26/04/2016 - 20:36

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Trường Đại học Cần Thơ:

Cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, liên kết sản xuất

 

Những tác động hạn, xâm nhập mặn (XNM) ở ĐBSCL vừa qua không chỉ làm tổn thất nhất thời ở nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ven biển mà còn khả năng gây hệ lụy kéo dài đến hệ thống canh tác. Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL-Trường Đại học Cần Thơ có một số ý kiến xoay quanh những mô hình chuyển đổi sản xuất thích nghi, phát huy lợi thế kinh tế.

 Hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL cao điểm như năm nay và những hệ lụy đã thấy, ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?

- Qua các dự án nghiên cứu của Úc về tương lai sông Mê Công chúng tôi có tham gia, theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) khác nhau. Đến năm 2050 với kịch bản nước biển dâng 30 cm, diện tích lúa ĐBSCL bị ảnh hưởng 50.000 ha, có thể thiệt hại mất trên 100.000 tấn lúa. Tuy nhiên khi đưa vào tình huống thời tiết cực đoan, theo chuỗi số liệu 20 năm, nước kiệt xảy ra 7 năm/lần và nếu XNM tăng lên đến 10 lần và có khả năng gây tổn thất tới 1 triệu tấn lúa. Đối với BĐKH chuyển biến chậm, nhưng trước thời tiết cực đoan chúng ta trở tay không kịp.

Theo bản đồ hạn mặn diễn ra của Tổng Cục Thủy lợi, XNM chủ yếu từ hướng biển Đông vào các cửa sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu. Hướng biển Tây từ sông Cái Lớn, sông Cái Bé, XNM chủ yếu ở hai huyện An Biên, Gò Quao (Kiên Giang). Thiệt hại nặng nhất là vùng lúa sản xuất 3 vụ, vùng lúa-tôm. Ở Bạc Liêu, Cà Mau cuối mùa mưa kết thúc sớm XNM sớm gây thiệt hại lúa đông xuân. Riêng vụ xuân hè trên đất lúa 3 vụ bị ảnh hưởng vì hạn, mặn có thể nhận thấy như ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Hạn, mặn và triều cường đều gây bất lợi lên vườn cây ăn trái. Nếu độ mặn tăng cao thì nuôi thủy sản như tôm nước lợ gặp khó.

 Vừa qua một số mô hình chuyển đổi sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu đạt kết quả ra sao, thưa ông?

- Qua dự án nghiên cứu về tài nguyên nước bền vững ở vùng nông thôn năm 2011-2012 ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, chúng tôi nhận thấy nông dân độc canh cây lúa ở những vùng canh tác lúa nhờ vào nước trời như ở một vài xã huyện Châu Thành (Trà Vinh) hay Trần Đề, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) làm lúa 3 vụ… hiệu quả kinh tế không cao. Nông dân thu nhập thấp, nghèo. Đến tình hình hạn, mặn gay gắt như năm nay có thể nhận thấy rõ không thể bằng mọi giá phải làm lúa, giữ đất lúa mà cần có sự đánh giá, xem lại. Tuy đã có một số mô hình chuyển đổi vừa qua như: lúa-rau qui mô sản xuất nhỏ lẻ, nội tiêu thì được. Mô hình trồng mè, bắp ở Bạc Liêu thành công nhưng không mở rộng được diện tích lớn hơn. Vùng "lấn cấn ngọt, lợ" khó làm lúa 2 vụ mà có thể chuyển đổi, chỉ làm lúa một vụ nâng cao chất lượng gạo ngon.

Như vậy nếu nông dân không trồng lúa thì làm gì? Ở vùng đất thấp, rủi ro hạn mặn cao trên 4-6 tháng không bị ảnh hưởng phèn có thể chuyển đổi sang vùng lúa-tôm. Vùng lợ có thể chọn trồng cây ăn trái thích nghi như: dừa, mãng cầu, sơ ri…

 Theo ông, muốn chuyển đổi cơ cấu sản xuất và hệ thống canh tác thích ứng cho từng tiểu vùng ở ĐBSCL, đâu là điều kiện mấu chốt?

- Ở vùng trồng cây ăn trái cần có hệ thống công trình thủy lợi. Trung ương tính toán những công trình lớn, cấp địa phương đảm trách những công trình nhỏ. Vừa qua trong khi một số hệ thống công trình lớn khá tốt thì khâu thủy lợi nội đồng còn yếu. Đây chính là khâu mấu chốt, quan trọng. Nếu hệ thống thủy lợi nội đồng làm tốt thì nông dân có thể chủ động nước trong kênh, mương trên 2 tuần để tưới cho cây vào những ngày hạn, mặn cao điểm. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên ngành địa phương cần đồng hành, hỗ trợ nông dân thông qua công tác quan trắc, dự báo và lựa chọn, định hướng cây trồng vật nuôi thích nghi.

 Bộ NN-PTNT chủ trương khuyến khích tái cơ cấu nông nghiệp và thành tựu thực hiện vừa qua vì sao chưa được mở rộng ở ĐBSCL, thưa ông?

- Đã có những thành công ban đầu từ một số mô hình cánh đồng lớn (CĐL) trên cây lúa, từ đây có thể nhân rộng mô hình trên một số cây trồng vật nuôi khác như CĐL trên cây ăn trái, trồng màu, mía hay nuôi tôm…và điều kiện cần là phải có sự liên kết sản xuất, phải có doanh nghiệp tham gia vào mới thành công, làm sao doanh nghiệp và nông dân tham gia cùng có lợi. Thị trường nông sản chất lượng cao tuy có nhu cầu, nhưng có thể chưa nhiều. Doanh nghiệp đầu tư cao, không có lợi trước mắt. Trong khi doanh nghiệp nếu liên kết đầu tư đa phần nhắm vào sản phẩm cấp thấp.

Nhân viên Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (Tập đoàn Lộc Trời) thu mua lúa cho nông dân trong “Cánh đồng lớn” ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ảnh: M.T

  Theo chủ trương tái cơ cấu sản xuất của Bộ NN-PTNT, làm thế nào tổ chức sản xuất để nông dân sản xuất tạo sản phẩm có giá trị tăng cao, tăng thu nhập. Song, vấn đề gốc hiện nay cần thấy rằng một năm vùng ĐBSCL sản xuất ra bao nhiêu lúa, cây ăn trái, thủy sản…và tạo giá trị ra bao nhiêu? Trong đó bao nhiêu sản phẩm cấp cao, cấp trung bình, cấp thấp, từ đó phân vùng quy hoạch phải dựa trên cơ sở lợi thế về điều kiện sinh thái tự nhiên, cơ sở hạ tầng xã hội hiện có; tính toán giá thành sản xuất, dự tính sản lượng tìm lợi thế kinh tế…và sau đó về kỹ thuật, qui trình sản xuất có khuyến nông, khuyến ngư yểm trợ. Do đó nhà nước cần có chính sách, giải pháp đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp tham gia.

 Xin cám ơn ông.

HỮU ĐỨC (thưc hiện)

Chia sẻ bài viết