25/09/2015 - 15:15

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích lịch sử- văn hóa

Cần đầu tư trọng điểm, cụ thể

TP Cần Thơ có 27 di tích cấp Quốc gia và thành phố, gắn với quá trình phát triển của một đô thị trù phú, giàu truyền thống. Với định hướng phát triển du lịch sông nước miệt vườn gắn với di tích lịch sử- văn hóa, nhiều năm qua TP Cần Thơ không ngừng đầu tư, nâng cấp các điểm di tích này. Tuy nhiên, thực tế đang đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

* Chưa tạo được sức hút mạnh mẽ

Giữa tháng 9, đoàn giám sát của Ban Văn hóa– Xã hội, HĐND TP Cần Thơ khảo sát một số điểm du lịch, di tích trên địa bàn quận Cái Răng và Bình Thủy, nhằm đánh giá thực trạng và hiệu quả của công tác đầu tư trong thời gian qua. Quá trình khảo sát cho thấy các điểm du lịch, di tích bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình, di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Nam Nhã (còn gọi là Nam Nhã Đường, tọa lạc tại khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) là công trình có giá trị văn hóa lịch sử, tồn tại khoảng 120 năm (xây dựng năm 1895). Từ năm 2011- 2015, di tích này đã được đầu tư 2,53 tỉ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia để trùng tu, tôn tạo nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, xuống cấp. Khu vực bờ kè (khoảng 153m) trước chùa đang sạt lở, lún sâu. Việc sụp lún này không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà còn làm trụ chính ở cổng chùa có dấu hiệu nứt nghiêm trọng.

Vẻ đẹp cổ kính của chùa Nam Nhã. Ảnh: KIỀU MAI

Bà Trần Thị Xuân Mai, Trưởng ban Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND TP Cần Thơ, đánh giá: "Thời gian qua, công tác quản lý, duy trì, tôn tạo được quan tâm nhưng chưa thấu đáo, sát sao, kịp thời. Kinh phí cho công tác này vẫn còn thấp". Theo số liệu báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL), giai đoạn 2011- 2015, kinh phí đầu tư xây dựng, trùng tu tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử- văn hóa và phát triển làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch khoảng 140,677 tỉ đồng (từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và xã hội hóa) cho 20 hạng mục công trình. Tuy nhiên, việc đầu tư này vẫn chưa thực sự mang lại kết quả như mong đợi. Các điểm di tích chỉ đón đoàn khách nhỏ lẻ, đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên; rất ít du khách đến tham quan tìm hiểu.

Trong 20 công trình được đầu tư, chỉ 4 điểm đến là: Nhà cổ Bình Thủy, Đình Bình Thủy, Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, chùa Ông thu hút du khách. Những điểm khác rất hiếm khi có khách du lịch tham quan. Nguyên nhân, các điểm này hầu như không có các dịch vụ bổ trợ phục vụ du khách, khó kết nối tour, tuyến và giao thông đến điểm tham quan không thuận lợi. Chẳng hạn, Khu Tưởng niệm Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa được xây dựng rất đẹp, không gian rộng nhưng đơn điệu khi thiếu vắng các chương trình phụ trợ phục vụ vui chơi giải trí. Các điểm như chùa Nam Nhã, Căn cứ Vườn mận thì không có bến bãi đậu xe, đường nhỏ hẹp, xuống cấp…Vừa khó khăn về mặt địa lý, điểm đến chưa đủ đặc sắc nên rất ít du khách ghé tham quan. Bà Đào Thị Lang Phương, thành viên đoàn giám sát, cho biết: "Vấn đề còn nằm ở đội ngũ thuyết minh, nội dung và cách thuyết minh vẫn còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Đóng vai trò khách tham quan, chúng tôi chưa cảm nhận được nét đẹp, độc đáo ở các di tích, điểm đến qua cách thuyết minh sơ lược như vậy".

* Để phát huy giá trị, tiềm năng di tích

Trước thực trạng xuống cấp các di tích, điểm đến, ngành chức năng thành phố đang chung tay tìm giải pháp. Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cho rằng: "Sở VH, TT&DL cần xây dựng kế hoạch đầu tư các di tích, các điểm du lịch theo từng giai đoạn cụ thể, có trọng điểm, kịp thời đánh giá thực trạng, định hướng rõ ràng mới phát huy được tiềm năng". Theo ông Nguyễn Văn Khánh- Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng khảo sát để xây dựng lại bờ kè kiên cố, hạn chế tình trạng sụp lún nghiêm trọng ở chùa Nam Nhã. Về lâu dài, để phát huy tiềm năng du lịch địa phương, quận Bình Thủy đang xây dựng làng du lịch Cồn Sơn, cũng như có đề án về phát triển làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ theo công nghệ cao, trồng trong nhà kính để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, quận Bình Thủy đã có kế hoạch xây dựng Cơ quan Đặc ủy An Nam cộng sản Đảng ở vị trí mới với diện tích rộng hơn.

Vẻ đẹp của chợ nổi Cái Răng từng được tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới với mô tả "rực rỡ sắc màu nhiệt đới". Ảnh: KIỀU MAI

 

UBND quận Cái Răng cũng đang gấp rút thành lập Ban quản lý chợ nổi, đội vớt rác trên chợ nổi và phân luồng giao thông đường thủy để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho du khách. UBND quận Cái Răng cùng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố thực hiện nhiều đợt khảo sát, tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến xây dựng đề án "Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng". Kết quả, trên 80% ý kiến đồng tình phương án bảo tồn "kết hợp giữa nguyên trạng và có can thiệp sắp xếp điều chỉnh" chợ nổi Cái Răng. Ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhấn mạnh: "Việc xây dựng đề án sẽ tập trung vào các giải pháp, đặc biệt chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội cho bà con thương hồ, môi trường chợ nổi, vấn đề an toàn cho du khách… làm sao để tính khả thi cao nhất, gìn giữ được giá trị văn hóa đặc trưng của chợ nổi".

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL, cho biết: "Từ thực tế, ngành du lịch thành phố xác định định hướng lâu dài sẽ phát triển du lịch sông nước đô thị (điểm nhấn là chợ nổi Cái Răng) và du lịch Mice (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo). Do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án về du lịch sẽ được chú trọng ở một số quận, huyện: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền". Hiện trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều dự án như: khu nghỉ dưỡng và giải trí tại cồn Cái Khế do Công ty cổ phần du lịch Sông Hậu đầu tư, có diện tích 9,4 ha; khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi thủy sản ở cồn Ấu do Công ty TNHH Thương mại thủy sản Mekong Việt đầu tư, với diện tích gần 39 ha; khu đô thị du lịch sinh thái cồn Ấu do Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova đầu tư với diện tích trên 19 ha; sân golf cồn Ấu do Công ty Cổ phần Vinpearl đầu tư với quy mô khoảng 80 ha; dự án mở rộng Làng du lịch Mỹ Khánh của công ty TNHH Du lịch Mỹ Khánh, có diện tích 20 ha… Mặt khác, ngành du lịch thành phố cũng đang nỗ lực khôi phục các làng nghề truyền thống, điển hình là làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ (Bình Thủy), làng bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt), làng đan lợp Thới Long (Ô Môn) để gắn với phát triển du lịch.

Du lịch Cần Thơ đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để vừa phát triển du lịch vừa góp phần bảo tồn và phát huy các di tích, điểm đến một cách hiệu quả.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết