương tiện thủy lưu thông gặp nhiều khó khăn, mất an toàn, đặc biệt là các phương tiện chở container… Quyết tâm của Bộ GTVT là làm sao đẩy nhanh tiến độ dự án này đến năm 2025 đưa đồng bộ 11 cây cầu vào khai thác cùng với Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, mở rộng hành lang logistics tạo thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông… Chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công cần quan tâm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giao thông đường bộ, đường thủy dưới dạ cầu, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống người dân lân cận dự án…”.

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia - giai đoạn 1 được chia làm 2 gói thầu xây lắp, gồm: CĐT-XL01 (xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng; tháo dỡ cầu Măng Thít đã triển khai thực hiện đầu năm 2024). Gói thầu CĐT-XL02 thuộc địa bàn TP Cần Thơ và có 5 cầu nằm trong dự án, gồm: cầu Ô Môn, Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận và Vàm Xáng - Thị Đội, với tổng giá trị hợp đồng gần 400 tỉ đồng. Hiện tổng khối lượng thi công ước đạt trên 3,8%. Tuy nhiên, hiện nay có tới 3 cầu còn chưa giao được mặt bằng, gồm cầu Thới Lai, Đông Thuận và Đông Bình ở huyện Thới Lai.

Theo báo cáo của UBND huyện Thới Lai, tổng diện tích đất cần thu hồi cho 3 cầu trên gần 28.800m2. Trong đó, cầu Thới Lai hơn 13.000m2, cầu Đông Thuận gần 9.500m2 và cầu Đông Bình hơn 6.300m2. Có tổng cộng 130 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó thị trấn Thới Lai 89 hộ, xã Đông Thuận 26 hộ và Đông Bình 15 hộ. Hiện địa phương đã thực hiện xong đo đạc, kiểm kê, xét pháp lý 129/130 hộ. Theo đánh giá tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng của các cầu trên còn chậm do vướng một số quy định ở Luật Đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất… Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ GTVT về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án trên, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu huyện Thới Lai tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ dân bị ảnh hưởng sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết thành phố đặt ra mục tiêu đến 15-9-2024 phải cơ bản bàn giao mặt bằng ở 3 cầu trên cho đơn vị thi công. Tối thiểu mặt bằng được giao phải đủ cho nhà thầu thi công theo hình thức cuốn chiếu. Đối với việc di dời hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các đơn vị điện, nước, viễn thông có báo cáo về huyện, UBND thành phố những khó khăn, đề xuất, kiến nghị và có cam kết về tiến độ thực hiện di dời…

Ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy (chủ đầu tư dự án) thuộc Bộ GTVT, cho biết mặt bằng ở 3 vị trí cầu trên phải được bàn giao tối thiểu trước ngày 15-9 mới đủ thời gian để nhà thầu thi công. Có mặt bằng, nhà thầu mới có thể tập trung thiết bị, xây dựng mố cầu... Chủ đầu tư dự án cũng đã cùng địa phương đến vận động từng hộ dân bị ảnh hưởng bàn giao mặt bằng trong suốt thời gian qua. Hiện cầu Đông Thuận đã tập trung được một số thiết bị, dựng lán trại, nhưng vẫn cần mặt bằng tối thiểu để có thể thi công...

Riêng, đối với tiến độ xây dựng cầu Ô Môn được đánh giá chậm khoảng 60 ngày do mặt bằng không đáp ứng được kế hoạch. Đến nay, UBND quận Ô Môn đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho 73/85 hộ và 2 tổ chức với tổng số tiền 22,6 tỉ đồng. Thực hiện chi trả cho 58/73 hộ và 2 tổ chức với số tiền gần 12,1 tỉ đồng. Còn 11 trường hợp vướng mắc do chưa đồng ý với đơn giá bồi thường và một trường hợp đang tranh chấp chờ tòa án giải quyết. Cầu Ô Môn khởi công vào ngày 8-4-2024 và đã bàn giao khoảng 30% diện tích mặt bằng. Hiện nhà thầu đang thi công cọc thép của cầu tạm trên toàn bộ diện tích mặt bằng được bàn giao; thép phục vụ thi công cầu dầm tạm đang được gia công cơ khí tại nhà máy…

Tại buổi làm việc với TP Cần Thơ về tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia - giai đoạn 1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang thống nhất với TP Cần Thơ về giải pháp thúc đẩy giải phóng mặt bằng các cầu trên; đồng thời mong muốn địa phương nỗ lực để bàn giao mặt bằng trước 15-9. Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường thủy có báo cáo hằng ngày về tiến độ mặt bằng. Mốc thời gian 15-9 có mặt bằng thi công là Bộ GTVT và chủ đầu tư đã tính toán hết mức, đây có thể xem là cơ hội cuối để triển khai 3 cây cầu trên, vì dự án đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn và đến hết năm 2025 nếu dự án chưa hoàn thành thì đồng nghĩa không giải ngân vốn được nữa… Đối với công trình cầu Ô Môn, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu đơn vị thi công cần đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình thi công, nhất là tạo lối đi tạm đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại trên những tuyến đường dân sinh hai bên cầu. Nhà thầu thi công tập trung nhân lực, sẵn sàng máy móc thiết bị, quyết tâm xây dựng cầu Ô Môn vì đầu tháng 9 sẽ có thêm mặt bằng để thi công cầu tạm và đến hết tháng 9 phải xong cầu tạm để phục vụ thực hiện dự án trên…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết